'Khủng hoảng' vì danh xưng Messi Việt Nam
Lionel Messi, siêu sao của bóng đá thế giới khiến cộng đồng mạng sục sôi khi rời PSG chuyển tới Inter Miami từ mùa giải tới, đồng thời không dự trận giao hữu của đội tuyển Argentina tại Indonesia thời gian tới vì lịch trình cá nhân.
Cho đến lúc này, người hâm mộ xứ Vạn đảo vẫn đang bức xúc và phản ứng gay gắt trước thông tin Messi vắng mặt trong trận đấu tới của Indonesia với Argentina, trận đấu mà phía LĐBĐ Indonesia được cho là phải bỏ ra tới 16 triệu USD, ước chừng 376 tỷ đồng, để đưa về.
Nhưng nói câu chuyện Messi ở Indonesia và đội tuyển Argentina không phải là để phân tích tính đúng sai của sự việc này mà chỉ muốn gợi nhớ một điều, cái tên Messi có thể khiến con người ta thăng hoa về mặt cảm xúc nhưng ở một lúc nào đó, đây lại chính là gánh nặng.
Messi là một cầu thủ tài năng xuất chúng của bóng đá thế giới, là một, riêng và duy nhất nhưng đã từ lâu ở khắp nơi đã xuất hiện khá nhiều phiên bản Messi, vốn được truyền thông và người hâm mộ đặt cho một cầu thủ ở đội tuyển quốc gia nào đó, chứ không phải Argentina. Nếu như ở Thái Lan chỉ có một Messi phiên bản Thái là Chanathip Songkrasin thì tại Việt Nam, hết Công Phượng rồi đến Quang Hải được gọi với danh xưng "Messi Việt Nam".
Bản thân Quang Hải hay Công Phượng cũng muốn mọi người biết đến là chính bản thân họ với cái tên mà cha mẹ đặt cho và khả năng chơi bóng chứ không phải danh xưng Messi, một người đồng nghiệp ở một quốc gia xa xôi tận Nam Mỹ màHải hay Phượng chưa từng một lần có dịp chạm mặt cả trên sân cỏ lẫn ngoài đời sống.
Thật trớ trêu và vô cùng nghịch lý là trong khi Messi chính hiệu chưa từng hết sức hút dù năm nay đã 36 tuổi thì những phiên bản Messi khác như kiểu Quang Hải, Công Phượng hay kể cả Chanathip bên Thái Lan lại trải qua biết bao nhiêu thăng trầm, lận đận trong sự nghiệp.
Chắc hẳn chúng ta còn nhớ ở thời điểm công bố danh sách tập trung đội tuyển Việt Nam dịp FIFA Days tháng 6, HLV Philippe Troussier không ngần ngại tuyên bố nếu xét về phong độ hiện tại thì cả Quang Hải lẫn Công Phượng đều không xứng đáng khoác áo đội tuyển quốc gia.
Tuy nhiên, ông muốn gặp gỡ họ, trao cho những cầu thủ này cơ hội để lấy lại sự tự tin vì về cơ bản, Quang Hải và Công Phượng vẫn là ngôi sao, đẳng cấp chơi bóng của họ không mất đi một cách dễ dàng, điều quan trọng là sự tự tin và cảm giác chơi bóng. Niềm tin đã được trao, cơ hội mà thầy Troussier mở ra đang ở trước mặt Quang Hải, Công Phượng nhưng tận dụng được hay không lại phụ thuộc vào nỗ lực của những cầu thủ này.
Trên thực tế, quãng thời gian tập trung dịp FIFA Days tháng 6 chỉ chừng 2 tuần với 2 trận giao hữu gặp Hong Kong (Trung Quốc) cùng Syria. Vì thế, ngay cả khi được HLV Troussier trao cơ hội thì cũng sẽ không dễ để Quang Hải hay Công Phượng thể hiện được phong độ cao, những gì tốt nhất về kỹ năng chơi bóng nhưhọ đã từng có trong màu áo đội tuyển quốc gia trước đây.
Đó là chưa kể đến việc cả Công Phượng lẫn Quang Hải dù muốn hay không cũng chẳng thể nào mà tập trung 100%, toàn tâm, toàn ý cho đợt tập trung lần này tại ĐTQG vì những đồn đoán về tương lai, các thông tin chuyển nhượng hàng ngày vẫn dồn dập đến. Trong khi Quang Hải được cho là đã đạt được thỏa thuận về chơi bóng cho CLB Công an Hà Nội ngay từ giai đoạn 2 V-League mùa giải này thì Công Phượng cũng đang cân nhắc lựa chọn khác khi "mất tích" hoàn toàn tại Yokohama FC.
Giống như Quang Hải, có thể Công Phượng sẽ lựa chọn quay về V-League để khẳng định lại tên tuổi và đẳng cấp chơi bóng của mình. Đó cũng là cách tốt nhất để họ kéo dài quãng thời gian khoác áo đội tuyển quốc gia trong thời gian tới, nếu như không muốn kết thúc sớm sự nghiệp tuyển thủ khi những đồng đội đang thi đấu tại V-League đều đang nỗ lực từng ngày và sẵn sàng cạnh tranh vị trí.