Ký sự World Cup: Đi tìm World Cup ở nơi “nhà quê” của Qatar
Gọi là "nhà quê" cho dân dã, chứ nơi ấy cũng là một thành phố nhỏ nằm cách Doha hơn 50km về phía Bắc. Tôi lái xe đến nơi ấy vào một chiều mà cái nắng đã nhẹ phớt đi do mặt trời đang xuống đỏ rực ở phía sau, với một câu hỏi thật đơn giản: Ở nơi có sân Al-Bayt, nơi diễn ra trận khai mạc và vài trận đấu của World Cup, người ta có thực sự quan tâm đến World Cup không.
Câu trả lời ban đầu là thất vọng. Có dấu hiệu của World Cup, nhưng không khí về World Cup thì quả là thiếu. Hầu hết dân số Qatar sống ở Doha, nên có lẽ ở cái nơi xa xôi thế này, ánh sáng World Cup không tới đây?
Một cô bé mặc áo Messi
Nó đấy, cái sân Al-Bayt lừng lững trong ánh đèn hiện ra khi xe tôi qua con đường cao tốc nối giữa Doha với thành phố cảng nhỏ ấy, được biết đến đầu tiên với tư cách là nơi chế tác ngọc trai, những năm gần đây nổi tiếng hơn khi ở cạnh một trung tâm lọc dầu và khí lớn bậc nhất đất nước, và rồi mới đến chính Al-Bayt. Nhưng sau đấy không còn gì nữa khi đi sâu vào Al Khor. Đấy là những con phố dài lấp lánh ánh điện ở những trung tâm thương mại, những cửa hiệu nhỏ bé trong các phố hẹp, những biệt thự xây tường rất dày để chống nắng chạy dài ở ngoại ô và một khu cảng cá mới được nâng cấp và xây thêm. À, cũng có một chút World Cup với hai container được chế thành những toilet công cộng mà tường của chúng được sơn các sắc màu quen thuộc của giải đấu.
Tôi tuyệt vọng kiếm tìm các biểu hiện khác của World Cup ở nơi đây khi trái bóng của trận Tây Ban Nha-Maroc bắt đầu lăn. Không có cái tivi nào ở các quán bên đường bật trận đấu, chẳng có ai nói về nó ở siêu thị, và ở Lulu Hypermarket, một trong những hệ thống siêu thị lớn nhất vùng Vịnh này, dấu hiệu của World Cup chỉ là cờ của 32 quốc gia dự giải được gắn trên cầu thang lên tầng 2, nơi những người gốc Ấn đang lũ lượt lên đó để xem các phim mới nhất của Bollywood trong một rạp chiếu của người Ấn Độ.
Tôi ngồi ăn cơm gà rán (có vẻ rán quá tay) của tiệm Chow King trong khu đồ ăn ở tầng đó và lẳng lặng ngắm mọi người đang ăn ở đó, đi qua đó. Không một ai tỏ vẻ sốt ruột bởi ở đây không có cái tivi nào để xem Tây Ban Nha đối đầu với Maroc cả. Cậu bán hàng, một người Ấn Độ cười toe toét và bảo, những người đến đây mua hàng chủ yếu là người gốc Ấn và Philippines, mà bóng đá với họ có ý nghĩa bằng cricket hay bóng rổ đâu. Kể ra cũng có lý, kể cả tay bảo vệ người Ghana ở cửa còn nói với tôi, anh biết là có World Cup đấy, nhưng nó chẳng có ý nghĩa gì với anh.
Tôi là người nước ngoài duy nhất trong cái trung tâm thương mại to đùng và đông đúc này, người duy nhất nói về World Cup và bị mọi người ở đó nhìn như sinh vật lạ khi thấy tôi đeo cái thẻ nhà báo trong dịp giải đấu này, trong khi sân Al-Bayt chỉ cách đây có vài cây. Mà kìa, có một cô bé mặc áo Messi mới bước vào.
