Đạo diễn Nguyễn Hoàng Điệp: Ơ kìa, trà ướp hương sen Hà Nội!
(Thethaovanhoa.vn) - Ơ kìa Hà Nội gắn với Nguyễn Hoàng Điệp và không gian Hà thành xưa cũ, nơi những câu chuyện văn hóa được kể, nét đẹp nghệ thuật được nối dài. Lớp học Tiệc trà sen Ơ kìa vào thứ Bảy và Chủ nhật vừa rối được đông đảo giới trẻ tìm đến.
Ơ kìa Hà Nội mới được đạo diễn Nguyễn Hoàng Điệp, tác giả Đập cánh giữa không trung, thành lập ngày nào. Vậy mà từ một cái tên lạ hoắc nay đã trở thành điểm đến của những người yêu Hà Nội của thời xưa cũ, yêu cái sự tĩnh lặng của vườn trong phố, yêu không gian xanh, yên bình nằm trong con ngõ nhỏ trên phố Hoàng Hoa Thám, Hà Nội.
Chẳng biết nên gọi Ơ Kìa là quán cà phê, quán trà, là nơi tổ chức sự kiện, hay chỉ là “quán đợi cho những người yêu Hà Nội”. Nhưng dù là gì đi nữa, đến đây ai cũng dễ dàng cảm thấy thời gian như trôi đi chậm hơn, xếp lại những muộn phiền lo toan ở ngoài kia. Một Hà Nội giản dị, nhẹ nhõm, yên ả đến lạ.
Đạo diễn Nguyễn Hoàng Điệp mời tôi đến với Ơ kìa Hà Nội vào một buổi sáng ngày cuối tuần, sau một trận mưa đêm hôm trước trời Hà Nội mát dịu, trong lành chẳng còn cái oi nóng của ngày Hè 40 độ. Không gian càng trở nên thanh tao biết bao nhiêu, với mùi mít trên cây như vườn quê, mùi lá tre, mùi hoa sen phảng phất ngào ngạt cảm giác khiến người ta khó cầm lòng.
Đi tìm hương sen, nghe kể câu chuyện truyền thống
Chị nói: “Đi đâu tôi cũng cố gắng mang theo mùi, vị, màu sắc của Việt Nam, để mình luôn yên tâm và gợi nhớ về quê hương”.
Tôi hỏi, sau Đập cánh giữa không trung có vẻ như Nguyễn Hoàng Điệp quay về nối nghiệp bố và chờ “thời cơ” để “bung” dự án khủng. Chị cười bảo rằng, những gì vốn thuộc về văn hóa nghệ thuật chính là những hương liệu ở trong chị và không thể nào dứt được. Chị vẫn luôn đi tìm một mùi hương mà nó thuộc về mình và đất nước. Có thể đó là mùi của sả chanh, mùi tinh dầu Úi Chà, giò chả, biết đâu là mùi sen. Mà chẳng rõ nữa vì chị cho rằng mình cứ đi tìm...
Rót ly trà sen ướp xổi mời tôi, đạo diễn Nguyễn Hoàng Điệp vội khoe đây là mẻ trà mà hai hôm trước lớp học Tiệc trà sen Ơ kìa đã làm tại đây. Những ngày hoa sen nở, chị lại mở vài workshop về nghệ thuật ướp trà sen cho những ai yêu nét văn hóa truyền thống Hà thành, cũng là để chị được “kể” vài câu chuyện văn chương, hội họa...
Sau khe cửa thấy tiếng xe đến, Nguyễn Hoàng Điệp vội ra đón thúng sen vừa được hái về từ đầm. Những bông sen vấn vương vài giọt sương đêm trên phiến cánh. Cẩn thận cắm từng bông sen vào chum, chị bảo phần này để chuẩn bị cho lớp học Tiệc trà sen Ơ kìa hôm nay. Phần còn lại, chị nhặt riêng cắm bình để bài trí quán… Đôi bàn tay của nữ đạo diễn nhỏ nhắn mà thoăn thoắt. Chị tất bật hết việc bài trí lại chuẩn bị hoa, chè, ghế ngồi, kéo cắt, lá sen... mọi thứ, chị lo tất, có như thế mới yên tâm.
Nguyễn Hoàng Điệp vừa chuẩn bị xong những khâu cuối cùng, thì không gian Úi Chà chà gần như đã chật kín ghế ngồi. Những học viên, già trẻ đều có, thậm chí có những người đến từ Thanh Hóa, Đà Nẵng cũng ghé lớp. Đặc biệt, “tiếng lành đồn xa”, vài bạn du học sinh Việt Nam cũng tranh thủ về nước nghỉ Hè rồi tham gia lớp học.
Lớp học đa phần là người trẻ khiến tôi khá ngạc nhiên vì vốn dĩ trà sen và văn hóa truyền thống là những thứ khá kén người trẻ. Ở đây khác hẳn, họ yêu một cách tự nguyện mà chính chủ quán cũng phải thú nhận “sợ đông không có chỗ để ngồi”.
