Không ai đánh thuế giấc mơ World Cup
(Thethaovanhoa.vn) - World Cup dĩ nhiên là giấc mơ xa, thậm chí là rất xa với một nền bóng đá còn đang phát triển như Việt Nam. Nhưng nếu không dám ước mơ, chúng ta đã thất bại ngay từ trong suy nghĩ.
- Ryan Giggs: 1 đội bóng, 12 cuộc tình và giấc mơ World Cup với bóng đá Việt Nam
- Giggs và Scholes không hề 'chém bừa', Việt Nam đủ sức dự World Cup 2030
- Giggs và Scholes sẵn sàng làm Đại sứ du lịch, cho con sang Việt Nam học bóng đá
Bước ra từ... tivi, sự có mặt của Ryan Giggs và Paul Scholes trên mảnh đất hình chữ S trong những ngày này cũng giống như một giấc mơ thành hiện thực với người hâm mộ Việt, nhất là với những fan trung thành của “Quỷ đỏ”. Thế nhưng, khi hai cựu danh thủ Man United đề cập tới giấc mơ World Cup 2030 bắt nguồn từ lò đào tạo PVF, thì mọi trang mạng lẫn mặt báo thể thao... đều nóng!
Nóng là chuyện dễ hiểu bởi trình độ thực tế của bóng đá Việt Nam còn rất thấp, 13 năm nữa dù phấn đấu hết sức cũng không đủ để nền túc cầu quốc gia vượt tới tầm nhanh tới vậy.
Đâu xa, nếu lấy cái mốc là SEA Games 1991 khi đội tuyển Việt Nam chính thức trở lại với sân chơi quốc tế, thành tích tốt nhất tới lúc này cũng mới chỉ là 1 lần vô địch Đông Nam Á (AFF Cup 2008); 1 lần có mặt tại tứ kết châu Á (ASIAN Cup 2007) và vòng loại cuối cùng Olympic Bắc Kinh 2008... Rồi vẫn còn cả một giấc mơ Vàng mang tên SEA Games dang dở, mà thoắt cái cũng đã 26 năm.
Thế nên, với những người thực dụng, tuyên bố của Giggs về World Cup 2030, thôi thì cũng là câu đãi bôi của khách quý đến thăm nhà. 13 năm nữa, mơ thắng Thái, hơn người Thái thôi cũng đủ khó rồi, nói gì đến chuyện châu lục, hay thế giới. Mà chính người Thái, hơn ta là thế mà đâu đã tròn giấc mơ World Cup!
Nhưng như đã đề cập, nếu không biết ước mơ, không hoài bão, thì bóng đá Việt Nam vẫn chỉ cuốn vào những giấc mơ "con" mang tên SEA Games hay AFF Cup. Giấc mơ lớn, kể cả giấc mơ World Cup phải được bắt đầu từ hôm nay, khởi nguồn với chính trung tâm đào tạo trẻ của PVF, của HAGL, của Viettel, của Hà Nội và của nhiều đơn vị khác.
Trở lại với một câu chuyện cũ. Đó là sau chức vô địch AFF Cup 2008, cộng thêm thành công ở ASIAN Cup 2007, vòng loại Olympic Bắc Kinh 2008, không ít người, kể cả dân chuyên môn, quản lý lúc đó đề cập tới cái gọi là nâng tầm châu lục. Nhưng chính Calisto - kiến trúc sư của chức vô địch Đông Nam Á đã gạt phắt bằng tuyên bố thẳng thừng - Nếu muốn vươn tới mặt bằng châu Á, bóng đá Việt Nam phải có một thế hệ mới, tài năng hơn.
Tuyên bố của ông thầy người Bồ không chỉ đúng nếu nhìn vào biểu đồ thành tích đi xuống sau đó, mà còn được chứng minh khi sau này, công tác đào tạo trẻ bắt đầu được chú trọng. Chính nhờ vào đào tạo trẻ, U20 đã trở thành đội tuyển bóng đá Việt Nam đầu tiên giành quyền tham dự một VCK World Cup; nhờ Hoàng Anh Gia Lai - Arsenal JMG, lúc này đội tuyển quốc gia có những gương mặt tài năng như: Công Phượng, Xuân Trường, Tuấn Anh... và đào tạo trẻ dù chưa thật bài bản, thật quy chuẩn nhưng cũng dần tạo ra những tuyến trẻ tài năng cho các CLB trong nước.
Trở lại với Trung tâm đào tạo bóng đá trẻ PVF. Dù mời 2 cựu danh thủ Man United tới hợp tác, dù có hệ thống cơ sở vật chất đạt quy chuẩn quốc tế, cùng chương trình đào tạo được giới thiệu là hoàn thiện... thì cũng không ai nói trước được điều gì. Đào tạo ra 1 cầu thủ đủ sức chơi chuyên nghiệp thôi, cũng là chuyện đãi cát tìm vàng, chứ World Cup có lẽ còn xa.
Trong tuyên bố của mình tại Lễ khai trương PVF, chính Giggs cũng thừa nhận - Đó không phải là con đường dễ dàng, nhưng phải có ước mơ. Chính cựu danh thủ người Xứ Wales từng ước mơ được thi đấu cho Man United và đã đạt được điều đó. Phải biết ước mơ, mà ước mơ thì cũng đâu mất thuế!
Vũ Minh