Lao máy múc xuống cứu đê: Nhớ thời nắm tay nhau làm 'cọc sống'
(Thethaovanhoa.vn) - Trong ký ức của người Việt xưa, ít có mối đe doạ nào khủng khiếp hơn là vỡ đê. Thời xưa chưa có bom thì sức công phá mạnh mẽ, bất ngờ nhất là sức nước khi "Tổ kiến hổng sụt toang đê vỡ".
Nước sông Hồng thì năm nào cũng lên, mà thường xuyên lên to vào thời chưa được điều tiết bởi các hồ thuỷ điện. Đê sông Hồng riêng thời Tự Đức mười mấy lần vỡ. Thời Pháp, cứ ba năm thì có một năm đê vỡ. Các trận lụt năm 1893, năm 1915 làm bốn tỉnh hữu ngạn sông Hồng ngập chìm trên ba tháng trời, tác động mạnh đến dư luận nước Pháp, buộc thực dân Pháp phải thực hiện một số kế hoạch củng cố đê điều.
Con đê đất đắp bền bỉ cả ngàn năm, nhưng cũng chính vì thế mà chắp vá, đó là chưa kể đến thực trạng đê được đắp càng cao thì đáy sông Hồng cũng càng cao lên theo (do hiện tượng bồi lắng). Có con tính cho rằng cốt đáy sông Hồng còn cao hơn mặt sân ga Hàng Cỏ.
Nhưng đó là chuyện quá khứ. Đã khá lâu rồi, người đồng bằng ung dung sống cả trong và ngoài đê sông Hồng cũng như nhiều con sông khác ở đồng bằng. Lũ thì vẫn có, nhưng về đến trung và hạ lưu sông Hồng thì chẳng còn bao nhiêu. Mười mấy năm nay dân sống ngoài đê Hà Nội chưa từng biết đến đi đò trong làng, trong phố và hầu hết đều đã thanh lý con đò gác trên mái sân thượng, đồng thời hạ cốt nền nhà (vì làm gì còn lũ nữa).
Những cái điếm canh đê (khoảng 1km có một chiếc) giờ trở nên lạ lẫm, trẻ con không hiểu để làm gì. Khẩu hiệu "Phòng chống lụt bão cả làng cùng lo", nhưng thật khó giải thích cho bọn trẻ hiểu cái cảnh trống đánh liên hồi, cả làng xông lên mặt đê để chống giặc nước như thời Sơn Tinh đánh Thuỷ tinh. Cái từ "hộ đê" với nghĩa phòng bà bầu đột ngột trở dạ sẽ trở nên khó hiểu nếu không biết chuyện canh phòng đê điều mùa lũ phải cẩn mật như thế nào. Mà văn học nghệ thuật lâu lắm rồi cũng không hề miêu tả đến chuyện hộ đê, tỉ như chuyện nắm tay nhau làm "cọc sống" để cứu đê từng làm rung động bao trái tim trai gái thanh niên.
Không thể phủ nhận là đê điều đã vững chãi hơn nhiều, đến mức người Hà Nội và vùng đồng bằng sông Hồng nói chung thời gian gần đây cứ tựa lưng vào nó mà quên đi mùa nước lũ. Tất nhiên, trong khi nỗi ám ảnh vỡ đê sông giảm đi thì lại xuất hiện nỗi lo khác, kinh hoàng không kém, ngập lụt trong nội thị, nội đồng do tiêu thoát nước kém. Ở nhiều nơi khác thì là nỗi lo vỡ đập của các hồ chứa nước.
***
Thế mà đùng một cái nghe nói vỡ đê bao ở Hà Nội, tất nhiên không phải đê sông Hồng mà là đê bao sông Bùi 2.
Chẳng biết là "vỡ có kế hoạch, vỡ nằm ở trong khu thoát lũ chứ không phải bất ngờ" thế nào, nhưng cứ nhìn những bức ảnh nước ngập mênh mông ở Chương Mỹ mà rầu lòng. Những ngày này, phương tiện duy nhất để đi lại ở thôn Nhân Lý là những chiếc thuyền, mủng. “Chúng tôi không thể nấu nướng, hạn chế việc tắm giặt hết mức. Mọi người phải ăn mì tôm hoặc đi ăn nhờ ở nhà nào không bị ngập cho qua bữa”, ông Nguyễn Văn Miền (46 tuổi) nói trên báo Vietnamnet.
Đã lâu lắm nhiều người Hà Nội mới giật mình nghĩ đến đê, và những gì ở phía ngoài con đê, không hề yên bình thơ mộng như mấy chục năm qua.
Giờ đây, chả cứ ở Hà Nội, trên khắp đồng bằng sông Hồng, vào đến cả sông Mã, sông Vinh... đều sốt xình xịch chuyện đi hộ đê, hộ đập. Giặc nước năm nay hoành hành ít thấy. Hoá ra nỗi lo biến đổi khí hậu đang là nhỡn tiền. Và nếu ai có trót chủ quan với chuyện "vỡ đê" trong nhiều năm qua thì nên hiểu rằng đó cũng chỉ là khoảng lặng trước cơn bão. Vì các hồ chứa có thể điều tiết phần nào để nước không lên to, nhưng sự điều tiết ấy là có giới hạn, chưa kể chính các hồ chứa ấy cũng có nguy cơ vỡ. Cả vỡ đê lẫn vỡ đập.
***
Nhưng cũng chính trong cảnh "Phòng chống lụt bão cả làng cùng lo" đã bật lên những câu chuyện bất ngờ cảm động. Rất nhiều nơi nhân dân cùng lực lượng chức năng đã xông pha trong mưa lũ để hộ đê.
Một clip được lan truyền cho thấy lực lượng hộ đê ở Thanh Hoá đã chấp nhận lao cả máy xúc xuống chỗ đê vỡ để hàn khẩu. Số là tại Trạm bơm thủy lợi Quang Hoa, xã Xuân Minh (Thọ Xuân), một đoạn đê sông Cầu Chày bị vỡ. Nếu không hy sinh chiếc máy xúc và gia cố kịp thời thì hàng chục ngàn hộ dân sẽ bị ảnh hưởng.
Ông Ninh Quang Vinh, ông chủ của chiếc máy xúc, chia sẻ: “Lúc đó, tình thế rất nguy cấp, trong đầu tôi chỉ nghĩ, bằng mọi giá phải vá cho bằng được chỗ thủng của đê nhằm tránh một thảm họa đáng tiếc có thể xảy ra, kể cả 2 hoặc 3 cái máy múc, ô tô tôi cũng sẵn sàng bỏ ra để vá đê”
Trong hoạn nạn mới biết lòng dân. Câu chuyện nắm tay nhau làm "cọc sống" để hàn khẩu chỗ đê vỡ có thể không xảy ra trong thời hiện tại nhưng sự đoàn kết, hy sinh cứu đê vỡ thì vẫn còn nguyên.
Đông Kinh