Kình ngư Võ Thanh Tùng: 'Cứ nghe Quốc ca là tôi muốn khóc'
(Thethaovanhoa.vn) - Võ Thanh Tùng đã làm nên lịch sử cho Thể thao người khuyết tật Việt Nam với cú ăn 5 lịch sử tại ASIAN Paragames 2014. Trước thềm Paralympic 2016, “chàng trai vàng” của đường đua xanh khuyết tật Việt Nam không ngại chia sẻ những ước mơ và cảm xúc rất “độc và lạ” của mình.
- Kình ngư khuyết tật Võ Thanh Tùng: Đời chưa từng đẹp đến thế
- Giao lưu trực tuyến với 'Cô gái vàng' Dương Thúy Vi và 'Chàng trai vàng' Võ Thanh Tùng
- Kình ngư Võ Thanh Tùng: VĐV khuyết tật giàu nhất Việt Nam
Quyết giành huy chương vì... Rio
Anh có nhắc đến “một thành viên đặc biệt”, vậy người đó là ai? Anh có thể chia sẻ thêm về niềm vui bí mật ấy?
Kình ngư Võ Thanh Tùng: Trong khoảng thời gian tôi tập trung chạy nước rút cùng đội tuyển thì vợ ở nhà cũng chuẩn bị sinh đứa con đầu lòng. Olympic này đối với tôi vô cùng quan trọng không khác gì với ASIAN Paragames 2014 vậy. Năm đó vợ tôi đưa ra lời thách đố phải có huy chương thì mới làm đám cưới, còn không thì cứ thong thả. Và cuối cùng tôi đã có chiến thắng thuyết phục bằng 5 huy chương vàng.
Năm nay cũng thế, tôi quyết tâm lấy huy chương cho bằng được để tặng cho cậu con trai sắp sinh. Và để thể hiện sự quyết tâm của chính mình, tôi đã đặt bí danh của con là Rio luôn đấy!
Paralympic không phải là giải đấu dễ dàng khi năm 2012 tại London anh gặp chấn thương. Vậy anh có lo ngại gì khi đến với Paralympic năm nay?
- Đúng là năm 2012 là một thảm họa đối với tôi. Khi đó, cả thầy và đồng đội đều đặt hết kỳ vọng vào tôi nên mình cũng hăng say tập luyện. Tôi tập đến độ mệt nhoài mới thôi. Và có lẽ điều đó đã khiến tôi mỏi cơ và khi sang London thì bị giãn dây chằng vai và chỉ chạm mốc thứ 4 toàn thế giới.
Khi ấy danh hiệu thì vụt mất, chấn thương thì dai dẳng khiến tôi đau đớn đến độ bỏ hết công việc và gia đình từ đó cũng rơi vào tình trạng khó khăn. Tôi phải đối mặt với những điều đó một mình và đôi lúc muốn bỏ cuộc đi cho xong. Nhưng âu cũng là cái duyên của mình còn quá nặng nên tôi quyết tập trở lại và cuối cùng cũng đuổi kịp thành tích của bản thân như trước.
Võ Thanh Tùng đặt mục tiêu giành huy chương tại Paralympic Rio 2016.Ảnh: Nhân vật cung cấp
Để khắc phục tình trạng mỏi cơ trước giải đấu lớn thì năm nay anh có chế độ luyện tập nào khác ?
- Có chứ, năm nay tôi đã rút ra được rất nhiều kinh nghiệm và quyết không lặp lại sai lầm ấy nữa. Hơn nữa, năm nay Đoàn Thể thao khuyết tật cũng được tập với một chế độ khá mới và tôi nghĩ mình có tiến bộ. Về dinh dưỡng tôi luôn được bổ sung đầy đủ và theo chế độ riêng của bác sĩ nên hoàn toàn đủ sức để tập các bài tập nặng do HLV đưa ra.
Ngoài ra, khu tập luyện còn được trang bị rất kỹ về cơ sở vật chất, máy móc tập thể lực nên không lo việc tập sai cách hoặc quá sức nữa. Quan trọng nhất là tâm lý, tôi được thầy và đồng đội cũng như gia đình làm động lực nên mình rất vui và vững tin.
Anh có thể chia sẻ đôi chút về thành tích hiện giờ và khả năng tranh chấp huy chương?
- Trong khoảng thời gian gần đây, tôi chỉ ngại duy nhất hai đối thủ người Tây Ban Nha và Brazil. Nhưng đáng mừng là trước thềm Paralympic tôi đã vượt qua được thành tích của VĐV số 2 thế giới người Tây Ban Nha rồi, chỉ còn đối thủ nước chủ nhà nữa.
