Không cần 'tô hồng' niềm tin
(Thethaovanhoa.vn) - Cùng trong một tuần, những câu chuyện “nhặt được của rơi” bỗng trở thành tâm điểm chú ý của dư luận.
Ngày hôm qua 24/12, tỉnh đoàn Quảng Nam đã tặng bằng khen, biểu dương hành động đẹp của Nguyễn Tấn Hiếu, học sinh lớp 12/10 trường THPT Nguyễn Duy Hiệu (Điện Bàn). Vài ngày trước, thấy một phụ nữ ra khỏi nhà và đánh rơi một bọc tiền, Hiếu gọi chị không được nên tìm vào tận nhà để trao lại số tiền đánh rơi (sau đó được xác định là 50 triệu đồng).
Còn vài ngày trước đó, một câu chuyện tương tự cũng được nhắc tới tại Cẩm Xuyên (Hà Tĩnh): cũng nhặt của rơi, cũng là 50 triệu đồng (nhưng có thêm 23 chỉ vàng), và cũng đuổi theo người mất để trao trả.
Chỉ có điều, người thực hiện nghĩa cử đó không phải là học sinh - mà là một thầy giáo tên Cường. Và hành động đẹp ấy, cuối cùng, hóa ra chỉ đẹp trên mặt báo.
Bởi, nhiều điểm mâu thuẫn bị phát hiện. Và với một loạt truy vấn liên tiếp, Cường phải trần tình: thời gian qua có nhiều chuyện buồn liên quan đến ngành giáo dục nên anh bịa ra câu chuyện này, với mong muốn xã hội sẽ có một góc nhìn khác tốt đẹp hơn.
***
Từ nhỏ đến lớn, hầu như tất cả chúng ta đều từng nghe câu chuyện về những tấm gương “trả lại của rơi”. Khó so sánh, nhưng trong vô vàn việc tốt có thể xảy ra giữa con người với con người, hành động ấy là phổ biến và dễ gặp nhất - khi mà bất cứ ai cũng có thể trong một phút lơ đễnh và để thất lạc những món đồ giá trị.
Mỗi tháng, mỗi tuần, chúng ta đều có thể bắt gặp trên mặt báo hay trên không gian mạng những nghĩa cử như vậy. Để rồi, trong một chừng mức nào đó, như nhiều độc giả khác, người viết cũng dễ có tâm lý “lướt qua” và không để ý tới những câu chuyện này.
Nhưng sự việc vừa diễn ra ở Cẩm Xuyên thì lại khác: Dư luận lập tức chú ý tới những “lỗ hổng” trong câu chuyện - để sau đó là cả một dòng thác những chế giễu và bức xúc khi vở kịch hạ màn.
Không có gì khó hiểu: Chuyện “đóng kịch” của nhân vật chính lại diễn ra ở một lĩnh vực đang bị mất niềm tin nghiêm trọng trong mắt dư luận: Lĩnh vực giáo dục.
Thực tế, là người đứng trên bục giảng, thầy Cường chắc chắn hiểu rằng: Một trong những nguyên nhân khiến ngành giáo dục gặp nhiều chuyện buồn như hôm nay chính là bệnh thành tích - cách gọi khác của sự không trung thực. Thế nhưng, thầy có một lựa chọn tai hại: Dùng sự dối trá để tô hồng cho một lĩnh vực đang sẵn “có vấn đề” về gây dựng niềm tin.
Lựa chọn ấy không chỉ gây tác hại cho giáo dục - khi mà những bất ổn tất yếu của một xã hội đang chuyển mình luôn khiến cho chúng ta cần thêm niềm tin về mọi nghĩa cử tốt đẹp giữa con người với nhau.
Nhưng khi điều tốt đẹp ấy chỉ là sự giả dối và hình thức, thậm chí là sản phẩm của sự dàn dựng - đó là liều thuốc độc để triệt tiêu niềm tin nhanh nhất.
Bởi thế, diễn ra chừng một tuần sau chuyện của thầy Cường, hành động của em Hiếu lại trở nên vô cùng có giá trị. Nó giúp độc giả hiểu: Lòng tốt vẫn luôn tồn tại trong cuộc sống ngày thường. Và niềm tin của mỗi người vào sự trung thực trong xã hội cũng không khó để tìm minh chứng.
Miễn là, khi mỗi ngày trôi qua, giữa những điều tiêu cực phải chứng kiến, giữa những bất cập đòi hỏi phải lên tiếng phản biện, chúng ta đừng quên theo dõi những chuyện tử tế, dù nhỏ bé nhưng lại rất cần thiết để đem lại niềm tin cho mỗi người.
Sơn Tùng