Lê Công Thành - người dấn thân hàng đầu
(Thethaovanhoa.vn) - Nhà điêu khắc Lê Công Thành (sinh năm 1931) vừa vĩnh viễn ra đi vào ngày 28/3 vừa qua. Ông là nhà điêu khắc hiện đại có những cách tân sớm ngay từ thập niên 1970 và hoạt động trên nhiều lĩnh vực hội hoa, làm thơ, viết phê bình, tùy bút...Nhân dịp này, Thể thao & Văn hóa (TTXVN) xin gửi tới độc giả bài viết về ông của nhà phê bình Phan Cẩm Thượng.
1.Tôi được gặp ông vào những năm 1979 -1980, khi ông thường xuyên đến nói chuyện về nghệ thuật và tượng đài trong câu lạc bộ tối ở trường Đại học Mỹ thuật Hà Nội. Sau đó, tôi cùng khoa Điêu khắc và ông đi sáng tác tượng đá ong ở Thạch Thất, Sơn Tây. Tại đây, ông làm bức tượng Người tử tù, với những khối vuông vức. Do đá ong không thể tỉa tót, chi tiết, nên hợp với cách thức tạm gọi là lập thể lúc đó. Phong cách Lập thể và chủ nghĩa Hiện đại nói chung đang hấp dẫn các nghệ sỹ Việt Nam.
Bẵng đi một thời gian dài, năm 1998, ông mời tôi đến nhà ở khu tập thế Vĩnh Hồ. Ngoài căn hộ được phân, ông mua thêm căn nữa bên cạnh để sáng tác. Hàng trăm tác phẩm được làm bằng đồng nhỏ, như chuẩn bị trước, có ngày sẽ phóng to.
Ông nói rằng: 20 năm nay, hội Mỹ thuật không ai biết tôi làm gì, cả chị Giáng Hương (chủ tịch) nhà ngay gần đây cũng không biết tôi làm gì. Ông yêu cầu, tôi có nhận xét: “Mỗi bức tượng của anh, đều là một phương án, có khả năng thay đổi và phóng to, bao nhiêu cũng được”. Có lẽ, ông đồng ý với nhận xét của tôi, nên có vài cuộc gặp nữa. Nhưng dù muốn gặp ông, hay ông muốn gặp ai, ông cũng xin phép chúa trời của riêng mình, ngài đồng ý cuộc hẹn mới diễn ra, qua điện thoại của chị Kim Thái.
Tôi lúc đó đã ghi lại thế này: Lê (tức Lê Công Thành) không mời ai đến chơi nhà mình, cũng không gặp ai, đến với ai, nếu Ngài (tức chúa trời của riêng ông) không cho phép. Tất cả những nơi Ngài cho Lê đến nhìn kỹ ra đều là những cái nóng bỏng của đời sống và nghệ thuật. Lúc đó, Lê sẽ bảo vợ là họa sỹ Kim Thái gọi điện trước cho đối tượng cần gặp, thậm chí khi Lê công gọi điện thì cũng là vợ nói trước. Bà là người phụ nữ tuyệt vời, lấy sự hy sinh cho chồng làm hạnh phúc.
2. Thi thoảng tôi được đại sứ của Ngài (tức Lê Công Thành) đến chơi, nói chuyện. “Đại sứ” ghi chép rất cẩn thận bằng bút chì vào những tờ giấy trắng, rồi chắp tay nói rằng: “Cảm ơn Ngài, đã thông qua Thượng (Phan Cẩm Thượng - TT&VH) nói cho con những điều cần thiết”. Tôi cũng lấy làm lạ, hóa ra mình chỉ là cái mồm của Ngài. Hay có khi thế thật.
Bữa nọ, tôi được phép đến chơi “đại sứ quán” của Ngài (tức nhà Lê Công Thành), ngồi dưới một tác phẩm chỉ là cái sinh thực khí phụ nữ - một tấm đồng dầy cong lên, Lê rạch một nhát chính giữa làm hai mép rạch quăn lại, những chiếc đũa đồng gắn đều hai bên. Rất mạnh mẽ, biểu cảm, gợi dục và tôn kính. Những cảm giác đó hàm chứa trong cái Yoni đến thước vuông, quả là đáng nể. Ngoài ra nhiều tranh tượng rất đẹp, nhưng dưới góc độ tạo hóa chưa đáng bàn
Lê cho phép tôi nói năng xong, chỉ sang người học trò đi cùng: “Cho phép cô hỏi một câu”. Cô này không sợ hãi, mà bất ngờ choang cho Lê một chưởng: “Bác làm nhiều việc hay như vậy, thế thì bác làm được gì cho bác gái?”. Câu trả lời cũng thật bất ngờ: “Tôi làm được ba điều cho Kim Thái. Một tôi làm cho cô ấy thành đàn bà. Hai tôi làm cho cô ấy thành xinh đẹp. Ba tôi làm cho cô ấy thành nghệ sỹ”.
3.Rồi hôm khác, Ngài chỉ thị Lê sẽ gặp tôi ở một quán cà phê sang trọng. Gặp tôi, Lê rút bút chì: “Hôm nay Ngài bảo tôi đến gặp Thượng. Những điều Thượng nói không quan trọng, mà tôi sẽ để ý đến cách Thượng nói”.
- Thành Chương thế nào ?
- Đang đi ngang.
- Lê Thiết Cương thế nào ?
- Đang đi lên.
- Sắp đặt và Trình diễn thế nào ?
- Đang cấp cứu cho môi trường.
- Có gì ở trên Thượng không ?
- Có trời, nhưng trời lại vốn không có trên, không có dưới, không có trong, không có ngoài. Có lẽ cha mẹ con cái ở trên mình, vì họ thế nào, mình cũng bó tay.
- Vậy cậu là người có đạo. Tôi tạm gọi là thế. Tôi cũng là người có đạo. Tính từ mới sinh đến 60 tôi là trẻ con. Từ 60 đến 78, tôi đi học. Sau đó tốt nghiệp, Ngài bảo tôi học xong thì đi thực tập. Tôi hỏi đi đâu ạ. Ngài nói đi đến chỗ nào con chưa từng đến. Tôi tính nghệ thuật thì mình sinh ra ở đó, không cần đến nữa, quan chức cũng đã biết mà hay gì, tiền bạc không thừa không thiếu, cũng không đáng bàn. Nước trong nước ngoài đã đi. Vậy đến đâu thực tập nhỉ....
Sau thời gian đó, khoảng 2006, tôi lại không gặp ông thường xuyên nữa, mà chỉ thi thoảng thấy ông đến vài triển lãm mỹ thuật, nhưng không nói chuyện gì.
Chắc cũng không cần nói về thành tựu của ông nữa, người có một quảng thời gian sáng tác dài, hoàn thiện cái nghĩa điêu khắc Việt Nam Hiện đại (Modern Art), cùng với những người đương thời, như Nguyễn Hải, Đinh Rú, Hứa Tử Hoài, Tạ Quang Bạo, mà ông là người dấn thân hàng đầu.
Tôi muốn nói đến sự dấn thân của một nghệ sỹ, dám sống và dám làm những việc không ai dám.
“Tôi không còn quan tâm đến làm điêu khắc nữa. Tôi không còn muốn khám phá điều gì mới mẻ. Chiếc cốc đã đầy, không thể đổ thêm nước vào nữa, bởi vì nó vô nghĩa.” (Lê Công Thành) |
Phan Cẩm Thượng