Ký sự World Cup: Lắng nghe tiếng gọi của Allah
Ký sự World Cup - Những ấn tượng đầu tiên của tôi với đạo Hồi đến cách đây 25 năm, khi tôi đang ở Singapore và học báo chí cùng với một cô bạn người Indonesia. Murni, tên cô, luôn trùm kín đầu bằng một cái khăn lớn. Cô nói, cô, một tín đồ Hồi giáo Sunni, không được phép để bất cứ ai thấy tóc của mình, trừ chồng mình. Đấy là một điều rất quan trọng trong đạo Hồi.
Bây giờ, tôi đang ở đây, giữa một nước Hồi giáo theo hệ phái Sunni rất bảo thủ có tên Wahhabism, đã không còn ngạc nhiên khi chứng kiến những người phụ nữ mặc đồ đen trùm kín người, kín cả đầu và mặt, chỉ để lộ đôi mắt khi đi ngoài đường nữa.
Những chuyến đi khắp nơi trên thế giới, trong đó có những lần đến các nước Arab, cũng như tiếp xúc với người Arab, đã cho tôi một cái nhìn đa chiều và khách quan về tôn giáo có số lượng tín đồ nhiều thứ hai trên thế giới này. Với 2 tỷ tín đồ, Hồi giáo chỉ đứng sau Cơ đốc giáo, nhưng cũng có một lịch sử rất lâu đời và ảnh hưởng lớn lao trong thế giới này. Và ở một quốc gia như Qatar, sự hiện diện của Hồi giáo, với hơn 2.300 giáo đường, cho thấy tác động vô cùng lớn lao trong đời sống hàng ngày của họ.
Một buổi trưa ở giáo đường lớn nhất của nước chủ nhà World Cup
Người bảo vệ chỉ tôi vào một căn phòng ở phía dưới hầm của Imam Muhammad ibn Abd al-Wahhab, giáo đường Hồi giáo lớn nhất Qatar và bảo, "ở đó, họ sẽ mặc áo cho anh".
Đó là một cái áo choàng trắng rộng thùng thình đến tận gót chân và nhóm mấy cổ động viên Bồ Đào Nha đến cùng tôi, hai trong đó là phụ nữ, cũng phải mặc theo quy định ấy của họ mới được vào. Ba anh đàn ông mặc áo choàng trắng giống tôi, hai cô gái trẻ phải trùm khăn kín đầu. Và buổi tham qua giáo đường ấy khi chúng tôi bước chân qua cánh cửa của nó để đến một hàng lang lớn có trần cao vút ấy chỉ có thể bắt đầu khi Mohammed, một hướng dẫn viên, một người Hồi giáo điển hình với áo choàng trắng và mũ trùm đầu xuất hiện. Bằng một thứ tiếng Anh khá dễ nghe, anh dẫn chúng tôi đến những tấm bảng lớn kê theo trình tự dọc hành lang rộng mênh mông được lát đá bóng lộn để bắt đầu nói về lịch sử phát triển của đạo Hồi và những quan điểm của Hồi giáo về thế giới, về bình đẳng, về phụ nữ, trẻ em và nhiều điều tích cực khác trong kinh Quran.
Anh nói, đại ý rằng đấng Allah đã tạo ra thế giới này và Mohammed, người sáng lập ra đạo Hồi, chính là thiên sứ của Allah. Thánh Allah là Đấng tối cao, Đấng duy nhất và kinh Quran chính là văn bản quan trọng nhất của đạo Hồi. Thế giới phức tạp ngày nay đã luôn tìm cách hiểu Hồi giáo theo một nghĩa tiêu cực, thậm chí hàm ý xấu là khủng bố. Nhưng Hồi giáo là tốt đẹp và kinh Quran cũng thế. Tôi đứng đó và lắng nghe anh khi tất cả chúng tôi cùng bỏ giày ra ngoài để bước chân trần vào thánh đường lớn của nhà thờ Imam Muhammad ibn Abd al-Wahhab. Nó còn mới nguyên, được khánh thành năm 2011 với sự chủ trì của Emir (Thân vương, nhà lãnh đạo tối cao) Qatar.
Thế giới này quả là phức tạp. Mohammed không sai, nhưng đúng là người ta đã chứng kiến thế giới Arab và Hồi giáo chìm trong những mâu thuẫn, xung đột và trong thế giới phương Tây, Hồi giáo đã trở thành một cái gì đó gần như là xấu, là đe dọa khi những phần tử quá khích tiến hành những cuộc tấn công khủng bố. Tôi đã sống và làm việc ở châu Âu những năm tháng đó, đã có những tiếp xúc rất gần với các tín đồ Công giáo và lắng nghe họ nói, có một cảm giác rằng thế giới này không thể nào yên vì những cuộc thánh chiến giữa các tôn giáo hoàn toàn có thể diễn ra bởi những thế lực đứng sau xúi bẩy.
