Không gian 'Ơ kìa Hà Nội' - thật sự rất... ơ kìa!
(Thethaovanhoa.vn) - Nằm sâu trong một ngõ nhỏ trên đường Hoàng Hoa Thám, Ơ kìa Hà Nội mát mẻ, trong lành, rất yên tĩnh giữa phố phường ồn ào, tấp nập. Ở đó có bán trà, cà phê và những món ăn vặt đậm hương vị Hà Nội nhưng lại không đơn giản là một quán hàng ăn uống. Ơ kìa Hà Nội là điểm không hẹn mà gặp của những vị khách yêu Thủ đô và những tâm hồn yêu văn chương, âm nhạc, phim ảnh...
Đạo diễn Nguyễn Hoàng Điệp - chủ nhân Ơ kìa Hà Nội chia sẻ với Thể thao và Văn hóa (TTXVN) về ý tưởng, mong muốn và những không gian trải nghiệm đặc biệt tại nơi này.
Ơ kìa, lạ mà rất thân quen!
“Tôi có một khoảng thời gian chững lại sau phim đầu tay (Đập cánh giữa không trung, năm 2014 - PV) và rất muốn làm gì đó để giải phóng bớt năng lượng tích tụ và có ích cho cộng đồng” - Nguyễn Hoàng Điệp nhớ lại – “Tôi học bố, làm tinh dầu chưa đủ, bèn mở một không gian - nơi mình có thể lưu trữ, tích lũy, chia sẻ những điều mình yêu quý và mến mộ. Thế là Ơ kìa Hà Nội ra đời”.
Một ngôi nhà và khu vườn mang kiến trúc hoài nhớ mà kiến trúc sư Nghiêm Quốc Cường đã tính toán để nó trở nên tiện ích, cởi mở và thân thương.
“Ơ kìa vốn dĩ là một không gian, được tạo dựng để lưu trữ vẻ đẹp mà chúng tôi - những người tạo dựng, tin rằng thuộc về vùng đất này. Tôi vẫn mong Ơ kìa Hà Nội phát triển như một không gian nghệ thuật, một nơi có thể tìm kiếm những ký ức sống động về cuộc sống, văn hoá, kiến trúc, thi ca, âm nhạc, điện ảnh. Và vì thế chúng tôi có Thư viện Ơ kìa, có Okia Cinema - rạp chiếu bóng nhỏ nhất thế gian, có đêm nhạc Ơ kìa thứ 6, có căn bếp Úi chà…” - Nguyễn Hoàng Điệp miêu tả.
Bản thân chị rất thích các thán từ, thích thốt lên những âm điệu biểu cảm nên mới chọn tên không gian đặc biệt đó là Ơ kìa, Úi chà... “Tất nhiên, ý nghĩa chính của nó là vì tôi vẫn coi không gian này là nơi gợi lên cảm giác của một giai đoạn ơ kìa… đã xa rồi, mà vẫn ở đâu đó. Nó có gì là lạ, nhưng lại rất thân quen. Nó thật sự rất... ơ kìa!” – chị nói.
Ơ kìa Hà Nội chính thức ra đời từ tháng 1/2018. So với mong muốn của người thành lập, nó đã sinh động hơn rất nhiều. Chị ví nó như một bộ phim tài liệu được phát triển thêm từng ngày mà chị đã bám theo, quan sát và ngày càng có thêm nhiều ý tưởng mới mẻ.
Không chỉ đa dạng hơn và sinh ra các thương hiệu nhỏ bên trong, Ơ kìa Hà Nội hiện đã có thêm một cơ sở mới ở trong khuôn viên Trường Đại học Mỹ thuật Công nghiệp - nơi rộng rãi và thuận tiện hơn cho các sự kiện đông người.
Trải nghiệm điện ảnh thật đặc biệt!
Mỗi người đến với Ơ kìa Hà Nội vì một lý do khác nhau: xem phim, đọc sách, trò chuyện… hoặc đôi khi chỉ là để lặng lẽ suy tư, cảm nhận ở một góc yên bình của Thủ đô.
Từng tổ chức rất nhiều sự kiện giao lưu, trò chuyện tại Ơ kìa Hà Nội nhưng Nguyễn Hoàng Điệp ấn tượng nhất là chuỗi sự kiện liên quan đến cố nhà thơ Lưu Quang Vũ và Xuân Quỳnh. “Nó rất đặc biệt, cảm động và đúng với tinh thần tôi mong muốn” - chị nói.
