Lạm phát kỷ lục ảnh hưởng đến người dân Italy
Năm 2022, người dân tại Italy đã phải trả số tiền nhiều hơn cho lượng hàng hóa ít hơn, một dấu hiệu cho thấy cuộc khủng hoảng chi phí sinh hoạt đã tác động như thế nào đến đời sống của người dân nước này.
Phóng viên TTXVN tại Rome dẫn số liệu do Cơ quan Thống kê Quốc gia Italy (ISTAT) công bố cho thấy doanh số bán lẻ năm 2022 tại nước này tăng về giá trị (4,6%) nhưng lại giảm về số lượng (-0,8%) so với năm 2021. Điều này có nghĩa là trung bình người dân tại Italy đã phải trả thêm 4,6% số tiền cho mức giảm 0,8% hàng hóa trong năm 2022.
Theo ISTAT, doanh số bán lẻ đã tăng ở cả 4 quý của năm 2022 và ở tất cả các hình thức phân phối, với các mức độ khác nhau. Các số liệu được tính bao gồm doanh số bán lẻ các loại hàng hóa tiêu dùng như thực phẩm, quần áo, đồ nội thất và đồ điện tử, theo cả hình thức bán trực tuyến và tại cửa hàng.
Xét theo tháng, doanh số bán lẻ tháng 12/2022 tăng 3,4% về giá trị nhưng giảm 4,4% về khối lượng so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, so với tháng liền trước, con số này giảm 0,2% về giá trị và 0,7% về số lượng.
Cũng theo số liệu của ISTAT, kinh tế Italy đã đạt mức tăng trưởng 3,9% trong năm 2022, cao hơn hầu hết các dự báo. Tuy nhiên, tốc độ tăng trưởng này không theo kịp mức lạm phát 8,1% ghi nhận cùng năm, mức cao nhất kể từ khi Italy bắt đầu sử dụng đồng euro năm 1999. Lạm phát tại Italy đã đạt mức cao nhất vào tháng 10 và tháng 11 năm ngoái khi lên tới con số 11,8%, chủ yếu do giá năng lượng tăng cao.
Hiện tỷ lệ này đang có xu hướng giảm dần (11,6% trong tháng 12/2022 và 10,1% trong tháng 1/2023) nhưng tỷ lệ lạm phát cơ bản trong tháng 1 lại tăng lên 6,0% (từ mức 5,8% trong tháng 12), báo hiệu áp lực giá năng lượng vẫn chưa chấm dứt. Điều này sẽ tác động đến tăng trưởng ngắn hạn tại Italy và chính phủ mới ở nước này dự kiến sẽ có biện pháp can thiệp nếu giá xăng tăng trở lại mức trên 2 euro/lít. Giá nhiên liệu đã tăng đáng kể kể từ khi chính phủ chấm dứt cắt giảm thuế tiêu thụ đặc biệt đối với nhiên liệu vào đầu năm nay.