loading...
(Thethaovanhoa.vn) - Nhân dịp kỷ niệm 93 năm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam, sáng 20/6, tại Hà Nội, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã gặp mặt các nhà báo lão thành và lãnh đạo các cơ quan thông tấn báo chí trong cả nước. Cùng dự buổi gặp mặt có Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam, lãnh đạo nhiều ban, bộ, ngành Trung ương.
Tại buổi gặp mặt, thay mặt Lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao, nhiệt liệt biểu dương và chúc mừng sự nỗ lực và những thành tích của các cơ quan thông tấn báo chí và đội ngũ những người làm báo cách mạng Việt Nam đã đạt được trong thời gian qua.
Cầu nối hiệu quả giữa Đảng, Nhà nước, Chính phủ với nhân dân
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, 93 năm qua, dưới sự lãnh đạo của Đảng, báo chí Cách mạng Việt Nam luôn là lực lượng nòng cốt nhất, giữ vai trò quan trọng trên mặt trận tư tưởng, văn hóa, không ngừng trưởng thành vững mạnh về mọi mặt; đóng góp to lớn vào sự nghiệp cách mạng của Đảng, sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Thủ tướng nêu rõ, những năm qua, báo chí nước nhà đã thực hiện tốt nhiệm vụ thông tin, tuyên truyền chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, đưa tin đầy đủ, kịp thời tình hình trong nước và quốc tế, phản ánh kịp thời đời sống xã hội, phát hiện kịp thời nhân tố mới, mô hình hiệu quả, cách làm hay. Báo chí đã biểu dương gương người tốt việc tốt, phản bác những luận điệu xuyên tạc, sai trái, tiêu cực, góp phần tích cực đấu tranh phòng chống tham nhũng, lãng phí, bảo vệ chủ quyền quốc gia, tuyên truyền đối ngoại, đấu tranh phê phán những biểu hiện suy thoái về đạo đức, lối sống, qua đó, tạo sự đồng thuận xây dựng xã hội ngày càng tốt đẹp hơn.
Đồng hành cùng sự nghiệp đổi mới, xây dựng bảo vệ Tổ quốc, báo chí cách mạng Việt Nam đã không ngừng vươn lên, vượt qua khó khăn thách thức, là cầu nối hiệu quả giữa Đảng, Nhà nước, Chính phủ với nhân dân; lắng nghe ý kiến, tâm tư, nguyện vọng của nhân dân. Bản lĩnh chính trị và tính chuyên nghiệp của đội ngũ người làm báo ngày càng được nâng cao. Phát triển đa dạng, phong phú các loại hình báo chí truyền thống và hiện đại gồm báo in, báo nói, báo hình, báo điện tử và truyền thông đa phương tiện. Đội ngũ trên 36 ngàn người đang làm việc trong lĩnh vực báo chí với gần 850 cơ quan báo chí, hơn 18 ngàn nhà báo được cấp thẻ và hơn 22 ngàn hội viên Hội Nhà báo Việt Nam. Báo chí cách mạng thực sự là lực lượng trên mặt trận thông tin, truyền thông, thực sự là lực lượng xung kích trên mặt trận tư tưởng của Đảng, Nhà nước và nhân dân ta. Nhiều nhà báo đã trở thành những tấm gương sáng, nỗ lực quên mình vì sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
“Chúng ta rất cảm động trước những tấm gương nhà báo đã hy sinh, bị hành hung, gây thương tích trong khi làm nhiệm vụ báo chí thời bình; trong đó, gần đây nhất có nhà báo Đinh Hữu Dư – TTXVN, hy sinh khi tác nghiệp, đưa tin bão lũ tại Yên Bái”, Thủ tướng nói.
Công tác quản lý báo chí còn những bất cập
Bên cạnh những kết quả đạt được, Thủ tướng cho rằng báo chí nước nhà còn có những hạn chế, yếu kém cần khắc phục. Công tác quản lý báo chí còn những bất cập. Nhiều người làm báo, một số cơ quan báo chí còn chưa chủ động tích cực trong thực hiện nhiệm vụ đưa tin, chưa chú trọng nhiệm vụ chính trị, chưa bám sát tôn chỉ mục đích của báo chí, nhất là những thông tin tuyên truyền tạo đồng thuận xã hội.
“Có trường hợp còn chạy theo yếu tố thương mại, lợi ích nhóm, lợi ích cá nhân, đưa tin một chiều, giật gân, câu khách, gây bức xúc xã hội”, Thủ tướng nói.
Chưa có nhiều bài báo có chất lượng cao có tác động lớn, góp phần thúc đẩy, khơi dậy niềm tự hào, các nhân tố tích cực trong đời sống xã hội. Cá biệt có những nhà báo bị xử lý hình sự.
“Một số nhà báo không thực hiện trách nhiệm đưa tin trên báo chính thống mà viết bài thiếu tính xây dựng thể hiện quan điểm tiêu cực trên mạng xã hội”, Thủ tướng chỉ rõ.
Mong muốn các cơ quan thông tấn báo chí làm tốt hơn nữa nhiệm vụ thông tin, tuyên truyền đã được Đảng, Nhà nước và nhân dân tin tưởng giao phó, Thủ tướng nhấn mạnh, hoàn cảnh quốc tế và trong nước đòi hỏi đội ngũ những người làm báo phải tiếp tục đổi mới sáng tạo, nỗ lực phát huy vai trò, vị thế của báo chí trong việc đưa tin, định hướng dư luận, đóng góp nhiều hơn nữa vào sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa trong tình hình mới.
