Lễ bỏ mả của người Raglai được công nhận là Di sản Văn hóa phi vật thể cấp quốc gia
(Thethaovanhoa.vn) - Tối 30/1, tại xã Phước Chiến, huyện Thuận Bắc (Ninh Thuận), UBND tỉnh Ninh Thuận tổ chức Lễ đón bằng chứng nhận lễ bỏ mả của đồng bào người Raglai là Di sản Văn hóa phi vật thể cấp quốc gia.
Lễ bỏ mả là nghi lễ quan trọng nhất trong các nghi lễ vòng đời của người Raglai - lễ chia tay vĩnh viễn giữa người sống và người chết để người chết được trở về thế giới vĩnh hằng. Lễ được thực hiện từ năm thứ ba đến năm thứ năm, tùy theo điều kiện và hoàn cảnh gia đình có thể tổ chức sớm hơn. Lễ bỏ mả của đồng bào Raglai được thể hiện bằng nhiều loại hình nghệ thuật như: Kiến trúc, điêu khắc, hội họa, âm nhạc, múa, trình diễn...
Theo lãnh đạo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Ninh Thuận, Lễ bỏ mả có ý nghĩa quan trọng trong đời sống tinh thần của tộc người Raglai ở Ninh Thuận. Lễ bỏ mả thường được tổ chức vào khoảng tháng ba, tháng tư dương lịch. Thời gian tổ chức từ 3 - 5 ngày, quy mô rộng lớn, thu hút cả làng và nhiều làng khác tham gia. Lễ bỏ mả của người Raglai thể hiện tình cảm, trách nhiệm của người sống đối với người chết. Đây cũng là dịp đền ơn, đáp nghĩa công lao ông bà, báo hiếu cha mẹ, thể hiện tình làng nghĩa xóm gắn kết bền chặt.
- Chờ “nâng cấp” lễ hội Tản Viên Sơn Thánh thành di sản thế giới
- Đề nghị du khách không sử dụng dịch vụ 20 nhà nghỉ trái phép xâm phạm Di sản Tràng An
Ngày 30/10/2018, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã ban hành Quyết định số 4069/QĐ-BVHTTDL công bố danh mục Di sản Văn hóa phi vật thể quốc gia, đợt XXV. Trong đó, Lễ bỏ mả của người Raglai ở Ninh Thuận là một trong 8 Di sản Văn hóa phi vật thể được đưa vào danh mục Di sản Văn hóa phi vật thể quốc gia.
Ngoài công tác bảo tồn, tôn vinh các giá trị di sản văn hóa phi vật thể, nâng cao nhận thức và tinh thần trách nhiệm đối với việc bảo tồn, lưu giữ giá trị di sản văn hóa, đây còn là lợi thế rất lớn để tỉnh Ninh Thuận phát triển du lịch tâm linh tại địa phương.
Công Thử - TTXVN