Ký sự World Cup: Có một World Cup trong tiếng ca
Họ ở đó, 3 "nhạc công" và 1 "ca sĩ", đang hát vang những giai điệu hào hứng và vui tươi ở bên ngoài của sân vận động Abmad Bin Ahli sau khi trận đấu giữa Bỉ và Croatia kết thúc. Họ là người Argentina, chẳng liên quan gì đến hai đội bóng vừa hoà nhau trên sân, nhưng họ ở đây và họ hát. Họ là những thiên thần âm nhạc của World Cup trên đất Qatar.
Manuel đang hát rất say sưa những giai điệu của "Totoras", một bản ballad nổi tiếng của Pachacamac, một ban nhạc Nam Mỹ đã gây tiếng vang trong những năm 1970. Bài hát nói về tình yêu, về nỗi nhớ nhà, về những đồng cỏ và dãy núi Andes chạy dọc Nam Mỹ.
Hát để làm những nhịp cầu văn hoá ở World Cup
Rất nhiều cổ động viên Bỉ và Croatia đang trên đường rời sân đã đứng lại xem họ hát trên cái sân khấu nhỏ chan chứa ánh sáng ngay bên ngoài của sân Ahmad Bin Ahli ấy, cả những cổ động viên mặc áo Argentina cũng thế. Họ có vé trận này và ghé qua xem, cảm thấy thích thú khi có một ban nhạc nghiệp dư đang hát bằng ngôn ngữ mẹ đẻ của mình. Vài người bắt đầu nhảy và sung sướng khi thấy nhiều người khác cũng nhảy theo. Trên sân khấu, Manuel vẫn hát. Ba người đệm nhạc cho anh lắc lư theo những điệu nhảy ở phía dưới. Một cảm giác vui tươi và thanh bình tràn ngập cái không gian nhỏ bé này, trong khi cách đó vài trăm mét là một sân khấu khác, lớn hơn, ầm ỹ và nhạc chói tai hơn, đèn chiếu rực rỡ hơn, nơi FIFA tổ chức cho các cổ động viên nhảy múa sau trận đấu.
Có một World Cup như thế trong tiếng ca ở các sân vận động của Qatar những ngày này. Và chính những tiếng hát, điệu nhảy của họ đã tạo nên cho giải đấu bóng đá lớn nhất hành tinh là một dịp tuyệt vời để giới thiệu văn hoá của các quốc gia, không chỉ là những nước có đội tuyển tham dự World Cup. Trong một đất nước Hồi giáo mà việc các cổ động viên hát ở các ga tàu điện ngầm hoặc trên xe bus không được khuyến khích và sẽ bị cảnh sát nhắc nhở nếu gây ra quá nhiều tiếng ồn, thì việc hát như thế này lại rất được ban tổ chức World Cup tạo điều kiện tối đa, với việc họ kết hợp với sứ quán các nước và các cơ quan xúc tiến du lịch tạo ra những sân khấu nho nhỏ và vui tươi như thế này.
Manuel là một người tình nguyện Argentina hoạt động ở World Cup này. Hát ở ngoài sân là một việc anh muốn làm và trên thực tế, anh đã làm. Nói với tôi sau bản nhạc, anh bảo, chẳng có gì thú vị bằng việc giới thiệu văn hoá đất nước và châu lục của mình cho biết bao cổ động viên các nước khác qua âm nhạc trong một dịp thế này. Những sân khấu như thế đã làm tốt việc này trong thời gian World Cup. Tôi đã thấy những vũ công Costa Rica nhảy múa một cách hạnh phúc trong vũ điệu truyền thống merengue của họ dưới ánh nắng ban trưa trước trận Nhật Bản-Costa Rica, giữa một đám đông đầu trần quên cái nắng say sưa ngắm họ. Tôi đã thấy những nghệ sĩ Malaysia biểu diễn ở ngoài sân Lusail trước một trận đấu. Tôi cũng đã thấy những nghệ sĩ Armenia biểu diễn những vũ điệu của họ dưới ánh đèn bên ngoài sân Al Thumama cho một trận đấu khác. Và cả những giai điệu bốc lửa của bản Lambada do một ca sĩ nghiệp dư Brazil hát và nhảy cũng như những giọng ca rất khoẻ, rất chất, rất châu Phi ở bên ngoài sân 974 trước một trận đấu khác. World Cup trở thành một dịp tuyệt vời để ta đắm mình trong một cuộc giao lưu văn hoá đa dạng chưa từng có, trong vòng một tháng như thế.