"Một ngày nào đó, đấng Allah sẽ gọi anh"
Nhưng cái cảm giác hơi nặng nề ấy về Hồi giáo bỗng tan biến khi Mohammed đưa chúng tôi vào thánh đường và làm những động tác cúi mình cầu nguyện, đồng thời giải thích một cách kỹ càng về 5 lần làm lễ trong ngày, cũng như ý nghĩa của việc phải cúi đầu về phía thánh địa Mecca như thế nào. Trong thánh đường lúc ấy không có ai, không gian yên lặng như tờ, chỉ có tiếng của Mohammed vang vọng mãi.
Thánh đường của nhà thờ quốc gia Qatar ấy lớn lắm, với vòm trần rất cao cùng rất nhiều những chụp đèn lớn, luôn có ánh sáng và mát rượi nhờ một hệ thống điều hòa, có thể cho phép 11 nghìn người cùng cầu nguyện một lúc. Chỉ có đàn ông được phép cầu nguyện trong đó. Phụ nữ có một gian riêng, với 1.200 người có thể cùng cầu nguyện. Có tới 28 vòm trần lớn ở thánh đường trung tâm tạo nên một không gian hoành tráng khi nhìn từ xa. Tôi đã tới Sultan Qaboos, nhà thờ Hồi giáo lớn nhất ở Oman, với sức chứa 25 nghìn người, và đã từng viếng thăm đại giáo đường Istiqlal ở Jakarta, Indonesia, nhà thờ Hồi giáo có sức chứa lớn thứ 6 trên thế giới với cùng lúc 200 nghìn có thể cùng cầu nguyện, và nhận ra rằng, những giáo đường Hồi giáo luôn khổng lồ.
Có lẽ, như Mohammed giải thích rằng, các tín đồ Hồi giáo cầu nguyện cùng nhau nhiều hơn tín đồ Công giáo và nhiều lần trong ngày. Giáo đường Hồi giáo đã đóng vai trò trung tâm trong đời sống cộng đồng như thế. Nhưng cũng có lẽ, như giải thích của tạp chí Economist, đấy là sự phản bội lại cái gốc ban đầu của đạo, khi ngài dùng vườn nhà mình làm nơi cầu nguyện. Nhưng các nhà lãnh đạo Arab bây giờ đã nhìn mọi thứ khác đi nhiều. Những giáo đường lớn thể hiện quyền lực và ảnh hưởng của họ thông qua đạo Hồi. Và chính sách đối ngoại của một quốc gia Hồi giáo cũng thể hiện qua đó. Có phải ngẫu nhiên không, khi ở trong giáo đường này những năm trước kia, Sa'ad Ateeq al-Ateeq, một giáo sĩ nổi tiếng, đã từng có những buổi hành lễ, kêu gọi hủy diệt các tín đồ Công giáo và Do thái, trong khi Qatar bị chỉ trích là ủng hộ các phần tử Hồi giáo chống đối trong Mùa Xuân Arab các năm 2011, 2012?
… Đã đến giờ cầu nguyện buổi trưa. Một giáo sĩ đứng trước micro và bắt đầu đọc kinh. Tiếng của ông vang vọng khắp không gian rộng lớn của giáo đường và được khuếch đại bởi rất nhiều loa ở bên ngoài. Ở hàng nghìn giáo đường khác trên đất Qatar và trong thế giới Arab, người ta ngừng công việc và các hoạt động khác để đến các giáo đường cầu nguyện. Một hàng ghế đã được kê ngoài cửa cho những vị khách nước ngoài như tôi, tất cả đều mặc áo choàng trắng, ngồi chứng kiến như đang xem một bộ phim.
Tôi rời giáo đường buổi cầu kinh kết thúc. Sau khi trả chiếc áo choàng, tôi được chỉ đến một quầy sách miễn phí, một hoạt động khuếch trương tôn giáo như tôi đã thấy ở những nơi đông cổ động viên tập trung, với những quầy nhỏ giới thiệu về đạo Hồi hệt như người ta tiếp thị. Người phát sách nháy mắt khi đưa cho tôi cuốn sách giới thiệu về đạo Hồi. Anh nói: "Hãy lắng nghe tiếng gọi của đấng Allah. Một ngày nào đó, ngài sẽ gọi anh". Tôi mỉm cười cảm ơn và sau khi lấy một chai nước miễn phí đặt ở bàn cạnh đó, trên cổ chai có gắn một tờ giấy nhỏ có in mã QR có dẫn link đến một địa chỉ tìm hiểu về đạo Hồi, đã tự nhủ rằng: "Vâng, tôi đang háo hức chờ tiếng gọi của ngài đây"…