'Kỷ lục gia' bán thơ Phong Việt và tập 'ngôn tình' 'Sao phải đau đến như vậy'
(Thethaovanhoa.vn) - Sáng 9/12 tại Đường sách TP.HCM, Nguyễn Phong Việt đã có buổi ra mắt tập thơ Sao phải đau đến như vậy (Saigon Books và NXB Văn hóa - Văn nghệ ấn hành), với 5.000 bản in cho đợt đầu. So với những nhà thơ đương thời, Nguyễn Phong Việt đang giữ kỷ lục về bán thơ tại Việt Nam.
Đây là tập thơ thứ 6 của Nguyễn Phong Việt, 5 tập trước đã bán hơn 120.000 bản, mà đối tượng độc giả chính là lứa tuổi sinh viên, hoặc vừa bước vào đời.
Cụ thể, tập Đi qua thương nhớ bán 55.000 bản, Từ yêu đến thương (20.000 bản), Sinh ra để cô đơn (15.000 bản), Sống một cuộc đời bình thường (15.000 bản), Về đâu những vết thương (10.000 bản).
Nhan đề Sao phải đau đến như vậy vừa là câu hỏi, nhưng cũng vừa là câu trả lời. Theo chia sẻ của Nguyễn Phong Việt, cuộc đời ai cũng có những vết thương, đặc biệt là chuyện tình cảm. Sẽ có những năm tháng thanh xuân mà ở đó con người ta cảm giác mình có thể tuyệt vọng cùng cực, thậm chí là chối bỏ cả đời sống vì một vết thương do ai đó tạo ra… Nhưng rồi cuộc đời vẫn vậy, chúng ta vẫn phải đi qua, vẫn phải tiếp tục đời sống của mình.
Nguyễn Phong Việt chia sẻ: “Câu chuyện ở đây là con người sẽ không ai có thể tránh khỏi nỗi đau, vậy thì khi bắt gặp một nỗi đau, thay vì đắm chìm trong nó, chúng ta có thể cảm nhận nó, đi xuyên qua nó và cuối cùng là cần có nó để tạo nên sức mạnh cho bản thân”.
“Không cần phải đau đến mức bất chấp tất cả, hãy đau bởi vì đó là điều cần thiết. Nhưng hãy biết để nỗi đau đó làm mình tự tin hơn, chứ không phải làm mình yếu đuối hơn. Chính vì thế mà tựa cuốn sách có thể xem như là một câu trả lời luôn rồi, nên tôi không muốn đặt thêm dấu hỏi ở cuối câu”.
Nếu trong tiểu thuyết có thể loại ngôn tình, thì thơ Nguyễn Phong Việt cũng là thơ ngôn tình. Mời đọc một vài trích đoạn:
“… Mình không ổn đâu, không ổn chút nào dù nước mắt chẳng còn rơi/ khi những thiết tha chẳng còn gì ngoài giấc ngủ/ để quên một cái nắm tay mình từng nghĩ là đầy đủ/ để quên một con người mà mình bằng mọi cách níu giữ/ rồi bất lực buông ra…” - (trong bài Chỉ là lòng không muốn nói ra thôi).
“… Chúng ta thu xếp lại một quãng đời cứ phân vân giữa đúng sai/ rồi chọn lại giày và đứng trước gương thay áo/ có thể mình đã già đi với bao nhiêu vết nhăn sau giông bão/ nhưng trái tim vẫn là trái tim của đứa trẻ mười sáu/ ngày mình đứng trước cuộc đời…
Đã dặn dò nhau từ nay hãy để mình yên vui/ không ai còn nợ ai một lần nào nữa/ đi con đường nào hay đau đớn ra sao đều là tại mình muốn thế/ đừng đổ lỗi với đâu đó những câu chuyện kể/ trong chia sẻ của con người…” - (trong bài Đừng hỏi nữa).
“… Tất cả những gì chúng ta còn lại là một ký ức muốn quên/ vì một thứ mang quá nhiều tươi đẹp/ mình chăm sóc cho một cây non cho đến ngày ra hoa thơm mát/ rồi nhìn những lụi tàn như không còn cách nào khác/ để nước mắt cứ thế chảy ra…” - (trong bài Tất cả những gì chúng ta còn lại...).
“… Một lúc nào đó mình cầm trên tay mình một sợi tóc rơi/ mà không biết trong giấc mơ nào đã đánh mất/ thứ duy nhất thuộc về mình thật ra chỉ là cảm giác/ yêu thương một con người cho đến khi quên mất/ vì sao mình lại bắt đầu…” - (trong bài Buồn thương đã bắt đầu…).
“… Mình là một chiếc áo ấm được mặc vào ngày gió lạnh thổi qua trời/ thứ niềm tin nhiều hơn cả lời nói/ cuộc đời ai cũng có ước mơ và ước mơ của mình là xin đừng thay đổi/ cứ như thế này, ngôi nhà này, con người này và đời cứ sáng- tối/ bình thường như mỗi bữa ăn…” - (trong bài Rồi mình đi cùng trời cuối đất).
“… Nhưng những con đường dở dang đã không thể bước lại từ đầu/ mình cứ loay hoay giữa bình minh và đêm tối/ hỏi mình có sợ không thì sợ chứ khi đang yên vui bỗng lạc lối/ bao nhiêu lời hỏi han giờ lặng im như dấu hỏi/ được đặt xuống giữa muôn trùng?” (trong bài Nhiều lúc nằm im lắng nghe mình thở dài…).
Như Hà