Âm nhạc cháy cùng trái bóng tròn
Ý tưởng biến World Cup thành một show diễn thực ra không có gì mới. FIFA đã kết hợp với các nước chủ nhà để tạo ra những điều thực sự thú vị ấy. Những khu tập trung đông cổ động viên (Fanzone) và ở World Cup này là FIFA Fan Festival, có thể tập trung hàng vạn người cùng lúc, luôn có những sân khấu và các ca sĩ, cả nổi tiếng lẫn bình thường, đều biến biến những nơi đó thành một thiên đường của âm nhạc, những điệu nhảy và bia chảy tràn.
Nhưng ở World Cup này không có rượu cũng chẳng có bia. Người ta phải thưởng thức World Cup khi trái bóng chưa lăn hoặc không lăn theo những cách khác. Các fan vui thú với những tiếng loa bên ngoài sân vận động của các tình nguyện viên chỉ đường cho họ đến các metro hoặc sân bóng, với giai điệu đơn giản "this way this way" (lối này lối này); hào hứng với những tiếng nhạc khi hai đội ra sân chào cờ trước trận; say sưa với các giai điệu vui tươi của các DJ biểu diễn trực tiếp trên sân bóng ở 15 phút giữa hai hiệp (cùng với trình diễn ánh sáng trên sân); mê đắm với bản "Dreamers" mà ca sĩ Jungkook của BTS biểu diễn trong lễ khai mạc cùng ca sĩ nổi tiếng nước chủ nhà Fahad Al Kubaisi; và cùng hát hoặc nhảy múa ở những sân khấu nhỏ bên ngoài các sân bóng.
World Cup, xét cho cùng không chỉ là bóng đá. Đó là một thế giới thu nhỏ nhưng sống động quay cuồng trong những nhịp đập trái tim xung quanh nó. Các cổ động viên hát trên sân vận động theo giai điệu và những bài hát của họ để cổ vũ cho các đội tuyển mà họ yêu mến. Họ có thể hát chúng suốt đời. Những bài hát chính thức tạo ra những giai điệu đáng nhớ cho những World Cup mà 4 năm mới có một lần. Nhưng những sân khấu nhỏ bên ngoài các sân vận động kia thực ra chỉ sống trong những ngày bóng lăn ở đó, và vì không có truyền hình trực tiếp ở đó, nên cũng chỉ có những ai đến đó và vì yêu âm nhạc hoặc tò mò mới ghé xem. Tôi bỗng nhiên trở thành fan của những nghệ sĩ nghiệp dư và vô danh trên những sân khấu nhỏ ấy, ngất ngây xem họ hát mỗi ngày, dù là giữa trưa nắng hay là đêm tối mịt. Tôi yêu họ, những người đang tạo ra một World Cup không thể nào quên.
Manuel nói rằng, anh ước được hát như thế ở bên ngoài sân Lusail vào ngày diễn ra trận chung kết mà Argentina của anh sẽ có mặt ở đó và chiến thắng. Nếu thế, anh sẽ hát bài gì trên sân khấu nhỏ? "Bài "El Día Que Me Quieras" (Ngày em yêu anh)", anh trả lời. À, một bản ballad bất hủ của ông vua Tango Carlos Gardel. Đương nhiên rồi, không phải và không bao giờ là "Don't cry for me, Argentina" (Đừng khóc cho tôi, Argentina), khi Argentina và Messi chiến thắng…
Trương Anh Ngọc, phóng viên TTXVN, từ Doha, Qatar