Ký sự World Cup: Thót tim trên những nẻo đường Doha
Lịch thi đấu | Kết quả | Bảng xếp hạng
Ban đầu, việc thuê một chiếc xe để lái khắp nơi ở Qatar trong những ngày World Cup không phải là một ý tưởng hay. Buổi sáng của ngày đầu tiên khi tôi đặt chân đến thủ đô của đất nước nhỏ bé này, Isaac, người tài xế vui tính gốc Ghana của chuyến xe đầu tiên tôi đi trên mảnh đất này, đã chỉ cho tôi thấy ở đây người ta đi như thế nào.
"Hãy nhìn cái xe trước mặt kìa", anh nói và giơ tay chỉ. "Nó đang chạy quá tốc độ và kiểu gì cũng tạt đầu cái xe chạy trên nó".
Ký sự World Cup: Tạt đầu là môn thể thao ưa thích
Quả đúng như anh nói. Chúng tôi cười phá lên khi thấy nó làm điều ấy với cái xe chạy phía trên mà thậm chí không thèm xi nhan. Người lái xe bị tạt đầu thậm chí cũng chẳng phản ứng, có lẽ tại quen lắm rồi. Chúng tôi đuổi theo cái xe tạt đầu một đoạn, và phát hiện ra sau tay lái là một phụ nữ.
Doha là vậy đấy, giao thông ở đây hóa ra không dành cho những người yếu tim, kể cả những người đã quen lái xe ở những thành phố mà giao thông lộn xộn như Hà Nội, hay những nơi người ta quen lái ẩu, đỗ ẩu ở châu Âu như Hy Lạp hay Bồ Đào Nha, cũng không thể hình dung nổi điều này lại diễn ra ở nơi đây, một đất nước siêu giàu như Qatar. Thế nên, Isaac cũng phá lên cười khi biết tôi "rắp tâm" thuê một cái xe để lái trên những con đường cao tốc đẹp vô cùng ở đây trong mùa World Cup để tiện đi lại phục vụ công việc. "Chúc anh may mắn", Isaac nói với tôi. "Anh hẳn là người dũng cảm".
Không, tôi không dũng cảm lắm đâu, nhưng tôi có thừa sự liều lĩnh và tính phiêu lưu. Tôi đã lái xe ở nhiều nơi trên thế giới, đã thuê xe để tự lái, đã ngồi sau vô lăng của những tài xế điên rồ bậc nhất, nên sẽ thật là một thiếu sót lớn lao nếu không cho mình một cơ hội khám phá Qatar trong một tháng trên một chiếc Kia Sonet, được thuê với cái giá không rẻ sau khi đã mặc cả khô cả cổ, trong một văn phòng thuê xe nằm trong một khu nhập cư toàn người Ấn Độ, Bangladesh và Afghanistan ở ngoại ô Doha.
Khalid, người chủ văn phòng thuê xe, với cái nhìn nhìn như của một bố già, đã dặn tôi rằng, đừng có phản ứng nếu ai đó thiếu kiên nhẫn nháy đèn phía sau, bóp còi inh ỏi phía sau đòi nhường đường dù tôi có đi đúng tốc độ đi chăng nữa, đừng có hạ kính và quát mắng người nào đó vừa tạt đầu mình vì họ chẳng thèm nghe đâu, thậm chí cũng đừng cười với cảnh sát vì họ đâu có biết mình cười với họ vì mục đích gì (!).
Ký sự World Cup: "Con lạc đà không có lỗi, mà là cậu…"
Khalid ơi, tôi học thuộc rồi. Nhưng những bài học đầu tiên trên những con đường Doha thật tuyệt. Phải, "thật tuyệt", khi bạn bị bóp còi gắt gỏng phía sau khi đèn xanh vừa mới qua một tích tắc mà bạn chưa kịp đạp ga để vượt qua, "thật tuyệt" khi bạn bị hai chiếc xe chạy sai làn kẹp bạn ở giữa (làn mà bạn đi đúng), "thật tuyệt" khi bạn chứng kiến những chiếc xe đỗ rất lung tung ở các bãi đỗ xe, và "thật tuyệt" khi bạn thấy một chiếc xe chạy ngang với bạn, cửa sổ mở ra và một ai đó la toáng lên với bạn, trong khi rõ ràng bạn đâu có đi sai. Mỗi một ngày ra đường ở đây là một ngày mà trái tim muốn nhảy khỏi lồng ngực khi một chiếc xe như muốn nuốt chửng tôi. Nhưng đấy là những trải nghiệm rất đặc biệt ở một nơi đặc biệt thế này, với giá xăng siêu rẻ và đỗ xe hầu như miễn phí ở khắp nơi trong thành phố.
Chỉ có điều, đúng như Isaac nói, bạn phải đủ dũng cảm, và như Khalid nói, bạn phải đủ điên. May quá, một người đã lái xe khắp nơi như tôi có cả 2 điều trên. Và việc đi lại ở đây, ngoài yếu tố kiên nhẫn khi bị bóp còi hoặc tạt đầu, thì vẫn cảm thấy hết sức thoải mái với những con đường đẹp vô cùng và nhiều làn ở ngoài thành phố. Đấy là những tuyến cao tốc đẹp nhất tôi đã từng chạy, thênh thang sung sướng dưới bầu trời cao lồng lộng của vùng Vịnh, với những sân bóng mới tinh mọc lên trên sa mạc, và xa xa, sau bãi cát trắng, là biển màu xanh đục.
Nhưng chưa hết đâu. "Cẩn thận khi ra khỏi Doha nhé", Khalid cười lớn nói với theo khi tôi rời văn phòng thuê xe của anh với chiếc chìa khoá xe. "Nếu chẳng may đâm phải một con lạc đà đang lững thững sang đường thì hãy gọi cảnh sát và chờ bị phạt nặng. Con lạc đà không có lỗi đâu, mà là cậu". Được thôi được thôi, Khalid, tôi nhớ lắm rồi…
Anh Ngọc (đặc phái viên của TTXVN, từ Doha, Qatar)