World Cup ở một trong những nơi lãng mạn nhất thế gian
Đấy hóa ra là một dấu hiệu tốt cho cuộc truy tìm World Cup ở nơi mà trái bóng World Cup năm nay đã khởi đầu.
Bỗng nhiên không khí ùa vào cửa sổ xe đang mở hết cỡ của tôi khi xe chạy dọc bờ biển, đến khu cảng cá. Dưới ánh trăng sắp tròn và bầu trời đen có thể nhìn thấy rõ cả sao Hoả lẫn sao Mộc, ở một khu đất trước cảng cá, một màn hình lớn đang ở đó, những hàng xe ngủ ngăn nắp ở bãi đậu chạy dài, và trên khu đất mà ban ngày là chợ ngoài trời Ayen Hleetan, hàng trăm người đang ngồi ngay ngắn trên ghế xem trận đấu. Họ là những người Ấn Độ, Bangladesh, Pakistan, và Bắc Phi, những người nhập cư sống ở Al Khor, nhiều trong số họ làm việc trong các nhà máy lọc dầu và khí đốt của khu công nghiệp siêu lớn Ras Laffan gần đó. Chỉ có đàn ông và trẻ con ngồi trên ghế, hàng trăm người khác không có ghế thì đứng, ăn mặc rất giản dị, thậm chí là nghèo. Ngồi trên bãi cỏ phía sau họ là một vài phụ nữ Qatar mặc đồ Hồi giáo che kín người. Họ không được xem cùng đàn ông.
Trong những năm tháng dài lang thang trên các nẻo đường World Cup ở những nước đăng cai, tôi đã tìm kiếm những cảm giác bóng đá khác lạ như thế, những điều không thể tìm thấy trên các khán đài ngập tiếng hò reo và ánh sáng. Tôi đã đến những vùng nông thôn nghèo đói, những vùng núi non xa tít tắp, những xóm làng đầy tệ nạn xã hội, những khu ổ chuột. World Cup ở cái thành phố tỉnh lẻ chừng 30 nghìn dân này đáng yêu và giản dị lắm, dưới trời sao và trăng, với gió nhè nhẹ cùng tiếng sóng biển ở phía bên kia đường. Thỉnh thoảng họ lại ồ lên sau một pha bóng, còn tiếng của người BLV trên kênh BeINSports thì được bật to hết cỡ, oang oang vang vọng khắp nơi. Nhưng trong những khoảng lặng ít ỏi ấy, có thể nghe thấy tiếng trẻ con đang đùa nghịch ở phía sau.
Trên tầng hai của ngôi nhà quản lý chợ nhìn xuống khoảng sân, Mohamed Jamal, giám đốc marketing của Hleetan, một phòng phụ trách việc phát triển du lịch của chợ này, đang ngồi xem YouTube. Anh bảo rằng, cái sân chợ này là một trong những nơi xem World Cup lãng mạn nhất thế giới, vì ở đây rất mát, ghế ngồi thì xịn, màn hình thì mới, mà trời ở biển luôn rất trong. Có điều Jamal không thích bóng đá lắm. Nhưng anh phải ở đây để "canh" cái màn hình.
Khi trận đấu kết thúc sau khi kéo dài lê thê hơn 120 phút, một cuộc ăn mừng nho nhỏ của những người nhập cư Bắc Phi bắt đầu trong niềm vui và tiếng cười. Chiến thắng của Maroc cho họ thêm biết bao niềm vui và sự tự hào trong cuộc sống ở cái nơi khá xa ánh đèn Doha. Trên tầng hai, Jamal đứng dậy vươn vai, thở phào vì đã xong một trận, nhưng vẫn có vẻ chẳng thích thú lắm vì vẫn còn trận Bồ Đào Nha-Thụy Sĩ ở sau nữa.
Không sao đâu, Mohamed, hai tuần nữa giải đấu kết thúc rồi, và anh sẽ trở lại cuộc sống bình thường, cái chợ này cũng thế…
Trương Anh Ngọc, phóng viên TTXVN, từ Al Khor, Qatar