Kinh tế thích ứng với biến đổi khí hậu: Bài 3 - Ứng phó khẩn cấp cho mọi tình huống
Siêu bão số 3 (Yagi) – cơn bão mạnh nhất trong nhiều thập kỷ qua đã gây ra thiệt hại nghiêm trọng cho miền Bắc là minh chứng rõ nét về sự nguy hiểm của hiện tượng thời tiết cực đoan trong bối cảnh biến đổi khí hậu ngày càng phức tạp.
Cơ sở hạ tầng bị phá hủy, hư hỏng hoàn toàn, mưa lũ gây ngập lụt đã ảnh hưởng lớn tới đời sống của người dân, sản xuất nông nghiệp và các ngành kinh tế khác. Trước tình trạng này, các chuyên gia cho rằng, cần quy hoạch vùng hợp lý với điều kiện tự nhiên, phát triển đô thị thích ứng với biến đổi khí hậu và nhất là xây dựng phương án ứng phó khẩn cấp cho mọi tình huống thiên tai.
Ông Đinh Trọng Thắng, Vụ trưởng Vụ Quản lý Quy hoạch, Bộ Kế hoạch và Đầu tư:
Quy hoạch vùng là cơ sở cho các địa phương rà soát các quy hoạch, kế hoạch của địa phương để điều chỉnh phù hợp gắn với thúc đẩy liên kết vùng. Dù vậy, nội dung về liên kết vùng trong quy hoạch đều nhấn mạnh việc xử lý các vấn đề môi trường, phòng, chống thiên tai và ứng phó với biến đổi khí hậu.
Việc lồng ghép các nội dung về môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu vào quy hoạch sẽ nâng cao hiệu quả đầu tư. Đồng thời, tăng cường sự phối hợp liên ngành, liên vùng và đảm bảo sự thống nhất, đồng bộ trong hoàn thiện chính sách, thực hiện các chương trình, dự án đầu tư ứng phó với biến đổi khí hậu.
Để triển khai có hiệu quả Quy hoạch vùng đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, các bộ, ngành và địa phương cần xác lập quyết tâm cao với sự vào cuộc của cả hệ thống, có kế hoạch cụ thể, tăng cường phối hợp đồng bộ giữa các bộ ngành, các địa phương trong vùng. Đồng thời, kết hợp hài hòa, hiệu quả giữa nguồn lực bên trong và nguồn lực bên ngoài; làm mới các động lực tăng trưởng truyền thống, thúc đẩy các động lực tăng trưởng mới.
Cùng đó, tập trung nguồn lực thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm, đột phá đã được xác định trong các quy hoạch vùng; trong đó, ưu tiên triển khai các chương trình, dự án thích ứng với biến đổi khí hậu; phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại, thích ứng hiệu quả với nước biển dâng và tác động của biến đổi khí hậu, các vùng phát triển hài hoà, bền vững, khai thác hiệu quả các tiềm năng, thế mạnh.
Ngoài ra, tăng cường quản lý và sử dụng hiệu quả tài nguyên, nhất là tài nguyên biển, đảo và rừng; bảo vệ môi trường, nhất là môi trường biển; nâng cao khả năng ứng phó với thiên tai và thích ứng với biến đổi khí hậu.
Tiến sỹ Nguyễn Dư Minh, Trưởng phòng Thẩm định dự án đầu tư phát triển đô thị, Cục Phát triển đô thị, Bộ Xây dựng:
Phát triển đô thị ứng phó với biến đổi khí hậu đã được triển khai đồng bộ trên toàn quốc với gần 80 đô thị chịu tác động nặng nề của biến đổi khí hậu là các đô thị đại diện cho hệ thống đô thị ven biển, ven sông, khu vực đồng bằng hay hệ thống đô thị miền núi và cao nguyên chịu ảnh hưởng bởi lũ ống, lũ quét, sạt lở đất, giảm nguồn nước ngầm… thu hút sự tham gia, hưởng ứng tích cực của cả hệ thống chính trị từ Trung ương đến địa phương.
