Kinh hãi các vụ giết phù thủy ở Tanzania
(Thethaovanhoa.vn) - Những con linh cẩu đã giết một đứa trẻ, nhưng 4 người phụ nữ cao tuổi lại phải chịu trách nhiệm vì cái chết. Trong cơn phẫn nộ, dân làng đã cầm mã tấu chém chết họ rồi nổi lửa thiêu xác.
"Họ dùng mã tấu chém đứt người mẹ tôi" - Sufia Shadrack, con gái của một trong 4 người phụ nữ cao tuổi trên, kể lại về vụ tấn công diễn ra trong ngôi làng nằm ở quận Mwanza, phía Bắc Tanzania - "Rồi họ lấy củi, những tấm đệm, một chiếc giá sắt và thiêu mẹ tôi như cách người ta nướng thịt hay cá vậy".
Hàng trăm người chết mỗi năm
Tại Tanzania, mỗi năm lại có hàng trăm người bị giết, do dính cáo buộc hành nghề phù thủy. Giống mẹ của Shadrack, nhiều nạn nhân là người già, dễ bị tổn thương. Nhưng trong khi một số người bị buộc tội sai trái, thực tế là ở Tanzania có tồn tại những người hành nghề phù thủy. Những con người này cũng ác độc không kém, khi sát hại người bị bệnh bạch tạng và nấu phần cơ thể của họ để làm bùa phép.
Năm 2013, các nhóm nhân quyền ở Tanzania phát hiện 765 trường hợp giết người, trong đó nạn nhân bị cáo buộc đã hành nghề phù thủy. Tuy nhiên họ cảnh báo con số thực có thể cao hơn thế. "Chúng tôi mới chỉ tính toán trên các trường hợp đã được báo cáo với nhà chức trách" - Paul Mikongoti từ Trung tâm Luật và Nhân quyền cho biết, rồi nói thêm rằng nhóm của ông chẳng thể thống kê các trường hợp không được báo cáo. Ở Tanzania, các biểu hiện như đôi mắt ngầu đỏ - chuyện rất dễ xảy ra với những người có nhiều thập kỷ nấu nướng bên bếp lửa tỏa nhiều khói - đã bị xem là dấu hiệu của "phù thủy".
Ở chiều ngược lại, ít nhất 74 người bạch tạng đã bị sát hại kể từ năm 2000, theo thống kê của các chuyên gia Liên hiệp quốc. Họ cho biết xác một người bạch tạng có thể mang về số tiền lên tới 75.000 USD, cả một gia tài ở đất nước nghèo khổ này.
Trong năm 2015, các vụ tấn công nhằm vào người bạch tạng đang có chiều hướng tăng lên, khi Tanzania chuẩn bị tiến hành cuộc bầu cử toàn quốc vào tháng 10. Góp phần vào hoạt động sát hại người bạch tạng là các ứng cử viên chính trị, những người muốn có được sự may mắn từ bùa phép phù thủy.
Sau khi bị Liên hiệp quốc lên án, trong tháng này chính quyền Tanzania đã cam kết sẽ trấn áp các vụ tấn công liên quan tới thuật phù thủy. Tuy nhiên các nhà hoạt động lo ngại rằng đây cũng chỉ là lời hứa xuông, do nhiều biện pháp trước đây của chính quyền không có tác động nhiều lắm tới niềm tin đã ăn sâu gốc rễ của người dân.
"Tôi lo lắng về việc trở nên già đi" - Shadrack, 50 tuổi, thổ lộ. Mỗi ngày chị vẫn phải bước qua ngôi nhà đã bị thiêu rụi của mẹ đẻ để thăm mộ bà, khiến cho nỗi đau và sự sợ hãi chưa lúc nào nguôi ngoai. "Những kẻ đã sát hại mẹ tôi, chẳng biết họ nghĩ gì về tôi" - chị nói - "Có thể họ cũng sẽ giết nốt cả tôi".
Công cụ cướp tài sản của người khác
Niềm tin của 49 triệu người Tanzania được chia đều giữa Công giáo, Hồi giáo và các tín ngưỡng truyền thống khác. Tuy nhiên có tới 93% người dân nước này cho rằng thuật phù thủy có tồn tại. Đây cũng là tỷ lệ cao nhất, trong số 19 quốc gia châu Phi từng được Trung tâm nghiên cứu Pew thăm dò về niềm tin phù thủy hồi năm 2010.
Có không ít trường hợp niềm tin phù thủy chỉ là công cụ để người ta phục vụ các mục đích xấu xa. Các nhà hoạt động nói rằng do luật Tanzania cho phép phụ nữ hưởng quyền thừa kế ngang với đàn ông, thân nhân của họ có thể dùng cái cớ phù thủy làm công cụ chiếm tài sản, đất đai.
"Thường thì đàn ông sẽ giữ thế kiểm soát. Nhưng khi những người phụ nữ trong gia tộc bắt đầu thể hiện sự kháng cự, họ sẽ tìm cách dùng thuật phù thủy để triệt hạ, coi đây là cách duy nhất để có được tài sản" - Flavian Bifandimu từ tổ chức HelpAge, chuyên giúp đỡ người già cho biết - "Cáo buộc phù thủy hợp lý hóa việc giết người phụ nữ. Sau đó người đàn ông chỉ việc lấy đi tài sản. Đơn giản vậy thôi".
Mage Benge, người làng Magu, là bằng chứng sống cho nhận định của Bifandimu. Cách đây 5 năm, cô đã bị họ tàng tấn công, sau khi bị buộc tội dùng bùa phép ám hại cha mẹ. Những gã đàn ông hung dữ đã cầm mã tấu chém vào người Benge rồi bỏ mặc cho cô chết.
"Chẳng có phù thủy nào cả. Chúng chỉ nhằm vào khối gia sản mà tôi được thừa kế, gồm những con bò và ruộng đất" - Benge nói và cho biết thêm rằng nếu có thể dùng phép thuật, cô đã tự bảo vệ được mình.
Thay vì thế, giờ đây cô phải mang một gương mặt đầy sẹo, sống cảnh khổ sở khi một số gã đàn ông đã tấn công cô vẫn tự do sống trong làng. "Chúng đánh đập tôi tàn tệ và khiến tôi thành người nghèo" - cô nói - "Trước kia tôi sở hữu một cánh đồng. Giờ tôi là kẻ ăn mày".
Tường Linh (Theo AFP)
Thể thao & Văn hóa