Ký sự World Cup: Cuồng say trong những tiếng hò reo Maroc
Ký sự World Cup: Cho đến tận sáng sau trận đấu, khi viết bài này, tôi mới nghe thấy rõ tiếng ở một bên tai. Đơn giản bởi vì có lẽ do số phận sắp đặt mà tôi ngồi ngay cạnh và phía trước hàng nghìn cổ động viên Maroc trong khu báo chí của mình. Họ đã hò reo khản cổ trước trận, trong trận và sau trận, trong một đêm hạnh phúc trào dâng vì chiến thắng.
Ban đầu, chỉ có một người phụ nữ Hồi giáo choàng kín mặt có vẻ còn trẻ ngồi cách tôi một ghế. Cạnh nàng là một cậu con trai chừng 10 tuổi. Một lát sau, khi trận đấu sắp bắt đầu, nàng gọi một người phụ nữ dùng một lá cờ nhỏ của Maroc quấn quanh mặt xuống ngồi ở cái ghế trống giữa tôi và nàng. Và câu chuyện về những tiếng hò reo làm điếc tai tôi từ các cổ động viên Maroc bắt đầu.
"Là fan của Ronaldo, nhưng ở World Cup hôm nay chỉ có Maroc"
Hai người phụ nữ nói rằng, họ không phải là người Maroc. Họ từ Dubai (UAE) bay sang và vì là những người Arab, nên họ cảm thấy mình phải có nghĩa vụ ủng hộ những những người anh em Arab. Người phụ nữ nhiều tuổi có cờ Maroc quấn quanh mặt nói với tôi: "Khi chúng tôi ủng hộ những người theo đạo Hồi khác, chúng tôi cũng tự giúp mình. Khi chúng tôi cầu nguyện cho họ, những thiên thần cầu nguyện cho chúng tôi".
Cái khung cảnh cầu nguyện ấy không diễn ra ở đây, nhưng hai người phụ nữ dễ thương ấy và những người Maroc trên khu khán đài gần chỗ tôi đã biến trận đấu với Bồ Đào Nha thành một màn trình diễn kinh khủng của tiếng động. Đó là tiếng vỗ tay, tiếng hát bằng tiếng Arab mà tôi không hiểu, những tiếng "Ole ole ole" vang vọng khắp nơi để át tiếng các cổ động viên Bồ Đào Nha rõ ràng ít hơn họ rất nhiều về số lượng và decibel, tiếng chửi rủa trọng tài sau những pha bóng mà họ tin là xử lý thiên vị. Và kinh khủng nhất, to nhất, váng tai nhất là những tiếng huýt sáo. Hai người phụ nữ ngồi cạnh tôi không làm thế. Họ là phụ nữ Hồi giáo mà. Nhưng nhìn cái cách mà họ vui vẻ cổ vũ cho những cổ động viên Maroc đang làm ầm ỹ trên sân là đủ hiểu, ẩn giấu đằng sau lớp che mặt kia là những cổ động viên cũng tương đối quá khích.
Những tiếng huýt sáo ấy đã vang lên kể từ khi trận đấu còn chưa bắt đầu, khi các cầu thủ Bồ Đào Nha đang khởi động, nhưng đã lên một cung bậc ầm ỹ mới khi trên loa và trên màn hình thông báo đội hình xuất phát và dự bị của Bồ Đào Nha, đối thủ của họ. Khi tên của Ronaldo được xướng lên một cách chóng vánh, cái sân Al Thumama cứ như chợ vỡ. Họ sung sướng vì thấy ngôi sao số 1 của Bồ Đào Nha không có mặt trong đội hình chính thức để gây ám ảnh họ, thậm chí từng tiêu diệt họ như cách anh đã ghi bàn duy nhất trong chiến thắng 1-0 của Bồ Đào Nha trước Maroc ở vòng bảng World Cup 2018. Tôi tin rằng, nhiều trong số họ là fan của Ronaldo, yêu anh hết mực, theo sát những hành trình của anh trong sự nghiệp, khóc vì anh, cười vì anh, nhưng hôm nay, anh là kẻ thù của họ.
Cậu bé con người phụ nữ Hồi giáo trẻ đến từ Dubai (một người rất xinh, tôi đoán thế, cứ nhìn mắt nàng là biết) cũng huýt sáo. Nàng bảo tôi: "Con tôi cũng hâm mộ Ronaldo, nhưng hôm nay, chúng tôi chỉ có Maroc trong trái tim".
