Kỷ lục người lớn tuổi nhất thế giới thuộc về cụ bà sống thọ 122 năm, nhưng con người có thể sống tối đa bao nhiêu năm? Câu trả lời sẽ khiến bạn cực sốc
Nhóm nghiên cứu đã dùng AI để phân tích thông tin liên quan đến sức khỏe và thể chất của hơn 500.000 tình nguyện viên. Từ đó, tìm ra kết quả bất ngờ về tuổi thọ tối đa của con người.
Người lớn tuổi nhất thế giới còn sống là ai?
CNN đưa tin, đầu năm 2023, cụ bà Maria Branyas Morera (116 tuổi) tại Tây Ban Nha được tổ chức Kỷ lục Guinness thế giới công nhận là người lớn tuổi nhất thế giới còn sống.
Cụ bà Maria Branyas Morera sinh ngày 4/3/1907 tại Mỹ, hiện sống trong viện dưỡng lão Residencia Santa Maria del Tura ở Catalonia (Tây Ban Nha).
Bà Morera được sinh ra tại San Francisco một năm sau khi gia đình bà di cư từ Tây Ban Nha sang Mỹ. 8 năm sau, gia đình quay về Tây Ban Nha nhưng cha bà qua đời trên hành trình xuyên Đại Tây Dương vì lao phổi. Riêng bà Morera bị mất khả năng nghe ở một bên tai vĩnh viễn sau một lần ngã.
Trong 22 năm qua, bà Morera sống trong viện dưỡng lão. Bà Morera đã sống qua 2 cuộc chiến tranh thế giới, một cuộc nội chiến tại Tây Ban Nha và 2 đại dịch toàn cầu là dịch cúm Tây Ban Nha năm 1918 và dịch Covid-19.
Bà từng mắc Covid-19 vào tháng 5/2020, trở thành một trong số những người lớn tuổi nhất vượt qua bệnh dịch này.
Bà Morera có 3 con, 11 cháu và 13 chắt. Dù sắp đến sinh nhật 116 tuổi nhưng bà Morera vẫn thường xuyên sử dụng mạng xã hội Twitter với sự giúp đỡ của cháu gái để giao tiếp với hàng ngàn người theo dõi. Dòng mô tả tiểu sử của bà viết rằng: "Tôi già, rất già, nhưng không phải là kẻ ngốc".
Trong một loạt bài viết cuối tuần trước, bà Morera nói ngạc nhiên và biết ơn vì sự quan tâm dành cho bà, nhưng những ngày qua khiến bà căng thẳng và không muốn phỏng vấn thêm.
"Tôi cần yên bình và tĩnh lặng. Tôi đã sống tại viện Tura trong 22 năm và không muốn cuộc sống thường ngày của cư dân hay nhân viên chăm sóc cho chúng tôi bị thay đổi", bà viết.
Đến nay, danh hiệu người lớn tuổi nhất thuộc về cố cụ bà Jeanne Louise Calment người Pháp. Bà được sinh vào ngày 21/2/1875 và mất vào ngày 4/8/1997, thọ 122 năm và 164 ngày tuổi.
Giới hạn tối đa tuổi thọ của con người là bao nhiêu?
Giới hạn đối với tuổi thọ của con người là một chủ đề hấp dẫn và tranh luận trong nhiều thế kỷ.
Khi sự hiểu biết của loài người về y học và chăm sóc xã hội được cải thiện theo thời gian, ước tính của chúng ta về tuổi thọ tối đa của con người đã tăng lên. Người Do Thái ở cuối thời đại đồ đồng tin rằng 80 năm là tuổi thọ tối đa, sau đó 1.000 năm thì người La Mã tăng con số ước tính đó lên 100 năm.
Một nghiên cứu gần đây được thực hiện bởi các nhà nghiên cứu từ Đại học Nam Florida và Đại học Georgia đã phân tích dữ liệu lịch sử và hiện tại về những người từ 50 đến 100 tuổi ở 19 quốc gia công nghiệp hóa trên thế giới.
