Kinh doanh âm nhạc tại Việt Nam: Tiếp thị độc quyền bằng Music DNA
(Thethaovanhoa.vn) - "Khi xây dựng hình tượng nghệ sĩ, sẽ bao hàm rất rộng các vệ tinh xung quanh, bao gồm âm nhạc, thời trang, phát ngôn, MV hình ảnh nhưng quan trọng nhất vẫn là DNA (nghệ sĩ tính) của nghệ sĩ".
Câu chuyện tiếp thị âm nhạc với việc tạo dựng Music DNA hay sự thành công của Wow Media trong hoàn cảnh dịch Covid-19 là một trong những nội dung được quan tâm tại ngày thứ 2, hội thảo trực tuyến ngành kinh doanh âm nhạc tại Việt Nam - Việt nam Music Week 2021.
Sau nhiều năm ra đời, đến nay, tiếp thị âm nhạc với tên gọi Music Marketing cũng vẫn không thay đổi về bản chất, thậm chí hiệu quả khi sử dụng âm nhạc trong các chiến dịch xây dựng thương hiệu cho các nhãn hàng đem lại là rất cao. Âm nhạc thực sự là chìa khóa để mở ra cánh cửa cho các thương hiệu tiếp cận thị trường và người tiêu dùng.
Tuy nhiên, khi đánh giá thành công trong Music Marketing, người ta còn phải nhìn vào nhiều yếu tố, trong đó có sự kết hợp tổng hòa giữa âm nhạc, nghệ sĩ và nhà sản xuất âm nhạc.
Như vậy, vai trò của mỗi cá thể ở từng vị trí trong chuỗi kết nối làm nên Music Marketing là như nhau.
Theo chia sẻ của Lê Tấn Thanh Thịnh (Forbes U30 Asia 2019) hiện là Co-founder & CEO của BrandBeats Music Marketing, đồng thời là CEO của NHP Entertainment - công ty giải trí của nhạc sĩ Nguyễn Hải Phong, thì không thể đặt ra một công thức chung nào dành cho chiến lược Music Marketing dành cho tất cả các đơn đặt hàng bởi nhu cầu nhãn hàng khác nhau, mỗi thế hệ nghệ sĩ cũng như cá tính đặc trưng của mỗi một nghệ sĩ là khác nhau.
"Có nhãn hàng đòi hỏi về mức độ nhận biết sản phẩm, có nhãn hàng muốn khán giả nghe xong sẽ mua hàng... mỗi một yêu cầu như vậy, sẽ có những cách kể chuyện để tiếp cận khách hàng khác nhau.
Nhưng nếu thành công, thì sự thành công của các nghệ sĩ cũng truyền cảm hứng cho những người làm công việc này như chúng tôi" - Thanh Thịnh cho hay.
"Trending (xu hướng) cũng là một yếu tố quyết định khi các nhãn hàng đặt hàng cho một chiến dịch tiếp thị sản phẩm.
Và khi thứ gì đang là trend thì dễ sẽ trở thành bài toán dành cho Music Marketing như khi Rap đang "lên ngôi", người ta sẽ đặt hàng với yêu cầu về Rap market, nếu là Bolero sẽ có Bolero market... và thực tế, ở Brand Entertainment thì âm nhạc chỉ là một nhánh.
Tuy nhiên, ở thị trường Việt Nam, khi có đến 98% dân số đều nghe nhạc thì chắc chắn Music Marketing sẽ có cơ hội phát triển hàng đầu" - anh tiếp lời.
Chia sẻ về nghề, Thanh Thịnh còn tiết lộ, Music Marketing không hẳn là làm việc theo kiểu thương mại, chỉ đến gặp gỡ nghệ sĩ, trao đổi công việc rồi ai về nhà đó.
Như Amee - nữ ca sĩ là đại sứ thương hiệu cho nhiều nhãn hàng, khi thực hiện những chiến dịch Music Marketing cùng cô, cả ê-kíp đã có những khoảng thời gian gắn bó rất thân thiết, thậm chí là phải ăn cùng, ngủ cùng, chơi cùng nhau mới ra vấn đề.
"Mục đích là để hiểu con người, tính cách Amee cho việc làm nhạc, sản phẩm sẽ phản ánh toàn bộ con người cô ấy. Có như vậy, dù sau đó, sản phẩm có được cover bởi bất cứ ai khác, cũng không ai có thể thay đổi được việc nhận diện Amee qua sản phẩm mà cô ấy là đại diện tiếp thị.
Như vậy, khi xây dựng hình tượng nghệ sĩ, sẽ bao hàm rất rộng các vệ tinh xung quanh, bao gồm âm nhạc, thời trang, phát ngôn, MV hình ảnh nhưng quan trọng nhất vẫn là DNA (nghệ sĩ tính) của nghệ sĩ" - Thanh Thịnh chia sẻ về một trong những điều mà Music DNA trở nên "đáng giá" để theo đuổi trong Music Marketing.
- Bán bản quyền ca khúc: Chọn lý hay tình ?
- Nhạc sĩ Nguyễn Văn Chung phân trần sau khi bán cho Nathan Lee bản quyền loạt 'hit'
Ngoài ra, để phát triển Music Marketing thành công, Thanh Thịnh còn đề cập đến sự hiểu biết về luật bản quyền mà ở đó, trước khi cần sự trợ giúp của luật sư, người nghệ sĩ phải nắm rõ luật đầu tiên.
"Ngành công nghiệp âm nhạc phát triển hay không, bản quyền rất quan trọng khi ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống của các nghệ sĩ. Bản quyền tạo nên hệ sinh thái và động lực giúp cho các bên liên quan phát triển. Vì thế, cần phải biết rất rõ về luật để không làm sai cũng như phối hợp để làm đúng.
Tôi cũng thấy hiện nay, vấn đề bản quyền đã được các nghệ sĩ chịu khó tìm hiểu, nắm được các thuật ngũ từ bản quyền, bản ghi, tác giả, phái sinh... Những luật này cũng cần các nhà sản xuất, các nhãn hàng phải nắm rõ" - diễn giả nhận định.
Bản quyền âm nhạc cũng sẽ là chủ đề chính cho ngày thứ 3 của hội thảo trực tuyến về kinh doanh âm nhạc tại Việt Nam - VNW 2021 diễn ra vào hôm nay, 3/6.
Thanh Tú