Đạo diễn Đập cánh giữa không trung cũng khẳng định rằng Ơ kìa Hà Nội quả thực rất may mắn khi được gặp, làm việc và mời được những khách truyền cảm hứng. Có thể kể đến các vị khách: Nhà thơ Dư Thị Hoàn, người đã ở ẩn 30 năm nay đến giao lưu với người mến mộ; cô Đông Mai - chị gái nhà thơ Xuân Quỳnh, từ miền Nam ra; thế hệ các đạo diễn - nghệ sĩ lứa đầu của điện ảnh Việt Nam như: Đặng Nhật Minh, Trần Văn Thủy, Xuân Sơn, Lê Đức Tiến, Trần Quốc Dũng… các diễn viên Thanh Tú, diễn viên Hồng Ánh, đạo diễn Thanh Vân - Nhuệ Giang, nhạc sĩ Trí Minh, nhà văn Trương Quý, nhà phê bình văn học Phạm Xuân Nguyên, tiến sĩ Đỗ Anh Vũ, phó giáo sư Lưu Khánh Thơ, tiến sĩ Hoàng Tố Mai, tiến sĩ Nguyễn Thanh Tâm, giảng viên Trần Ngọc Hiếu… Rồi còn cả các họa sĩ như Hoàng Phượng Vỹ, Lê Đình Nguyên, Phạm Hà Hải, Lê Thiết Cương, Lê Quảng Hà, Đặng Xuân Hòa, Hằng Đỗ, Vũ Ngọc Vĩnh, Nguyễn Viết Thắng, Đặng Tiến…
Riêng Okia Cinema - rạp chiếu bóng nhỏ nhất thế gian, có lẽ là nơi mà Nguyễn Hoàng Điệp dành nhiều tâm tư, tình cảm nhất. Chị bảo: “Tôi muốn có một câu lạc bộ những người yêu phim ảnh, cùng chia sẻ với nhau tình yêu điện ảnh. Phim ảnh là quý giá, nhưng trải nghiệm với điện ảnh với tôi còn quý giá hơn. Tôi muốn thiết lập những trải nghiệm thật đặc biệt cho khán giả”.
Hỏi Nguyễn Hoàng Điệp có “tham vọng” biến Okia Cinema thành một nơi dành riêng cho phim nghệ thuật, cho những khán giả “đẳng cấp” như đạo diễn Nguyễn Hữu Phần đã có lần nhắc tới? Nữ đạo diễn bảo: “Tôi cũng không nghĩ nhiều về chuyện Okia Cinema chuyên về phim nghệ thuật, vì có lẽ ngay từ đầu, rất tự nhiên nó đã có hướng ấy rồi”.
Cũng giống như không ít không gian sáng tạo tại Việt Nam, chị thừa nhận rằng, việc duy trì hoạt động của Ơ kìa Hà Nội cũng gặp không ít những khó khăn.
“Tôi cần người đồng hành vì Ơ kìa Hà Nội càng ngày càng có nhiều mảng hoạt động hơn. Điều đó không dễ và phải tìm kiếm trong chính lao động thực tiễn thôi.
Địa điểm lâu dài cũng hơi lo đấy, vì bạn biết Ơ kìa Hà Nội vốn được xây dựng và vun đắp trên khuôn viên đi thuê. Và, kinh phí để đầu tư thì mình cũng nhỏ bé quá nên nhiều khi muốn vươn vai cũng… đành vươn thở tạm đã. Nhưng biết sao được, nó là thứ tôi yêu thích và cho tôi cơ hội để xả stress… Tôi chọn đối mặt - học tập - giải quyết và sống chung với khó khăn”.
Riêng việc sản xuất phim, Nguyễn Hoàng Điệp từng chia sẻ về những dự án điện ảnh mới nhưng mãi vẫn chưa thể ra mắt. Chị hài hước mà chân thành: “Giờ muốn làm một cuốn phim buồn nhất thế gian, nói thật, nhiều khi tiền nó cũng ngại mình”.
Điều mà Nguyễn Hoàng Điệp mong muốn nhất hiện nay là Ơ kìa Hà Nội sẽ có thêm một địa điểm nữa trong trung tâm. “Mong là Ơ kìa Hà Nội có đông khách hơn để chúng tôi có tiền tổ chức nhiều sự kiện thú vị hơn nữa cho cộng đồng. À, mà tôi cũng đang mong ngóng làm được cái app cho Ơ kìa Hà Nội nữa”!
Tiểu Phong
Thể thao & Văn hóa Xuân Canh Tý