Làm HLV ở Việt Nam cần nhất “phẩm chất” nghe lời?
(TT&VH) - Có một sự thật là trước đây, ngay cả khi HLV Henrique Calisto đang trong chu kỳ thành công rực rỡ cùng bóng đá VN thì nhà cầm quân người Bồ Đào Nha không hẳn đã được lòng toàn bộ các “sếp” ở VFF. Thế thì thật ngạc nhiên với cách HLV Falko Goetz, một người mới đến, lại có thể “đắc nhân tâm” dù vừa thất bại khá thảm hại.
Có thể tạm gạt bỏ các lý do liên quan đến bóng đá, bởi nếu nói về chuyên môn (và thành tích), đáng nhẽ điều ngược lại phải xảy đến với nhà cầm quân người Đức. Vậy thì nó chỉ còn là phạm trù tính cách hay duyên phận.
Sau thất bại của ĐTVN tại AFF Cup 2010, một thành viên của Hội đồng HLV QG tham dự cuộc họp cùng HLV Calisto đã kể lại rằng, triết lý “fighting” của nhà cầm quân người Bồ Đào Nha không chỉ được thể hiện trên sân cỏ, nó còn được bê nguyên vào bàn nghị sự qua cái cách ông Calisto như đang tranh luận về bóng đá chứ không phải là giải trình về thất bại.
Có lẽ cách bảo vệ quan điểm cứng rắn của HLV người Bồ Đào Nha cùng với những kết cục diễn ra sau đó là một bài học đủ để nhớ lâu với VFF, nên 2 ngày trước cuộc họp phân tích về thất bại của U23 VN tại SEA Games 26, đích thân PCT Nguyễn Lân Trung đã phát ngôn trên mặt báo: “Cần thay HLV Goetz nếu vẫn bảo thủ”.
Nhưng kết quả sau đó là một HLV Goetz rất nhũn nhặn trong phòng họp, với bản báo cáo rất dài giống như đang “giúp” bóng đá VN nhìn ra những sai lầm của mình. Khác với HLV Calisto luôn nói “tôi không sai” ngay cả khi đã thất bại, nhà cầm quân người Đức thừa nhận mình “không phải lúc nào cũng đúng” và hứa sẽ xây dựng lối chơi bóng nhỏ, ít chạm thể theo đúng yêu cầu của các “ông chủ”.
Suy đi tính lại, quả rất khó để tìm ra một cách nào khác giải thích cho việc “con bò chui qua lỗ kim” chóng vánh và dễ dàng đến thế chỉ sau một ngày làm việc. Liệu tới đây, trong các bản CV của các nhà cầm quân người ngoại quốc tìm tới VN có cần thiết phải điền thêm mục “biết nghe lời” giống như tiêu chí quan trọng nhất của những “người làm thuê”?!
Hoàng Minh