Phân tích thống kê của họ cho thấy rằng, một số người sinh trước năm 1950 có thể phá kỷ lục về tuổi thọ trong những thập kỷ tới, với điều kiện sức khỏe của họ được đảm bảo bởi sự ổn định chính trị và kinh tế. Họ cũng nhận định phụ nữ Nhật Bản, những người đã gần đạt được kỷ lục về tuổi thọ, là những người sẽ đi đầu trong hiện tượng này.
Cụ thể, Giáo sư quản lý rủi ro David McCarthy tại Đại học Georgia đã tính toán rằng trong vài thập kỷ tới, chúng ta có thể thấy mọi người - đặc biệt là phụ nữ - sống qua tuổi 122.
Hiện tại, những người "siêu thọ" sống trên 110 tuổi đều qua đời ở cột mốc gần như giống nhau, với hầu hết sống tới 110 hoặc 115 tuổi là tối đa. Chẳng hạn, bà Helen Reichert ở New York (Mỹ) qua đời một tuần trước khi bước sang tuổi 110. Em trai của bà là ông Irving Khan đã nối gót bà 4 năm sau đó, trút hơi thở cuối cùng ở tuổi 109. Ông là nhà đầu tư Phố Wall sống thọ nhất.
Ở Nhật Bản, các mô hình của McCarthy cho thấy các bà sinh năm 1940 có thể đạt được độ tuổi tối đa khoảng 125 - 130 tuổi. Ở Mỹ, độ tuổi từ 120 - 125 là giới hạn mà nhóm phụ nữ sinh năm 1940 có thể vượt qua.
Giáo sư McCarthy nói rằng khi kết hợp lại với nhau, các mô hình toán học này cho thấy tuổi tối đa của chúng ta không phải là hằng số về mặt sinh học, mà nó đang tăng lên, ít nhất là cho đến thời điểm hiện tại.
Ở một nghiên cứu khác, nhờ trí tuệ nhân tạo (AI) kết hợp cùng dữ liệu y tế của hàng trăm ngàn người ở Anh và Mỹ, các nhà khoa học tin là họ đã tìm ra tuổi thọ tối đa của con người: 150 tuổi.
Nhóm nghiên cứu đã dùng AI để phân tích thông tin liên quan đến sức khỏe và thể chất của hơn 500.000 tình nguyện viên. Nhóm kết luận là tuổi thọ con người phụ thuộc nhiều vào 2 yếu tố chính là tuổi sinh học và khả năng hồi phục.
Trong đó, tuổi sinh học có liên quan đến tình trạng căng thẳng, lối sống và bệnh tật. Khả năng hồi phục là tốc độ một người có thể quay trở lại trạng thái bình thường sau khi bị chấn thương hay bệnh tật.
Dựa vào 2 yếu tố trên và các xu hướng liên quan, nhóm nghiên cứu tính toán được cơ thể con người sẽ "hoàn toàn mất" khả năng hồi phục khi đã 120-150 tuổi.
"Khi chúng ta già đi, cơ thể sẽ ngày càng cần nhiều thời gian hơn để bình phục", tác giả nghiên cứu Timothy V. Pyrkov cho biết.
Trong khi đó, giáo sư Andrei Gudkov, làm việc ở Trung tâm nghiên cứu ung thư toàn diện Roswell Park (New York, Mỹ) và hợp tác trong nghiên cứu trên, cho biết phát hiện trên là "một bước đột phá mới bởi vì nó xác định và phân tách vai trò của các yếu tố cơ bản trong tuổi thọ con người".
"Nó giải thích tại sao ngay cả phòng ngừa và điều trị hiệu quả các bệnh liên quan đến tuổi tác cũng chỉ có thể cải thiện tuổi thọ trung bình chứ không phải tuổi thọ tối đa của con người", ông Gudkov thêm.
Nhìn chung, bất kể có giới hạn tối đa cho tuổi thọ của con người hay không, rõ ràng là chúng ta đã tiến một bước dài trong việc tăng tuổi thọ trong thế kỷ qua. Và với những tiến bộ liên tục trong y học và chăm sóc sức khỏe, ai biết được chúng ta có thể đạt được và vượt qua "cảnh giới" tuổi thọ mà Kỷ lục Guinness thế giới đang ghi nhận.