Tôi đang tiến bộ, ở những bài kiểm tra gần đây, tôi chỉ còn kém thành tích của anh bạn người Brazil ấy duy nhất 1 giây nữa nên cũng rất hy vọng mình có thể tranh chấp huy chương sòng phẳng.
Xúc động khi nghe Quốc ca
Khán giả thường thấy một Võ Thanh Tùng rất hay “mít ướt” mỗi khi anh đứng trên bục nhận huy chương?
- Thật sự tôi cũng chẳng thể hiểu được lý do vì sao mỗi khi nghe Quốc ca trên bục nhận huy chương thì mình luôn bật khóc. Có lẽ lúc ấy tôi cảm thấy quá hãnh diện vì mình là người khuyết tật mà lại phải khiến bạn bè thế giới đứng nghiêm trang chào đón quốc kỳ Việt Nam.
Với tôi điều đó có ý nghĩa rất lớn vì tôi nghĩ bản thân mình và đồng nghiệp đã bỏ quá nhiều công sức để có được tấm huy chương cho màu cờ sác áo.
Có người còn gọi vui anh là “tỷ phú huy chương”?
- “Tỷ phú”? Tôi không thích mọi người gọi tôi như thế. Tôi cũng chẳng thích sự nổi tiếng ảo đó. Hãy nhìn một VĐV khuyết tật như đúng với nghề của họ bằng cách công nhận họ qua nỗ lực. Ai cũng nhìn tôi qua những tấm huy chương thì có hay ho gì nữa đâu.
- Đúng là nghề thể thao tuổi thọ có hạn nên giã từ thi đấu đỉnh cao cũng là điều tất yếu. Hiện tại tôi đang ấp ủ một ước mơ trở thành một người thầy đào tạo thế hệ kế cận. Có lẽ giấc mơ này quá viễn vông vì trẻ em khuyết tật nói riêng và trẻ em nói chung hiện giờ không có được một ý chí bền bỉ như mình ngày xưa nữa.
Để đào tạo ra một thế hệ kế cận cho thể thao khuyết tật sao mà khó quá. Vậy nên đến với Paralympic này tôi còn bao nhiêu sức thì thi đấu hết mình, vinh quang đến đâu thì hay đến đó.
Những tấm huy chương lịch sử của xạ thủ Hoàng Xuân Vinh có tác động gì đến Tùng và những VĐV còn lại?
- Trong những lần tham dự ngày hội lớn nhất hành tinh thì kỳ này chúng ta có số lượng VĐV không chỉ đông mà còn đẳng cấp nhất. Tôi thấy chúng ta có rất nhiều cơ hội đoạt huy chương. Anh Xuân Vinh là nguồn cảm hứng vô tận cho các VĐV khuyết tật chúng tôi.
Anh ấy sẽ đem lại may mắn, cũng như ASIAN Paragames 2014 ở Hàn Quốc, tôi thấy Ánh Viên đoạt huy chương và quan niệm mình sẽ làm được. Cuối cùng tôi đã giành đến 5 huy chương vàng.
Trước giờ lên đường, mọi người đã dành cho chúng tôi một niềm tin, động lực tinh thần to lớn. Khi có mọi người sau lưng luôn ủng hộ, chúng tôi xin hứa quyết tâm vượt qua bản thân, đoạt tấm HCV lịch sử cho Thể thao Việt Nam.
Suýt làm người mẫu quảng cáo
Kình ngư Võ Thanh Tùng được bạn bè "trêu" là điển trai nhất đội cho nên có một lần anh suýt dẫn thân vào nghề người mẫu quảng cáo. Tùng kể: “Biết mình giành được khá nhiều thành công từ bơi lội nên một lần có nhãn hàng đưa ra đề nghị gọi tôi làm người mẫu nhưng tôi từ chối vì thứ nhất là với quan điểm của tôi thì không thích nổi tiếng quá nhiều để điều đó chi phối đến gia đình và bản thân. Thứ hai tôi không muốn mình dấn thân quá nhiều lĩnh vực sẽ bị tiêu tốn thời gian và lơ là tập luyện.” Khát khao làm người lính Bộ ảnh cưới của Tùng cũng vô cùng độc lạ khi có những bức ảnh anh mặc trang phục thủy quân. Tưởng chừng điều đó chỉ là sự trùng hợp ngẫu nhiên, nhưng ít ai biết trong tâm khảm của Thanh Tùng đó là mơ ước của anh. “Làm thủy quân thích lắm chứ. Nếu được chiến đấu dưới nước mà chỉ huy phân công mình bơi lặn thì bảo đảm không ai bằng. Nhưng tiếc là quân đội không nhận người khuyết tật...”, Tùng chia sẻ. |
Trang Ý