Thực hiện tinh thần trọng dân, gần dân
Trên tinh thần đó, Thủ tướng mong muốn các cơ quan thông tấn, báo chí và đội ngũ người làm báo cả nước tập trung tuyên truyền tính nhân văn, các vấn đề thời sự đảm bảo đúng chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước. Kiên quyết không để tình trạng báo chí giật gân, kích động trong từng hoạt động báo chí, Thủ tướng nêu rõ.
Báo chí cần thông tin nhanh nhạy, chính xác, khách quan trung thực, vừa là kênh phổ biến, tuyên truyền của Đảng, Nhà nước, thực hiện tinh thần trọng dân, gần dân, sát dân, có trách nhiệm với dân, phản ánh kịp thời, trung thực những nguyện vọng, ý kiến, truyền tải những thông tin thiết thực đến toàn thể nhân dân, xây dựng Chính phủ liêm chính, kiến tạo và hành động phục vụ nhân dân và doanh nghiệp với phương châm 10 chữ: Kỷ cương, liêm chính, hành động, sáng tạo, hiệu quả.
Cùng với đó, báo chí cần tiếp tục phát huy vai trò lực lượng nòng cốt chống lại các thế lực thù địch, bảo vệ chủ quyền, lãnh thổ thiêng liêng của Tổ quốc; chủ động bác bỏ những luận điệu bôi nhọ, xuyên tạc, vu khống, gây chia rẽ nội bộ, làm mất đoàn kết trong Đảng và trong xã hội.
Thủ tướng cũng đề nghị các cơ quan chủ quản và lãnh đạo các cơ quan báo chí cần nâng cao vai trò quản lý, thường xuyên quan tâm đến việc đào tạo bồi dưỡng đội ngũ nhà báo, người làm báo có phẩm chất chính trị vững vàng; giỏi về chuyên môn, đạo đức nghề nghiệp trong sáng, có trách nhiệm xã hội và ý thức công dân.
Thủ tướng đề nghị quản lý tốt hơn đội ngũ phóng viên, người làm báo, xử lý nghiêm các trường hợp có bài viết kích động không theo đường lối chủ trương, chính sách của Đảng của Nhà nước, không để tình trạng “con sâu làm rầu nồi canh”.
Bảo đảm thu nhập, đời sống của nhà báo
Trong bối cảnh hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, xu hướng phát triển mạnh mẽ của công nghệ thông tin và truyền thông đòi hỏi đội ngũ làm báo phải nhanh chóng tiếp cận với công nghệ truyền thông mới, phương pháp làm báo mới. Báo chí dưới mọi hình thức đều phải nhanh nhạy, cập nhật công nghệ mới.
Thủ tướng đề nghị khi có vấn đề phức tạp, gây bức xúc dư luận thì các nhà báo phải thông tin kịp thời đến cơ quan chức năng để thống nhất định hướng xử lý, cung cấp thông tin đầy đủ kịp thời cho người dân. Đặc biệt là các cơ quan báo chí truyền thông lớn như TTXVN, Báo Nhân dân, VTV, VOV…phải đi đầu trong thực hiện nhiệm vụ này, phát huy vai trò gương mẫu trong thông tin, tuyên truyền.
Trước thực trạng nhiều thông tin trái chiều trên mạng xã hội, bị các đối tượng xấu lợi dụng, Thủ tướng lưu ý các cơ quan báo chí cần đẩy mạnh tuyên truyền để cả đội ngũ nhà báo, cán bộ, công chức và toàn xã hội và người dân vào cuộc, nhận thức đúng, tích cực đưa tin phản bác. Các thông tin sai, trái trên mạng xã hội cần được phản bác công khai, kịp thời, góp phần củng cố niềm tin của quần chúng nhân dân, cộng đồng doanh nghiệp, nhà đầu tư trong và ngoài nước.
Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành nghiên cứu, rà soát, hoàn thiện các cơ chế, chính sách liên quan, bảo đảm thu nhập, đời sống của nhà báo, người làm báo, người lao động trong các cơ quan báo chí. Quan tâm tới vấn đề kinh tế báo chí, thu nhập của người làm báo nhưng không để mặt trái cơ chế thị trường tác động làm cho báo chí bị thương mại hóa, làm sai tôn chỉ
mục đích, đi chệch định hướng.
Thủ tướng đề nghị cơ quan quản lý nhà nước về báo chí cần tiếp tục rà soát, hoàn thiện hệ thống pháp luật và triển khai thực hiện quy hoạch báo chí theo đề án đã được Bộ Chính trị, Trung ương Đảng thông qua, vừa bảo đảm quản lý tốt, vừa tạo điều kiện cho báo chí phát triển.
Thủ tướng cũng yêu cầu các Bộ, ngành, địa phương , đặc biệt người phát ngôn các cơ quan chức năng phối hợp chặt chẽ với cơ quan truyền thông kịp thời thông tin cho báo chí những vấn đề nổi cộm dư luận quan tâm; chú trọng sự phối hợp của các cấp, các ngành để phát huy vai trò tiên phong, xung kích của báo chí cách mạng của đội ngũ nhà báo, người làm báo nhất là với vấn đề bức xúc, nhạy cảm.
Thủ tướng yêu cầu Bộ Công an và các địa phương, các cơ quan chức năng xử lý nghiêm hành vi cản trở, đe doạ, xâm phạm trên mọi hình thức đối với nhà báo trong thực thi nhiệm vụ. Nhà báo, người làm báo chân chính phải được bảo đảm an toàn cho bản thân, gia đình, phải được tạo mọi điều kiện thuận lợi để thực hiện tốt nhiệm vụ được giao.
Sáng 20/6, tại Hà Nội, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc gặp mặt đại diện các cơ quan thông tấn, báo chí trên cả nước, nhân dịp kỷ niệm 93 năm ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam (21/6/1925-21/6/2018).
TTXVN/Quang Vũ
loading...