Lần đầu sau hơn 30 năm, đĩa than bán chạy hơn CD
(Thethaovanhoa.vn) - Đĩa than (vinyl, hay còn được gọi tắt là record) là một trong những phát minh hàng đầu ở đầu thế kỷ 20 trong việc phục vụ khán giả yêu âm nhạc. Mới đây, theo báo cáo của Hiệp hội Công nghiệp ghi âm Hoa Kỳ (RIAA), lần đầu tiên trong lịch sử cho thấy doanh số bán đĩa than vượt qua doanh số của CD tại quốc gia này.
Đĩa than là một hình thức đồng bộ tín hiệu âm thanh vào lưu trữ dạng đĩa với chất liệu polyvinyl clorua (trước đây là sơn cánh kiến) và được ghi theo từng rãnh với độ dập nổi khác nhau. Chúng được phân loại theo đường kính (đo bằng đơn vị inch), tốc độ quay và độ dài tương ứng dung lượng (LP: 33,3 vòng/phút; SP: 78 vòng/phút; EP: 33 hoặc 45 vòng/phút).
Sự ra đời của đĩa than
Từ khoảng 3 thế kỷ trước, âm nhạc được “mặc định” nằm trong các nhà hát lớn, vô cùng hoành tráng, lộng lẫy với đầy đủ nhạc cụ. Thời đó, việc nghe nhạc ít được phổ biến như thời nay, bởi điều kiện cũng như thời gian không cho phép. Không phải ai cũng có thể đến nhà hát và không phải lúc nào dàn nhạc giao hưởng cũng có thể biểu diễn các bản nhạc có thời lượng ngắn.
Do vậy để thuận tiện hơn trong việc thưởng thức âm nhạc, máy hát (hay còn gọi là máy hát đĩa) được nhà bác học người Mỹ - Thomas Edison phát minh vào năm 1877. Máy hát có hình ống trụ được ông quấn bằng các lá thiếc và nhờ một mũi kim dao động theo các rung động của âm thanh tạo ra các đường rãnh có độ sâu khác nhau trên lá thiếc. Ông ghi lại được bài hát Mary Had A Little Lamb, sau đó sử dụng một cây kim để tái hiện bản thu âm này.
10 năm sau, Emile Berliner đã sáng chế ra chiếc máy quay đĩa đầu tiên. Tới năm 1900, công ty sản xuất máy hát của Berliner cũng bắt đầu đưa ra thị trường một đĩa nhạc có đường kính 7inch (17,78cm), tốc độ 70 vòng/phút.
Từ năm 1913, đĩa nhạc trở nên khá phổ biến, những chiếc đĩa nhạc thương mại thời đó được làm từ một hỗn hợp chất liệu tự nhiên gọi là shellac, bao gồm nhựa cánh kiến Ấn Độ trộn với một số sợi xenlulô khác. Đến năm 1930, chất liệu shellac được thay thế bằng nhựa tổng hợp, nhưng chất liệu này vẫn có những nhược điểm như gây tiếng ồn, giòn và dễ vỡ hơn shellac.
Năm 1948, hãng Columbia Records tiếp tục cải tiến và cho ra mắt đĩa nhạc có đường kính 12inch (30,48cm) từ chất liệu polyvinyl clorua, tốc độ 33,3 vòng/phút. Với loại đĩa này, khả năng ghi âm được kéo dài hơn so với trước. Do đó, người ta gọi chúng là long play (viết tắt là LP).
Một năm sau đó, hãng RCA Records cũng giới thiệu loại đĩa đơn (extended play - EP) 45 vòng/phút. Đây là bước ngoặt lớn khi một đĩa 45 vòng có thể lưu trữ một lượng thông tin tương đương một đĩa 78 vòng (single play - SP), đường kính vẫn là 12inch. Không chỉ vậy, loại đĩa này lại bền và nhẹ hơn.
Từ đó, đĩa than đã mở ra một kỷ nguyên mới cho người thưởng thức âm nhạc toàn cầu. Một chiếc máy quay đĩa, tuy có giá cao ở thời điểm bấy giờ, nhưng thực tế vẫn kinh tế và tiện lợi hơn nhiều so với việc phải đến nhà hát.
Cuối thế kỷ 20, sự ra đời của đĩa CD đã chiếm ưu thế trên toàn thị trường. Đĩa than bớt xuất hiện kể từ năm 1991. Tuy nhiên, nó vẫn được tiếp tục sản xuất cho tới tận ngày nay. Sang thế kỷ 21, đĩa CD cũng dần bị thay thế bởi sự nhỏ gọn, tiện lợi của những thiết bị nghe nhạc di động như iPod hay Walkman... và nhất là “thời đại” của phát nhạc trực tuyến.
Sự trỗi dậy trong những năm gần đây
Những năm trở lại đây, người ta chứng kiến sự trỗi dậy mạnh mẽ do nhu cầu tiêu dùng đĩa than của người nghe nhạc trên toàn cầu tăng lên. Và một phần cũng do đa số người tiêu dùng đĩa CD ngày càng giảm mạnh. Chủ tịch của Warner Records từng chia sẻ với Rolling Stone rằng: “Dù ngày nay, đĩa than chỉ chiếm tỷ lệ nhỏ trong công việc kinh doanh của chúng tôi, nhưng đó là một sản phẩm gợi cảm, thú vị. Nó thể hiện cho sự đầu tư vào âm nhạc giàu cảm xúc”.
Năm 2018, nhóm nhạc The Beatles vẫn bán được hơn 300.000 đĩa than. Trong khi các nghệ sĩ như Pink Floyd, David Bowie, Fleetwood Mac, Led Zeppelin, Jimi Hendrix và Queen đều bán được hơn 100.000 đĩa.
- Ngành công nghiệp đĩa than thế giới điêu đứng vì cháy nhà máy Apollo Masters
- Sự trỗi dậy của thị trường đĩa than hoài cổ
- Thực chất cơn sốt đĩa than: Được yêu, nhưng không bùng nổ
- Khai phá thị trường đĩa than Việt Nam: Cuộc chơi mạo hiểm?
Nửa đầu năm 2019, Hiệp hội Công nghiệp ghi âm Hoa Kỳ (RIAA) báo cáo đĩa than kiếm được 224,1 triệu USD (từ 8,6 triệu đĩa). Đĩa CD kiếm được 247,9 triệu USD (từ 18,6 triệu đĩa). Điều đó cho thấy doanh thu từ đĩa than tăng 12,8% trong nửa cuối năm 2018, trong khi doanh thu từ đĩa CD hầu như không mấy thay đổi.
Theo báo cáo mới nhất từ RIAA cho nửa đầu năm 2020, tổng doanh thu từ các loại đĩa nhạc chỉ có 376 triệu USD, giảm 23% so với cùng kỳ năm ngoái. Nguyên nhân chính cho sự sụt giảm này là vì các cửa hàng âm nhạc phải đóng cửa để phòng dịch Covid-19. Trong đó, đĩa than thu về 232,1 triệu USD, vượt xa doanh thu 129,9 triệu USD của đĩa CD, cho thấy doanh thu của đĩa than chiếm tới 62% tổng doanh thu từ các loại đĩa nhạc.
Và như vậy, những chiếc đĩa than sẽ lại tiếp tục kéo dài vòng đời của mình, cho thấy những người yêu âm nhạc phần nào vẫn còn yêu thích những giá trị xưa cũ và chất lượng âm thanh mà nó mang lại. Song, những chiếc đĩa than ngoài mục đích nghe nhạc còn là một món đồ rất “đáng” để sưu tầm.
Thành Quách