Lễ trao Giải Báo chí quốc gia lần thứ XII năm 2017
(Thethaovanhoa.vn) - Lễ trao giải Báo chí quốc gia lần thứ XII, năm 2017 được tổ chức trọng thể tối 21/6, tại Hà Nội.
- Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: Báo chí cần góp phần xây dựng niềm tin, phản bác các thông tin sai trái, thù địch
- Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc gặp mặt các cơ quan thông tấn, báo chí
Tới dự sự kiện trọng đại của những người làm báo Việt Nam năm nay có Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng; Chủ tịch nước Trần Đại Quang; Thường trực Ban Bí thư Trần Quốc Vượng; Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình; Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh; Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Võ Văn Thưởng; các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; đại diện các ban, bộ, ngành; các nhà báo lão thành cùng đông đảo nhà báo trong cả nước.
Thay mặt lãnh đạo Đảng và Nhà nước, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình biểu dương những nỗ lực của đội ngũ người làm báo cả nước, chúc mừng thành tích chung của những người làm báo cũng như các nhà báo được trao Giải Báo chí quốc gia năm 2017.
Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình vui mừng được biết, năm nay là năm có số lượng các tác phẩm báo chí tham dự Giải cao nhất từ trước đến nay, chất lượng các tác phẩm ngày càng được nâng lên. Điều này cho thấy sức thu hút của Giải Báo chí quốc gia và sự quan tâm, hưởng ứng tích cực của các cấp Hội Nhà báo trong cả nước.
Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ nhấn mạnh tình hình thế giới và khu vực sẽ tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường. Cùng với sự phát triển của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, báo chí đứng trước nhiều cơ hội phát triển thuận lợi, nhưng cũng đối mặt với nhiều thách thức mới. Nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước và nhân dân đặt ra cho báo chí sẽ ngày càng nặng nề hơn. Phó Thủ tướng đề nghị đội ngũ những người làm báo cần tiếp tục tuyên truyền có hiệu quả việc thực hiện Nghị quyết Đại hội XII của Đảng, Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4 (Khóa XII) về công tác xây dựng Đảng, Chỉ thị 05 của Bộ Chính trị về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, nhằm tiếp tục tạo sự đồng thuận xã hội, thống nhất cao về chính trị, tư tưởng, hành động trong Đảng và toàn xã hội, đối với sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc.
Báo chí cần tiếp tục nắm vững, tuyên truyền sâu rộng, kịp thời, có hiệu quả đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; coi trọng đúng mức việc phát hiện, biểu dương các nhân tố mới, điển hình tiên tiến; cổ vũ, nhân rộng các phong trào thi đua yêu nước, các tập thể, cá nhân điển hình tiên tiến, gương người tốt, việc tốt, củng cố, tăng thêm niềm tin của nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý, điều hành của Quốc hội, Chính phủ; quảng bá hình ảnh đất nước, con người Việt Nam, mở rộng giao lưu, hợp tác với các nước; tiếp tục phát huy vai trò, chức năng giám sát, phản biện xã hội tích cực của báo chí. Báo chí cần phải là một trong những lực lượng nòng cốt kịp thời phát hiện, đấu tranh phản bác âm mưu ''diễn biến hòa bình'', các quan điểm, luận điệu sai trái, vu cáo, xuyên tạc chống phá Đảng, Nhà nước và chế độ.
Các cơ quan báo chí, người làm báo cần nâng cao chất lượng tư tưởng, tính hấp dẫn của báo chí, phấn đấu hiện đại về mô hình tổ chức hoạt động, về cơ sở vật chất, kĩ thuật, công nghệ làm báo; tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng phẩm chất chính trị, trình độ nghiệp vụ, năng lực chuyên môn, ý thức chấp hành pháp luật, các quy định đạo đức nghề nghiệp của đội ngũ những người làm báo; tăng cường giới thiệu, quảng bá hình ảnh về đất nước, con người Việt Nam ra thế giới. Đặc biệt, báo chí cần làm tốt chức năng định hướng thông tin, dư luận xã hội trong việc tham gia tích cực vào cuộc đấu tranh kiên quyết bảo vệ chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc, bảo đảm môi trường hòa bình, ổn định để phát triển; chú trọng công tác quản lý các loại hình thông tin trên Internet để định hướng tư tưởng, thẩm mỹ cho nhân dân, nhất là cho thanh thiếu niên, như Đại hội XII của Đảng đã đề ra.
