Không giàu sao chơi được V-League!
(Thethaovanhoa.vn) - Nguyên văn câu này thuộc về Chủ tịch CLB Quảng Nam, ông Nguyễn Húp. "Ai bảo DNH Nam Định nghèo? Nghèo thì không thể chơi V-League được", vị Chủ tịch làm công ăn rất nhiều đầu lương của bóng đá xứ Quảng từng nói "thẳng ruột ngựa". Đó là giai đoạn mà DNH Nam Định và Quảng Nam của ông Húp đua nhau các suất trụ hạng.
Nghe xong, HLV Nguyễn Văn Sỹ của đội bóng thành Nam chỉ cười mỉm. Đúng là DNH Nam Định rất giàu, giàu từ các khán đài đến các Hội đồng hương.
Chúng ta đều biết rằng, trong những năm đầu bóng đá Quảng Nam lên chuyên, Chủ tịch của đội bóng này là ông Lê Nguyên Hồng, nguyên là Giám đốc Sở TDTT Đà Nẵng cũ và từng là công thần của bóng đá Quảng - Đà. Hơn 14 năm trước, trên mặt báo, người ta từng ví ông Lê Nguyên Hồng chính là "Yết Kiêu sông Hàn", với tài năng xuất quỷ nhập thần. Nay thì "Yết Kiêu sông Hàn" cũng phải... về vườn, vì thời thế thay đổi.
Một tay ông Nguyễn Húp "cân team" và Quảng Nam sau chức vô địch không phải từ trên trời rơi xuống, V-League 2017, đã lao thẳng về giải hạng Nhất sau mùa bóng 2020. Nên nhớ, đội bóng vẫn luôn được "chống lưng" bởi bầu Hiển, với gói tài trợ không dưới 30 tỷ/mùa, suốt 6-7 năm qua.
Một CLB đầy đủ tinh binh và viện binh (từ các đội bóng có mối quan hệ hữu cơ như Hà Nội, SHB Đà Nẵng và cả Sài Gòn FC trước đây) với Qủa bóng Vàng Đinh Thanh Trung, tuyển thủ quốc gia Huy Hùng, Văn Cường, Hà Minh Tuấn, từng có cả chân sút xuất sắc nhất lịch sử V-League Hoàng Vũ Samson; thêm bao tướng tài từ Hoàng Văn Phúc, đến Vũ Hồng Việt, Nguyễn Thành Công..., lại đại bại, là cớ làm sao?
Nay, Huy Hùng đã gia nhập SHB Đà Nẵng và vừa được bầu là Cầu thủ xuất sắc nhất giải bóng đá tập huấn Thiên Long - Cúp MASU 2020 ở Bình Dương, trong khi Samson sớm đào thoát về xứ Thanh từ giai đoạn 2 mùa trước rồi. Rớt hạng, nghĩa là đối diện với hoang tàn.
Phải, không một đội bóng nào chơi V-League mà nghèo cả, ngay cả Tiền Giang, Kiên Giang hay An Giang, Đồng Tháp, Long An trước đây. Nhưng, tuổi thọ của đội bóng ấy trên sàn diễn đỉnh cao, còn tùy thuộc vào cách làm, phương pháp làm bóng đá nữa. Bóng đá chuyên nghiệp kiểu Việt Nam vẫn bị ví như tằm ăn rỗi, lý là bởi người làm bóng đá chỉ biết tiêu tiền mà thiếu phát kiến kiếm tiền, bắt bóng đá đẻ ra tiền, đặng nuôi sống được chính mình.
Than Quảng Ninh sau hơn nửa thập niên chỉ biết tiêu tiền từ ông bầu và một vài Mạnh Thường Quân, đã kiệt quệ sau mùa giải 2020 và từng đứng trước nguy cơ giải tán. DNH Nam Định khá hơn chút, vì họ là "đội bóng của nhân dân", đi đến đâu cũng được Hội đồng hương tiếp sức, mỗi người một chút cũng thành, rau cá qua ngày thành bữa. Và chỉ tính riêng 13 trận đấu sân nhà Thiên Trường của họ (nếu V-League vẫn thi đấu théo thể thức cũ, vòng tròn 2 lượt, và chưa tính Cúp quốc gia), tiền bán vé thu về cũng không dưới chục tỷ đồng sau thuế. Tựa lưng vào khán đài và khai thác hết nguồn lực, tiềm lực từ khán giả, CĐV, người hâm mộ, vẫn có thể sống khỏe.
Trước đây, sân Lạch Tray của Hải Phòng thời còn Xi măng của ông Thành từng là kinh đô bóng đá, từng mua được cả ngôi sao World Cup Denilson, cũng là từ sự tiếp sức của CĐV. SLNA hay Thanh Hóa nhiều lần vượt qua khúc cua tay áo, cũng là từ các Hội CĐV khắp cả nước. Thế còn Quảng Nam hay Long An, hay Sài Gòn FC, hoặc CLB TP.HCM? Nếu không bắt tay vào việc, chúng ta đều có thể đoán được tương lai.
Hiện, ngoài những đội bóng còn đầy đủ tính địa phương, tự hào - bản sắc vùng miền như Nam Định, Thanh Hóa, SLNA, thì chỉ CLB Hà Nội và HAGL phát triển được lực lượng CĐV tương đối. Đây cũng chính là nguồn sống của họ, bởi CĐV tạo ra các hiệu ứng hình ảnh tốt, qua đó mới thu hút được quảng cáo, tài trợ.
Thế nên, nói giàu hay nghèo là từ chính suy nghĩ hay ý thức hệ của người làm bóng đá vậy. Có làm nhiên hậu mới có ăn, chứ nếu cứ ăn sẵn và ăn bám thì núi cũng lở, tiền đâu mà chăm cho bóng đá?!
CCKM