Tuy nhiên, phát triển đô thị ứng phó với biến đổi khí hậu vẫn còn phải đối mặt với nhiều thách thức trong thời gian tới do nguồn lực còn rất hạn chế, biến đổi khí hậu và các hiện tượng của thời tiết cực đoan diễn ra ngày càng phức tạp, khó lường, khó dự báo.
Đề án phát triển đô thị ứng phó với biến đổi khí hậu với 2 giai đoạn (từ 2013-2020 và từ 2021-2030) đã được các bộ, ngành, địa phương tổ chức triển khai. Hiện nay, để phát triển đô thị ứng phó với biến đổi khí hậu cần một số giải pháp mang tính nguyên tắc. Bên cạnh triển khai nhiệm vụ, giải pháp sẵn có, chính quyền đô thị cần bám sát giải pháp mang tính cơ bản, cụ thể trong phát triển đô thị ứng phó với biến đổi khí hậu để đảm bảo việc vận dụng, tận dụng các nguồn lực phát triển đô thị trong thực tiễn được hiệu quả và tối ưu hóa.
Theo đó, quy hoạch đô thị bền vững, xây dựng các kế hoạch quy hoạch đô thị tích hợp có tính đến các yếu tố biến đổi khí hậu; sử dụng năng lượng sạch và giảm thiểu phát thải nhà kính; xây dựng hệ thống cảnh báo sớm và các phương án ứng phó khẩn cấp cho các tình huống thời tiết cực đoan; phát triển và khuyến khích sử dụng phương tiện giao thông công cộng để giảm khí thải và tắc nghẽn; xây dựng công trình xanh.
TS. Nguyễn Huy Hoạch, chuyên gia từ Hiệp hội Năng lượng Việt Nam:
Trong hơn 5 năm qua, quy trình vận hành liên hồ chứa lưu vực sông Hồng đã thực hiện rất tốt và đến nay chưa xảy ra một sự cố đáng tiếc nào. Tuy nhiên, trong điều kiện biến đổi khí hậu ngày càng khắc nghiệt và hiện tượng thời tiết dị thường xuất hiện không theo quy luật là mối đe dọa thường xuyên, trực tiếp đến việc vận hành an toàn các công trình thủy điện, cũng như chống lũ cho khu vực hạ lưu hồ chứa. Việc dự báo chính xác thời tiết, lượng mưa theo từng thời điểm trong cả năm sẽ giúp cho việc vận hành các công trình thủy điện an toàn và hiệu quả.
Theo Quy trình vận hành liên hồ chứa lưu vực sông Hồng, từ ngày 16/9 đến cuối năm là thời kỳ tích nước của các hồ thủy điện phía Bắc. Tuy nhiên, trong hai ngày 22 và 23/9, hồ Hòa Bình vẫn tiếp tục mở từ 2 đến 3 cửa xả đáy để giảm mực nước dâng trong hồ. Đây là dấu hiệu cảnh báo hiện tượng biến đổi khí hậu khôn lường.
Để đảm bảo vận hành an toàn công trình thủy điện, an toàn cho người dân, giảm thiểu thiệt hại cần xem xét lại mực nước trước lũ tại các hồ thủy điện trong thời kỳ lũ muộn (từ 21/8 đến 15/9 hàng năm khu vực phía Bắc) nhằm tạo dung tích phòng lũ đủ đáp ứng với những cơn lũ bất thường (như siêu bão Yagi).
Cơ quan khí tượng dự báo, dưới trạng thái La Nina, từ tháng 10-12/2024, hoạt động của bão, áp thấp nhiệt đới trên khu vực Biển Đông có khả năng xuất hiện cao hơn trung bình nhiều năm từ 4-5 cơn. Vì vậy, cần rà soát tương tự các quy trình vận hành hồ chứa, liên hồ chứa tại các lưu vực sông trên cả nước nhằm đảm bảo vận hành an toàn công trình thủy điện, cũng như an toàn cho người dân vùng hạ lưu công trình.
Ngoài ra, cần nâng cao hơn nữa năng lực dự báo bão và mưa lũ để ứng phó với thiên nhiên trong điều kiện khí hậu biến đổi cực đoan. Cùng đó, tăng công suất dự phòng nguồn nhiệt điện cho miền Bắc để tránh phải tích nước quá nhiều trên các đập thủy điện cho mùa khô trước lũ tiểu mãn.