Không sợ thiếu, chỉ sợ... tham
(Thethaovanhoa.vn) - Sau những diễn biến phức tạp của dịch bệnh do chủng mới của virus corona gây ra, những vật dụng giúp cho việc phòng chống dịch, nhất là khẩu trang y tế, bỗng trở thành cơn “sốt”. Tôi cũng không ngờ được rằng xung quanh cái vật dụng nhỏ dùng để che mũi và miệng đó lại có nhiều câu chuyện liên quan đến thế.
Bắt đầu từ Trung tâm phân phối dược phẩm và trang thiết bị y tế Hapu (85 Vũ Trọng Phụng, Thanh Xuân, Hà Nội), hàng nghìn người kéo nhau đến mua khẩu trang, nước rửa tay, chen chúc nhau trong khuôn viên tòa nhà tạo nên cảnh tượng hỗn loạn.
Thêm vào đó là việc rất nhiều người đến mua với tâm lý… sợ hết hàng, mua quá nhiều so với nhu cầu thực tế. Chính việc này cũng góp phần tạo nên sự hỗn loạn tại các không ít cửa hàng cung cấp vật dụng này. Đây cũng là cơ hội cho những lái buôn đẩy giá mặt hàng này lên rất cao ở một số hiệu thuốc hay trên mạng xã hội.
Tình hình nghiêm trọng đến mức Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam phải chỉ đạo: “Từ giờ phút này trở đi, người dân có bằng chứng, hình ảnh bất kỳ nhà thuốc nào tăng giá bán, không cần thanh tra xuống làm việc, Bộ Y tế rút giấy phép ngay lập tức cửa hiệu đó, đây là vấn đề kỷ cương và đạo đức”.
Cũng cần phải nói thêm rằng, khẩu trang y tế hiện nay hầu hết đều được sản xuất trên dây chuyền tự động. Tại Việt Nam hiện có 38 đơn vị sản xuất với công suất 1,24 triệu chiếc/ngày, đủ cung cấp cho nhu cầu trong nước. Có 2 đơn vị sản xuất khẩu trang N95 - chuyên dụng cho người đi làm việc, tiếp xúc tại vùng dịch, với khả năng cung ứng 32.000 chiếc/ngày.
Chính phủ cũng đã chỉ đạo Bộ Y tế yêu cầu các đơn vị sản xuất, kinh doanh, xuất nhập khẩu trang thiết bị y tế phòng chống dịch chuẩn bị nguồn, phương án cung cấp trang thiết bị y tế phòng, chống dịch như khẩu trang y tế, máy thở, máy theo dõi bệnh nhân...; Chủ động tìm kiếm nguồn nguyên liệu để phục vụ sản xuất, nguồn hàng nhập khẩu trang thiết bị y tế phòng, chống dịch; Đảm bảo bình ổn giá các trang thiết bị y tế phòng chống dịch...
Mặc dù là tại một số địa điểm, tình hình khan hiếm khẩu trang có thể diễn ra do nhu cầu quá lớn. Tuy nhiên cũng không ít địa phương người dân và các cửa hàng tiến hành phát miễn phí mặt hàng này. Tại Đà Nẵng, nhiều cửa hàng thuốc Tây cũng như cá nhân trên địa bàn TP đã âm thầm chia sẻ miễn phí những chiếc khẩu trang y tế, nhằm giúp cộng đồng vượt qua “cơn bão” dịch bệnh. Những biển hiệu như “Vui lòng lấy một cái nếu cần, không bán khẩu trang" cả tiếng Việt lẫn tiếng Anh tại một số cửa hiệu thuốc hay là chia sẻ của chủ nhân một cửa hàng: “… chỉ mong khách hàng tự bảo vệ họ là đã bảo vệ cộng đồng!”.
Tại Quận 3, TP.HCM, một Nam thanh niên cầm bịch nylon to chứa khẩu trang y tế liên tục lao ra đường khi xe máy dừng chờ đèn đỏ phát từng xấp (khoảng 10 cái) khẩu trang cho người tham gia giao thông. Không chỉ có anh này, tại nhiều địa điểm khác trên địa bàn TP.HCM, tại một số tỉnh cũng phát miễn phí khẩu trang y tế.
Điều này cho thấy rằng chúng ta không sợ thiếu khẩu trang để dùng. Nhưng đây cũng không phải là lúc mua để tích trữ dùng dần. Bởi vì không phải chỉ riêng mình mà còn nhiều người khác cũng cần được phòng chống, bảo vệ cho nên hãy mua vừa đủ cho nhu cầu. Đó cũng là cách chia sẻ nguồn vật lực, giúp cho mọi người bảo vệ được mình, tránh lây lan bệnh dịch trong cộng đồng.
Bên cạnh việc hỗ trợ trang thiết bị, vật dụng giúp mọi người phòng tránh dịch bệnh từ các tổ chức y tế thì có lẽ chúng ta cần phải “lan nhanh” hơn nữa những nghĩa cử tình người.
Nó đúng như những điều tôi đã đọc trong tác phẩm “Hiểu về trái tim”: “Sự hiến tặng chân thật phải xuất phát từ tấm lòng muốn cho bên kia được an vui và hạnh phúc hơn. Vì vậy, mỗi vật phẩm ta đem tới phải hoàn toàn vì quyền lợi của họ, chứ không xen kẽ quyền lợi của ta vào…”.
Không để cho “lòng tham” trỗi dậy, bắt đầu từ những vật dụng nhỏ như chiếc khẩu trang y tế, thì cộng đồng sẽ luôn có đủ “nhân, tài, vật lực” để chống dịch!
Xuân An