Uống trà sen kể chuyện thơ Lưu Quang Vũ
Bắt đầu lớp học trà sen, những bông sen được Nguyễn Hoàng Điệp giới thiệu được hái từ đầm sen Hồ Tây, thủ phủ của sen Hà thành. Thường sẽ lựa những bông sen chưa nở lần nào, bởi đặc tính sen sẽ nở 2 lần và có 2 lần lên hương khi ướp trà sẽ đảm bảo độ thơm.
Cách tiếp cận về sen và ướp trà sen của Nguyễn Hoàng Điệp cũng rất khác biệt, bởi chị xuất phát là một đạo diễn và là thế hệ trẻ yêu thích và hiểu biết về sen. Chính vì thế nữ đạo diễn biết những người trẻ họ muốn nghe gì, làm gì, nghĩ gì.
Chị dành vài phút để nói về sen và trà sen một cách rất tự nhiên và cho rằng thế hệ trẻ nghĩ về nó đơn thuần và dễ hiểu chứ không phải là thứ xa vời, uyên thâm như trà đạo. Hãy xem văn hóa truyền thống là thứ gần gũi có thể cảm nhận, chạm đến.
Theo Nguyễn Hoàng Điệp, dòng chảy văn hóa cần có sự tiếp biến mà vẫn có sự lấp lánh riêng để những người trẻ quan tâm, muốn làm mới, làm hay. Chỉ có cách tiếp cận của hai thế hệ trước và sau là sự khác nhau. Thông qua những buổi workshop như thế này để cho lớp trẻ được thấy, được làm và cảm nhận. Đó sẽ là cách khơi gợi sự yêu thích, tìm tòi và sự níu giữ ở họ.
Có chứng kiến lớp học Tiệc trà sen Ơ kìa của Nguyễn Hoàng Điệp mới thấy cách chị làm chẳng cần đao to búa lớn, cũng chẳng phải những kiến thức uyên thâm, học thuật xa vời. Rất dễ nghe, dễ hiểu và muốn xem, muốn được làm. Chẳng thế mà vài chục học viên của lớp ai nấy tập trung, háo hức, quấn lấy “cô giáo Nguyễn Hoàng Điệp” thử làm trà sen trong niềm vui khó tả.
Thành quả của lớp là những bông sen ướp trà, gọn gàng, đẹp mắt cắm trên bình đang được ủ ướp. Cô, trò ai nấy đều vui. Rồi cứ ngỡ lớp học kết thúc, ai ngờ Nguyễn Hoàng Điệp luôn khiến người khác phải đi hết từ sự tò này đến sự tò mò khác.
Sau không gian dưới sân ướp sen, cả lớp học di chuyển lên Thư viện Mây Trắng trên gác. Đây là một căn phòng đặc biệt nơi lưu giữ thơ Lưu Quang Vũ. Căn phòng rộng chừng hơn 6m2 được bài trí như căn phòng cũ của nhà thơ Lưu Quang Vũ - Xuân Quỳnh, những di cảo thơ, sách, những cánh thư tay... tạo cảm giác vẹn nguyên đúng như cách Nguyễn Hoàng Điệp mô phỏng.
Nguyễn Hoàng Điệp mê thơ Lưu Quang Vũ chẳng ai lạ, chị vẫn “ăn gian” rất biết cách lôi kéo mọi người đọc thơ của thi sĩ họ Lưu. Vì theo chị thơ sẽ làm cho mọi người giàu hơn, xinh đẹp hơn.
Trong căn phòng nhỏ, uống trà sen, ăn mứt hạt sen, cốm, lại đọc thơ bên không gian đậm đặc hoa sen, hương sen, những câu chuyện kể cứ thế nối dài. Nghệ thuật truyền thống qua cách kể của Nguyễn Hoàng Điệp gần gũi, dung dị, chẳng vì thế mà đây là không gian của tất cả những ai yêu văn hóa, yêu nét đẹp Hà Nội.
Chẳng cần phải quen, ai cũng có thể đến đọc sách, uống cà phê hoặc uống trà trong quán nhỏ Úi Chà chà, hít hà mùi hương tinh dầu từ thảo dược, hoặc đơn giản là ngắm bọn trẻ con hò hét, leo trèo. Một phần ký ức của những người thuộc về thế hệ trước được tái hiện ở đây, qua gác sách, phòng chiếu phim, khoảng sân, cách bài trí, những bức tranh của nhà văn Nguyễn Trương Quý…
Nguyễn Hoàng Điệp tâm sự, chị chỉ tiếc rằng không gian này còn hơi chật, mùa sen cũng có thì, giá mà ai ai cũng được yêu trà sen, nét đẹp truyền thống như những bạn trẻ đã một lần ghé nơi đây.
An Đạt