Trận động đất ở sân Al Thumama
Sân bóng cho trận đấu này chẳng có vẻ gì là ở Qatar cả. Đấy giống một sân bóng ở châu Phi, cụ thể là ở Maroc, nước đang vận động để đăng cai World Cup 2030.
Những khán đài rực một màu đỏ cờ của Maroc, những cánh tay giơ lên cao và vỗ vào nhau bắt chước cách chào của người Viking mà đội tuyển Iceland đã làm nhiều năm trước và trở nên nổi tiếng, những tiếng trống thùng thùng vang lên ở khắp nơi, và một cảnh tượng tuyệt đẹp tôi thấy ở trước mặt tôi, bên cạnh tôi, là những cổ động viên Maroc khoác lên mình lá cờ đỏ có ngôi sao xanh của đất nước, sau khi tạo những tiếng ầm vang khắp nơi át những tiếng hò reo yếu ớt của các cổ động viên Bồ Đào Nha, đã cùng hét lên rất đều một tiếng "sir", trong tiếng Berber có nghĩa là "tiến lên". Trên sân, đội tuyển Maroc, những con sư tử Atlas đá bóng đang chiến đấu từng milimet sân với một Bồ Đào Nha yếu ớt, bị bắt bài, mệt mỏi và có vẻ như không còn ai có thể nhận ra được họ nữa. Một đôi vợ chồng người Maroc, chắc chắn là đã ở chỗ khác ngồi vào khu báo chí mà không bị bảo vệ lịch sự mời ra, vừa nhảy ầm ầm, vừa gào lên những tiếng thất thanh, không quan tâm đến việc xung quanh họ toàn là nhà báo không quá khích như họ.
Thế rồi, một trận động đất kèm theo những âm thanh kinh khủng vang lên khi En-Nesyri nhảy cao đánh đầu tung lưới Bồ Đào Nha ở cuối hiệp 1. Cả khu khán đài sau lưng tôi ôm lấy nhau, huyên náo, có người khóc. Một cậu thanh niên Maroc, chắc cũng ngồi "nhầm chỗ", hét lên những câu như cầu nguyện thánh Allah. Hai người phụ nữ Hồi giáo ngồi cạnh tôi bỏ khăn che mặt và cũng tham gia đóng góp tiếng động cùng với họ, bắt đầu làm tai trái của tôi ù đặc. Trước khi người phụ nữ trẻ sực nhớ ra là mình phải che mặt và vớ vội lấy cái khăn khi tôi bất giác nhìn sang, tôi đã kịp nhận ra là nàng xinh.
Thế rồi ở đầu hiệp 2, một trận động đất nho nhỏ nữa vang lên cùng với những tiếng huýt sáo khi Cristiano Ronaldo được đưa vào sân. Tất cả những khán đài Maroc la ó siêu sao người Bồ Đào Nha như thể anh là một kẻ phản Chúa, trong khi anh được đưa vào với hy vọng sẽ trở thành đấng cứu thế. Nhưng không, anh bất lực, bởi trên bầu trời sân Al Thumama một tối trở lạnh, chỉ tồn tại thánh Allah trong những lời cầu nguyện của các cổ động viên Maroc, trong những lời thì thầm khẩn cầu của người phụ nữ ngồi bên cạnh tôi, trong trái tim của những người châu Phi muốn thấy một đội bóng của họ lần đầu vào bán kết ở xứ sở Arab "nghìn lẻ một đêm này".
Tiếng còi cuối cùng cất lên, trong niềm vui, họ hát ca, nhảy múa, phất cờ Maroc và cầu nguyện. Thánh Allah ở đâu đó rất gần họ lúc này, đã lắng nghe những lời cầu khẩn, và Maroc chiến thắng. Tôi chưa đến Maroc. Vài chuyến đi đã lên kế hoạch đến đó phải hủy vào phút chót. Tôi cũng chỉ biết đến Maroc qua những cái tên như Casablanca, Chefchouen, Marrakech, những vấn đề về người nhập cư châu Âu, những người Maroc tôi gặp ở châu Âu và không có mấy cảm tình, Mùa Xuân Arab, nhưng đêm tứ kết, một cách rất vô tình có mặt bên họ, tôi mới thấy họ thật sự đáng yêu khi là những cổ động viên. Máu lửa, điên rồ và rất ầm ỹ, đến mức điếc tai, nhưng họ xứng đáng với chiến thắng này.
Họ còn đi xa đến đâu nữa, ở World Cup của những điều kỳ diệu này, tôi không biết, nhưng tôi mong lại được ngồi cùng họ trên sân, dù biết chắc là tai sẽ bị điếc tạm thời.