Kịch 'Giao kèo sống thật': Phù hợp với không khí Tết
(Thethaovanhoa.vn) - Sân khấu 5B TP.HCM vừa ra mắt vở Giao kèo sống thật (tác giả Nguyễn Sơn, đạo diễn Tuyết Mai) với nội dung khá sâu sắc lồng trong một hình thức biểu diễn hài hước, vui nhộn, rất phù hợp với không khí Tết.
Bao nhiêu toan tính, lọc lừa thì ra chỉ như một trận cười. Nhưng rồi, nhận ra nụ cười đó không cay nghiệt cho lắm, vì cái chất miền Tây Sa Đéc của Nguyễn Sơn, đậm đà bao dung, tha thứ.
Đúng chất của kịch miền Nam
Chuyện rất thời sự, khi trong thời gian qua có rất nhiều công ty chuyên mai mối và cho thuê người đóng vai nhân tình, rồi một ngày nọ người ta thuê luôn người đóng vai chủ cái bào thai của cô gái. Vì người yêu bỏ đi bất ngờ, nên cô gái sợ hãi bàn với mẹ, thế là hai mẹ con chọn đại một anh chàng đẹp trai làm kẻ thế thân, để tạm thời qua mắt ông bố khó tính.
Còn một gia đình khác, bà chủ đại gia đứng trước nguy cơ phá sản, bèn tìm một người giả làm sui gia khủng, mong rằng mối quan hệ ấy sẽ giúp bà tìm được những người đầu tư mới. Ép đứa con trai phải bỏ người yêu để đi “lấy vợ”. Ép bản thân giả lả vui cười trong khi bụng rầu thúi ruột. Những màn kịch đời dường như rất thật đâu đó chung quanh ta, khi đồng tiền lên ngôi, khi lễ nghĩa bị tuột dốc.
Nhưng kế hoạch của hai gia đình đều bại lộ. Mà bại lộ bằng cách nào thì khán giả xem sẽ biết. Nhưng cách gài tình huống thật hay, cách diễn tung hứng lanh lợi và duyên dáng của nghệ sĩ. Chuyện lẽ ra bi, sợ hãi, thì đằng này tác giả lại cho nó hài, phải chăng là cái cười ra nước mắt của tấn trò đời?
Ừ thì con người ta cũng có lắm lúc sai quấy, lu bu toan tính thiệt hơn, nhưng thẳm sâu vẫn là tồi tội, thương thương thế nào. Vậy thì kết thúc cứ cho họ hối hận, cứ cho họ có quý nhân trợ giúp. Như bà đại gia đã có người bạn thân bỏ 500 triệu vào đầu tư gọi là “cứu nguy”. Đừng có bắt bẻ sao chuyện kịch “lý tưởng” quá vậy, hãy cứ chấp nhận như chấp nhận trái tim người miền Tây chưa bao giờ đẩy cái ác lên tận cùng, mà cứ cho một lối thoát, cho một sự hối lỗi để làm lại cuộc đời.
Cũng như cô gái có bầu cuối cùng cũng được ông bố nghiêm khắc tha thứ. Chi tiết ông già im ru lẳng lặng cầm gà-mên (tức gamelle, còn được phiên âm là cà-mèn, tức cạp lồng đựng đồ ăn) đi mua hủ tiếu về cho con ăn, xem mà rơi nước mắt. Kiểu thương con không nhiều lời, không hoa mỹ, cứ âm thầm mà tha thứ và cưu mang.
Danh dự gia đình cũng quan trọng, nhưng quan trọng hơn nữa là đứa con bằng da bằng thịt của mình, cộng với đứa cháu trong bụng chính là máu mủ ruột rà, không thể bỏ đi. Danh dự hay nề nếp cũng chính là tình thương, bởi nếu mất con mất cháu rồi thì đạo đức thật sự mới phỉ nhổ lên họ. Đạo đức thật sự mới vượt qua mọi rào cản, và khác hẳn với thứ đạo đức trên danh nghĩa. Vở diễn bật lên hai khái niệm đạo đức, và cuối cùng trái tim luôn luôn thắng. Tác giả lại một lần nữa cho cô gái lối thoát, bằng cách cho chàng trai trở lại xin lỗi nhà vợ. Đúng kiểu có hậu, đúng kiểu đoàn viên của kịch miền Nam.
Kịch 5B dung hòa để tồn tại
NSƯT Mỹ Uyên vừa là giám đốc nhà hát vừa là cô đào rực rỡ trên sàn diễn. Vai đại gia mà, đẹp và sang trọng là phải. Quốc Thịnh, Quỳnh Anh, Hoàng Ngọc Sơn, Chánh Thuận đều quen thuộc. Đặc biệt lần này xuất hiện cô diễn viên trẻ Kim Đào đóng vai hài rất duyên, cảm giác như một Phi Phụng của tương lai. Dù mới toanh nhưng đã gây cảm tình với khán giả.
Tuyết Mai là học trò của thầy Thành Hội và cô Ái Như, là diễn viên của sân khấu 5B lẫn Hoàng Thái Thanh, nhưng tay nghề đạo diễn đã có từ lâu khi cô tham gia nhóm kịch cà phê Bệt. Bước lên sân khấu chính quy, Tuyết Mai vẫn chững chạc dàn dựng y như khi cô đóng đào chánh.
Dõi theo bước chân Tuyết Mai để thấy một lớp trẻ trưởng thành trong một môi trường sân khấu khá khắc nghiệt, nhưng kiên quyết không làm bậy, không làm những thứ tào lao, cứ trung thành với tôn chỉ “tử tế” mà thầy Hội và cô Như đã truyền dạy. Dấu ấn của 5B và Hoàng Thái Thanh đã in rất rõ vào bao thế hệ, xem mà cảm động.
Giao kèo sống thật đúng ra vẫn như một cuộc dạo chơi ngày Tết nhẹ nhàng của 5B, chứ chưa gọi là thoả mãn máu nghề của nghệ sĩ nơi này. Bởi trong nhiều gương mặt hôm nay hầu như đã từng đóng những vở “kinh khủng” hơn nhiều.
Nhưng NSƯT Mỹ Uyên, giám đốc Nhà hát sân khấu nhỏ cho rằng: “Đi tìm kịch bản rất khó, cho nên chúng tôi chọn phong cách mới là tâm lý xã hội nhẹ nhàng một chút để giữ chân khán giả. Dù sao, kịch bản như thế vẫn dễ tìm hơn, và cũng tử tế chứ không nhảm”.
Đúng là 5B phải đứng chênh vênh giữa chính kịch như ngày xưa từng có và hài kịch vui vẻ như ngày nay khán giả đòi hỏi. Khán giả từng ái mộ 5B và khán giả trẻ hôm nay hình như có nhu cầu khác nhau một chút, cho nên 5B phải dung hòa khá vất vả.
Giao kèo sống thật, hoặc Tiền là số 1, Duyên ai mới đây là một kiểu dung hòa điển hình mà người ta chấp nhận được. Hãy nhìn nó ở góc độ như thế, chứ đừng lấy lịch sử 5B ra mà so sánh. Phía sau hậu trường là cả một sự quẫy đạp để tồn tại trước sự tấn công như vũ bão của nhiều thể loại giải trí thời 4.0.
Hoàng Kim