Kinh tế thế giới 2016 - Nửa mừng, nửa lo
(Thethaovanhoa.vn) - Nền kinh tế thế giới đã đi qua được một phần ba thời gian của năm 2016 với nhiều tín hiệu tích cực và tiêu cực đan xen. Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) mới đây công bố báo cáo "Triển vọng Kinh tế khu vực châu Á - Thái Bình Dương", trong đó dự đoán tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc và Nhật Bản sẽ sụt giảm mạnh trong hai năm tới, nhưng tăng trưởng kinh tế của cả khu vực vẫn mạnh nhờ nhu cầu nội địa bù đắp cho sự suy giảm do thương mại toàn cầu sa sút gây ra.
Đà tăng của kinh tế châu Á
IMF dự báo khu vực châu Á đạt nhịp độ tăng trưởng 5,3% năm 2016 và 2017, giảm nhẹ so với mức dự báo trước đó là 5,4%. Theo IMF, Trung Quốc - nền kinh tế lớn thứ hai thế giới và là động lực quan trọng cho tăng trưởng toàn cầu - có thể tăng trưởng 6,5% năm 2016 và 6,2% năm 2017. Mức dự báo này giảm so với mức tăng 6,9% năm 2015 của Trung Quốc, thấp nhất trong vòng 25 năm qua ở nước này.
Đối với nền kinh tế Nhật Bản, IMF đã giảm triển vọng tăng trưởng xuống 0,5% năm 2016 và sụt giảm 0,1% năm 2017 do việc tăng thuế tiêu dùng theo kế hoạch gây ra, cũng như vấn đề dân số già hóa và nợ tăng cao.
Theo IMF, Ấn Độ sẽ vẫn là một trong số các nền kinh tế có tốc độ phát triển nhanh nhất thế giới: dự kiến ở mức 7,5% năm 2016 và 2017 nhờ giá dầu thấp, đầu tư của chính phủ và tiêu thụ trong nước khởi sắc bù đắp cho hoạt động xuất khẩu yếu kém.
Trong khi đó, kinh tế Hàn Quốc dự báo tăng trưởng 2,7% năm 2016 và 2,9% năm 2017 nhờ nhu cầu trong nước tăng mạnh. Kinh tế của Australia dự báo vẫn tăng ổn định, ở mức 2,5% năm 2016 và tăng hơn thế trong năm 2017.
Theo IMF, các biện pháp kích thích kinh tế của các chính phủ, giá hàng hóa hạ và tỷ lệ thất nghiệp thấp sẽ là động lực giúp khu vực châu Á tăng trưởng.
Tuy nhiên, IMF cảnh báo khu vực này đứng trước các thách thức bên ngoài như hoạt động thương mại toàn cầu giảm sút và các thị trường tài chính toàn cầu ngày càng biến động... IMF cho rằng để tăng cường đối phó với những rủi ro toàn cầu, các nhà hoạch định chính sách khu vực nên thúc đẩy các chương trình cải cách cơ cấu nhằm tăng năng suất, tạo thêm nguồn tài chính trong khi vẫn hỗ trợ các nhu cầu cần thiết...
Trong khi đó, hãng thông tấn PTI (Ấn Độ) cho biết Chủ tịch Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) Takehiko Nakao nhận định tăng trưởng Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) mạnh ở một số nước, trong đó có Ấn Độ và Việt Nam, sẽ giúp nền kinh tế châu Á nói chung tăng trưởng 5,7% trong năm 2016.
Phát biểu trong phiên khai mạc cuộc họp thường niên lần thứ 49 của ADB, ông Nakao cho hay bất chấp nền kinh tế Trung Quốc tăng trưởng chậm lại, châu Á sẽ vẫn đạt nhịp độ tăng trưởng 5,7% trong năm nay và ADB dự kiến mức tăng trưởng tương tự trong năm 2017. Ông Nakao nhận định rằng Ấn Độ, Việt Nam, Campuchia, Myanmar và Bangladesh sẽ có mức tăng trưởng rất mạnh và bày tỏ lạc quan về tình hình kinh tế châu Á nói chung.
Tuy nhiên, để đạt được mục tiêu tăng trưởng này, ông Nakao cho rằng các nước châu Á phải đầu tư nhiều hơn nữa vào cơ sở hạ tầng, nguồn nhân lực và công nghệ; phát triển các thị trường tài chính; và cải thiện môi trường kinh doanh.
