Khoảng cách giữa giá vàng trong nước và thế giới quy đổi đang thu hẹp
Trước thông tin Ngân hàng Nhà nước công bố giá vàng SJC bán cho ngân hàng thương mại vào ngày mai 3/6, giá vàng SJC đang giảm rất nhanh.
Giới phân tích kỳ vọng, động thái này của Ngân hàng Nhà nước có thể thành công thu hẹp khoảng cách chênh lệch giá vàng trong nước và thế giới quy đổi.
Tại thời điểm chiều 2/6, Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn niêm yết giá vàng SJC ở mức 81 - 83,02 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra), không đổi so với cùng thời điểm ngày trước đó.
Tập đoàn Vàng bạc đá quý DOJI cũng giữ nguyên niêm yết với giá vàng miếng SJC so với cùng thời điểm ngày trước đó, ở mức 80,95 - 82,75 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra).
Với mức giá dao động ở 83 triệu đồng/lượng, giá vàng SJC ghi nhận thấp nhất kể từ ngày 9/4/2024, chênh lệch với giá vàng thế giới khoảng 9,6 triệu đồng, giảm khoảng 6,6 triệu đồng so với cuối tuần trước.
Về khoảng cách mua - bán vàng miếng, chênh lệch hiện không quá 2,5 triệu đồng, giảm mạnh so với mức đỉnh của năm tại ngưỡng 4 triệu đồng trong phiên 31/5.
Theo TS. Trương Văn Phước, phương án Ngân hàng Nhà nước bán vàng trực tiếp cho 4 ngân hàng thương mại nhà nước là phương án phù hợp trong giai đoạn hiện nay. Mục đích của bán can thiệp vàng là để thu hẹp khoảng cách giá vàng trong nước và giá vàng quốc tế quy đổi. Nhưng trước đây với phương án đấu thầu thì chứng tỏ khoảng cách này không thu hẹp là bao. Bởi vì can thiệp là để giá xuống, mà đấu thầu là chọn giá cao nhất để bán cho người dự thầu lại với giá khởi điểm sát giá thị trường thì làm sao thành công được.
“Nay Ngân hàng Nhà nước bán cho 4 ngân hàng thương mại nhà nước để từ đó các ngân hàng này bán ra thị trường thì tôi nghĩ sẽ thành công, tức là khoảng cách chênh lệch giá trong nước và nước ngoài sẽ nhanh chóng được thu hẹp”, TS. Trương Văn Phước nói.
Về phía chuyên gia Trương Vi Tuấn của trang giavang.net cho rằng, thị trường vẫn rất “ngóng” việc sửa đổi Nghị định số 24/2012/NĐ-CP ngày 03 tháng 04 năm 2012 về quản lý hoạt động kinh doanh vàng.
Theo Nghị định số 24/2012/NĐ-CP đang áp dụng, Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn (SJC) không được nhập, dập vàng miếng. Khuôn dập được giao về Ngân hàng Nhà nước quản lý và trong thời gian qua cũng không phát hành thêm vàng miếng. Vì vậy, nguồn cung vàng miếng bị khan hiếm và giá chênh lệch trong nước và thế giới luôn ở mức cao, trên 15 triệu đồng/lượng.
Trường hợp nếu bỏ độc quyền vàng miếng, các doanh nghiệp khác như PNJ, DOJI được sản xuất vàng miếng, điều này sẽ khiến giá vàng miếng kéo sát lại gần với giá vàng nhẫn, vàng trang sức. Có thể nói, chỉ khi chính sách độc quyền vàng miếng thay đổi mới tạm thời tác động đến giá vàng miếng.
Ngoài ra, xu thế giá vàng nói chung vẫn giữ ở mốc cao khi xung đột chiến tranh đang căng thẳng ở Nga - Ukraine cũng như Israel - Hamas. Tình hình điều hành lãi suất của Cục Dữ trữ Liên bang Mỹ (Fed) và các ngân hàng trung ước khác cũng đang bước vào thời kỳ giảm dần lãi suất. Đặc biệt là sức mua từ các ngân hàng trung ương như Trung Quốc, sức tiêu thụ từ Ấn Độ sẽ tiếp tục nâng đỡ giá vàng.
Trong lúc giá vàng miếng giảm sâu nhất trong 1 tháng khi thị trường tập trung vào việc Ngân hàng Nhà nước công bố giá vàng SJC bán cho ngân hàng thương mại, giá vàng thế giới tăng gần 2% trong tháng 5.
Chuyên gia Wong nhận định, kỳ vọng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) cắt giảm lãi suất bắt đầu từ tháng 9/2024 đã bị thu hẹp khi số liệu lạm phát tháng 4 giữ nguyên so với tháng trước đó và còn cách khá xa so với mục tiêu 2% mà các nhà hoạch định chính sách tiền tệ Mỹ đã đề ra.
Vị chuyên gia này nói: “Nhiều thống đốc Fed cho biết sẽ mất vài tháng lạm phát giảm để thuyết phục họ rằng việc nới lỏng lãi suất là an toàn. Hiện tại, triển vọng về một đợt hạ lãi suất trong tháng 9/2024 vẫn khá bấp bênh".
Chủ tịch Lorie Logan của Fed chi nhánh Dallas chia sẻ, lạm phát vẫn đang hướng tới mục tiêu 2%, nhưng lưu ý còn quá sớm để xem xét việc cắt giảm lãi suất.
Vàng thường được coi là tài sản phòng ngừa rủi ro lạm phát. Do đó, lãi suất cao hơn sẽ làm tăng chi phí cơ hội của việc nắm giữ tài sản không mang lại lợi nhuận.
Trong báo cáo triển vọng thị trường vàng cập nhật được công bố vào tuần trước, các nhà phân tích hàng hóa tại ngân hàng UBS kỳ vọng giá vàng sẽ tăng lên tới 2.500 USD/ounce vào tháng 9/2024 và đạt 2.600 USD/ounce vào cuối năm nay. Dự báo này được điều chỉnh tăng so với báo cáo triển vọng trước đó lần lượt là 2.400 USD/ounce và 2.500 USD/ounce.
Ngoài ra, UBS cũng đưa ra dự báo trong 12 tháng tới, nhiều khả năng giá vàng sẽ tăng lên 2.700 USD/ounce vào tháng 6/2025.