Các cơ quan chức năng tập trung đổi mới, tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước đối với hoạt động báo chí; coi trọng, chăm lo công tác xây dựng Đảng trong các cơ quan báo chí; đề cao trách nhiệm đảng viên của người làm báo, nhất là người giữ cương vị lãnh đạo.
Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình đề nghị các cấp, ngành làm tốt việc định hướng, cung cấp thông tin cho báo chí, nhất là đối với các vấn đề quan trọng, phức tạp, nhạy cảm về đối nội, đối ngoại; chấn chỉnh tình trạng xa rời tôn chỉ, mục đích, trùng lặp, chồng chéo về chức năng, nhiệm vụ của một số cơ quan báo chí. Bên cạnh việc biểu dương, khen thưởng những đóng góp tích cực, cần xử lý dứt điểm, kịp thời, nghiêm minh các sai phạm trong hoạt động báo chí.
Cùng với đó, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ đề nghị các cấp ủy Đảng, các bộ, ngành, địa phương, các đoàn thể tiếp tục nâng cao nhận thức, tăng cường trách nhiệm đối với hoạt động của Hội Nhà báo Việt Nam, thực hiện nghiêm túc quy định của Đảng, Nhà nước, quan tâm, tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa cho báo chí và Hội Nhà báo hoạt động có hiệu quả. Đặc biệt, các cơ quan, các cấp chính quyền cần thực hiện tốt quy định về phát ngôn, cung cấp thông tin cho báo chí; thực hiện tốt hơn nữa công tác phối hợp trong quản lý hoạt động báo chí từ Trung ương đến địa phương.
Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng Giải Báo chí quốc gia năm 2017, Nhà báo Thuận Hữu cho biết: Giải Báo chí quốc gia năm nay tiếp tục được tổ chức nghiêm túc, có chất lượng, ngày càng chuyên nghiệp. Đặc biệt, năm nay lần đầu tiên tất cả 63 Hội nhà báo tỉnh, thành phố đều tham dự Giải, khẳng định uy tín và sức thu hút cao của Giải.
Theo Nhà báo Thuận Hữu, quy trình tổ chức Giải được tiến hành nghiêm túc theo Điều lệ Giải, chuyên nghiệp, trách nhiệm và công tâm. Hội đồng Sơ khảo đã chấm sớm hơn các năm trước, từ hơn 1.730 tác phẩm đủ điều kiện dự giải chọn được 145 tác phẩm tiêu biểu vào Chung khảo. Hội đồng Chung khảo đã chấm, xem xét, thảo luận và quyết định trao giải cho 105 tác phẩm thuộc 11 loại giải dành cho báo in, phát thanh, truyền hình, báo điện tử và ảnh báo chí, trong đó có 8 giải A, 25 giải B, 43 giải C và 29 giải khuyến khích cho các tác giả, nhóm tác giả.
“Số tác phẩm đoạt giải của báo chí địa phương chiếm gần 50%. Tuy chưa có những tác phẩm thực sự gây tiếng vang lớn, nhưng đây là những tác phẩm tiêu biểu, tập trung phản ánh những vấn đề lớn của đất nước. Nhiều tác phẩm có tính phát hiện, tính phản biện, tính chiến đấu, tính nhân văn, có sức lan tỏa và hiệu ứng xã hội tích cực, được đầu tư bài bản. Các tác phẩm cho thấy công sức, trí tuệ, ý thức trách nhiệm, sự dấn thân, lòng yêu nghề và cách thể hiện đầy sáng tạo của các nhà báo...”- Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam chia sẻ.