Bất lợi Mỹ, châu Âu
Trong khi đó, nền kinh tế Mỹ tiếp tục đón nhận những tín hiệu trái chiều khi các số liệu công bố mới đây cho thấy khu vực chế tạo tăng trưởng với tốc độ chậm hơn, số lượng đơn hàng mới và hoạt động sản xuất sụt giảm, song khu vực xây dựng bắt đầu tăng trưởng trở lại. Báo cáo mới công bố của Viện Quản lý Nguồn cung (ISM) cho biết chỉ số về hoạt động của các nhà máy trên toàn quốc đã giảm từ mức 51,8% hồi tháng Ba xuống còn 50,8% trong tháng Tư vừa qua.
Khu vực chế tạo, vốn chiếm tới 12% tổng giá trị nền kinh tế Mỹ, thậm chí còn thiệt hại lớn hơn bởi sự sụt giảm của hoạt động xuất khẩu bắt nguồn từ việc đồng USD mạnh và nhu cầu của các thị trường nước ngoài giảm.
Bên cạnh đó, ngành chế tạo cũng bị ảnh hưởng tiêu cực của tình trạng cắt giảm mạnh chi tiêu của khu vực năng lượng như là hệ quả của đợt giá dầu lao dốc hồi năm ngoái. Tuy nhiên, kinh tế Mỹ cũng đón nhận những thông tin khả quan khi khu vực xây dựng tăng trưởng 0,3% trong tháng Ba vừa qua, mức cao nhất kể từ tháng 10/2007. Báo cáo của Bộ Thương mại Mỹ cho biết so với cùng kỳ năm 2015, chi phí trong lĩnh vực xây dựng tăng 8%.
Về tổng thể, tăng trưởng kinh tế Mỹ trong quý I/2016 giảm 0,5% so với cùng kỳ năm 2015. Tuy vậy, căn cứ theo những tín hiệu khả quan của thị trường việc làm thời gian qua, các nhà kinh tế dự báo tăng trưởng GDP của Mỹ sẽ quay đầu khởi sắc trở lại trong quý II/2016.
Về phần mình, Liên minh châu Âu (EU) đã giảm dự báo tăng trưởng của Khu vực sử dụng đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) trong năm nay, đồng thời cảnh báo những rủi ro toàn cầu - bao gồm sự giảm tốc trong tăng trưởng kinh tế Trung Quốc và nguy cơ nước Anh rời khỏi mái nhà chung châu Âu đang làm ảnh hưởng đến sự hồi phục kinh tế. Ủy ban châu Âu (EC) cũng cảnh báo rằng các quốc gia thành viên lớn như Pháp, Tây Ban Nha và Italy đang vi phạm những quy định về chi tiêu công của khối.
EC đã hạ dự báo tăng trưởng của Eurozone trong năm 2016 xuống 1,6%, từ mức 1,7% đưa ra trước đó, sau khi có những báo cáo cho thấy sự hồi phục của khu vực gồm 19 quốc gia thành viên này vẫn chậm chạp. Tuy nhiên, EC cho rằng Eurozone sẽ đạt mức tăng trưởng 1,8% trong năm 2017. EC cũng giảm dự báo lạm phát của Eurozone xuống mức 0,2% trong năm nay và 1,4% trong năm tới.
Các quốc gia Eurozone vẫn đang phải đối phó với thách thức trong cuộc khủng hoảng mới tại Hy Lạp, quốc gia suýt phải rời khỏi Eurozone cách đây một năm, sau khi tồn tại những bất đồng liên quan đến khoản cứu trợ tài chính khổng lồ. EC cũng lưu ý các vấn đề nội khối như tiến độ cải cách chậm và sự "chưa rõ ràng trước cuộc trưng cầu ý dân về tư cách thành viên EU của nước Anh" dự kiến vào ngày 23/6 tới.
Dự báo của EC cũng đề cập đến cuộc tranh cãi căng thẳng giữa EU với Pháp và đặc biệt là với Tây Ban Nha về những kế hoạch chi tiêu công trong năm nay và năm sau. EU cảnh báo thâm hụt ngân sách của Tây Ban Nha sẽ ở mức tương đương 3,9% GDP trong năm 2016, không đạt chỉ tiêu dưới mức trần 3% mà EU đưa ra với các quốc gia thành viên.
Trong khi đó, Pháp cũng sẽ không hoàn thành được cam kết với EU về đạt mức trần thâm hụt ngân sách 3% GDP vào năm 2017. EC dự báo thâm hụt ngân sách của Pháp sẽ là 3,2% GDP nếu không thực hiện những cải cách mới.
Ngoài ra, EC cũng cảnh báo những rủi ro tác động từ bên ngoài khối như khả năng tăng trưởng chậm hơn của các thị trường phát triển, nhất là Trung Quốc, có thể gây ra kịch bản tồi tệ hơn dự báo.
TTXVN/Anh Quân (Tổng hợp)