Giải A thể loại Tin, bài phản ánh, phỏng vấn (Báo in) được trao cho Loạt 2 bài “Bài học sâu sắc về công tác cán bộ qua vụ Trịnh Xuân Thanh” của tác giả Nguyễn Văn Bắc (Bắc Văn) – Liên Chi hội Nhà báo Báo Nhân dân.
Giải A thể loại Xã luận, Bình luận, Chuyên luận (Báo in) thuộc về Loạt 5 bài “Phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa tại Việt Nam trong giai đoạn hiện nay” của nhóm tác giả Nguyễn Sĩ Dũng, Nguyễn Minh Phong, Hoàng Gia Minh, Hồ Quang Phương – Liên Chi hội Nhà báo Báo Quân đội nhân dân.
Giải A thể loại Phóng sự, Phóng sự điều tra, Ký báo chí, Ghi chép (Báo in) được trao cho Loạt 3 bài “Đường đi của cát Việt ra nước ngoài" của nhóm tác giả Nguyễn Hoài Phong (Vân Trường), Nguyễn Tri Anh (Lê Nam) – Báo Tuổi trẻ, Hội Nhà báo Thành phố Hồ Chí Minh.
Giải A thể loại Tin, bài phản ánh, phỏng vấn, bình luận, chuyên luận, tọa đàm, chuyên đề phát thanh tổng hợp (Phát thanh) thuộc về tác phẩm "Tinh giản bộ máy chính trị- đổi mới trước hết bắt đầu từ cấp trên” của nhóm tác giả Đồng Mạnh Hùng, Nguyễn Thị Thu Hòa, Nguyễn Thị Hằng – Liên Chi hội Nhà báo Đài Tiếng nói Việt Nam.
Giải A thể loại Phóng sự, phóng sự điều tra, bút ký (Phát thanh) thuộc về tác phẩm “Tích tụ, tập trung ruộng đất - đòi hỏi từ cuộc sống” của nhóm tác giả Nguyễn Thị Hương Lan, Nguyễn Phương Chi – Liên Chi hội Nhà báo Đài Tiếng nói Việt Nam.
Giải A thể loại Bình luận, giao lưu, tọa đàm (Báo hình) được trao cho tác phẩm “Dáng đứng Việt Nam” của nhóm tác giả Tạ Thị Bích Loan, Trần Quang Minh, Phạm Tuấn Bình, Phạm Thu Nga, Nguyễn Đức Hòa, Hoàng Quốc Lê, Phan Lạc Long, Nguyễn Thu Yến, Đặng Thị Hải Bằng, Trần Việt Hưng, Nguyễn Kết Luận – Liên Chi hội Nhà báo Đài Truyền hình Việt Nam.
Giải A thể loại Phim tài liệu truyền hình (Báo hình) thuộc về tác phẩm “Nơi ấy có thầy” của nhóm tác giả Nông Quốc Phong, Nguyễn Văn Ba, Trịnh Quốc Đông – Liên Chi hội Nhà báo Đài Truyền hình Việt Nam.
Giải A thể loại Tin, bài phản ánh, phỏng vấn, bình luận, tọa đàm, giao lưu trực tuyến (Báo điện tử) dành cho tác phẩm “Chuyến thăm Hoa Kỳ của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: Định hình khuôn khổ hợp tác đa phương đa dạng” của nhóm tác giả Nguyễn Hoàng Nhật, Võ Hoàng Long, Đồng Lê Huy – Báo Điện tử VietnamPlus, Liên Chi hội Nhà báo Thông tấn xã Việt Nam.
Năm nay, Liên Chi hội Nhà báo Thông tấn xã Việt Nam có nhiều giải thưởng cao. Trong đó có giải A và giải C thể loại Tin, bài phản ánh, phỏng vấn, bình luận, tọa đàm, giao lưu trực tuyến; giải B thể loại Xã luận, Bình luận, Chuyên luận (Báo in); giải B thể loại Phóng sự, Phóng sự điều tra, Ký báo chí, Ghi chép (Báo in); giải B và C thể loại Ảnh Báo chí; giải B thể loại Phóng sự, phóng sự điều tra, ký báo chí, ghi chép (Báo điện tử)…
Theo TTXVN