Khó có cuộc sống cổ tích cho tiểu công chúa nước Anh
(Thethaovanhoa.vn) - Con gái mới sinh của Hoàng tử William và Công nương Kate Middleton sẽ là công chúa đầu tiên không bị phân biệt giới tính giống như truyền thống kế vị ngai vàng của Hoàng gia Anh. Tuy nhiên điều này không có nghĩa cuộc sống của bé sẽ giống như trong một câu chuyện cổ tích.
Trong hai con của William và Kate, Hoàng tử George dường như sẽ phải chịu nhiều áp lực hơn so với em gái, Công chúa Charlotte.
Cuộc sống khổ sở vì bị soi mói
Claudia Joseph, tác giả cuốn William và Kate của nước Anh, nói rằng với tư cách một người có thể trở thành vua tương lai của nước Anh (do xếp thứ 3 trong danh sách kế vị ngai vàng), George sẽ có một cuộc sống đầy “trách nhiệm và bổn phận”.
Trong khi đó, Charlotte sẽ chịu ít áp lực trách nhiệm hoàng gia hơn. Nhưng cuộc sống của cô bé sẽ không vì thế mà dễ chịu hơn. Nguyên nhân do chúng ta hiện ở trong một thời kỳ nhân loại bị ám ảnh bởi ngoại hình và các định kiến về giới vẫn rất nặng nề. “Ngày hôm nay, gần như mọi phụ nữ đều bị kẻ khác săm soi, chưa nói tới một công chúa” - Joseph nhận xét.
Những trải nghiệm mà Công nương Kate và bà nội quá cố của Charlotte là Công nương Diana từng đón nhận cho thấy công chúa bé sẽ chịu sự săm soi lớn từ dư luận. Mọi bộ cánh, mọi kiểu tóc của cô bé sẽ bị ghi hình, bình phẩm và tạo ra làn sóng bắt chước hoặc chê bai.
Thực tế Charlotte đã thu hút sự chú ý ngay từ trước khi sinh ra. Ngay cả cái tên của cô bé, mới chỉ được thông báo chính thức là Charlotte Elizabeth Diana trong ngày thứ Hai tuần này, đã là chủ đề của nhiều sự suy đoán và quan tâm.
Và người ta đã vội vã áp đặt các định kiến về giới dành cho Charlotte. Ví dụ sự kiện Charlotte chào đời đã được chào đón bằng việc màu hồng tràn ngập khắp nơi. Cầu tháp London và các công trình biểu tượng khác của London đã được phủ dưới ánh đèn màu hồng - màu sắc thường được cho là gắn liền với nữ tính.
Nhưng không phải ai cũng vui thú với lối chào mừng này. “Có phải chúng ta vẫn đang sử dụng các tiêu chuẩn về giới của những năm 1950?” - Laura Sheldon, một học sinh 16 tuổi nhắn tin lên Twitter.
“Tôi không thích cách báo chí nhấn mạnh tới việc đứa trẻ sinh ra là gái và các công ty lợi dụng việc này trong chiến dịch tiếp thị của họ” - Sheldon nói với hãng tin AP - "Toàn bộ quan niệm “màu hồng dành cho các bé gái” và “màu xanh dương cho các bé trai” này đã rất lạc hậu và bảo thủ, không còn phù hợp trong một xã hội tiến bộ”.
Liệu sẽ có sự khác biệt?
Những người quan sát Hoàng gia Anh lâu năm như Penny Junor, người viết cuốn tiểu sử về Hoàng tử William và Henry, đã dự báo rằng những năm tuổi teen của Charlotte sẽ rất khó khăn.
“Cô bé sẽ phải gánh nhiều sự hào nhoáng mà người ta gán cho mình” - Junor nói - “Các công chúa thường mặc đồ đẹp và chịu sự săm soi mà các hoàng tử thường không phải đối mặt. Người ta sẽ liên tục hỏi rằng cô bé để kiểu tóc nào, có phải cô bé đã tăng cân không... Sẽ rất khó khăn khi Charlotte bước vào tuổi teen”.
Chung quan điểm, sử gia Robert Lacey nói rằng các công chúa của Hoàng gia Anh thường đối mặt với nhiều gánh nặng vô hình hơn so với các hoàng tử.
"Có quá nhiều các bình luận mang tính phân biệt giới tính” - ông nói - “Cho tới giờ báo chí và hơn thế là mạng xã hội vẫn thoải mái bình luận về váy vóc và ngoại hình của một cô gái. Hoạt động đưa tin về cô gái ấy rất dễ dàng dao động từ chỗ ngưỡng mộ thái quá sang chỗ chê bai kịch liệt. Các Công chúa Beatrice và Eugenie là những ví dụ rõ ràng”.
Hai cô con gái của Hoàng tử Andrew đã trở thành đề tài để báo chí bêu riếu, chê cười, sau khi họ đội những chiếc mũ khác người tới dự đám cưới của Kate và William hồi năm 2011.
Tuy nhiên vẫn có những dấu hiệu cho thấy xã hội đã thay đổi lớn trong mấy thập kỷ vừa qua. Tương tự là Hoàng gia Anh. Trong hàng thế kỷ, luật Anh thường ưu tiên để những người đàn ông ngồi lên ngai vua. Vì lẽ đó, một công chúa sinh ra trước vẫn có thể bị xếp sau đứa em trai của cô trong danh sách kế vị ngai vàng.
Kết quả từ việc này là Anh có 35 vị vua kể từ năm 1066, nhưng chỉ có 7 nữ hoàng. Năm 2011, lãnh đạo Anh và 15 cựu thuộc địa của Anh vẫn coi Nữ hoàng Anh là lãnh đạo đất nước họ, đã đồng ý ban hành một luật mới về quyền kế vị ngai vàng. Theo đó các công chúa cũng sẽ có quyền lợi tương đương các hoàng tử trong danh sách kế vị ngai vàng.
Phải mất vài năm để người ta chỉnh sửa các quy định cũ, với một số đã không thay đổi trong hàng thế kỷ. Tới tháng 3 vừa qua, Luật kế vị ngai vàng đã chính thức có hiệu lực và như thế, Charlotte sẽ không phải nhường vị trí thừa kế của cô bé, trong tình huống cha mẹ sinh thêm em trai.
Charlotte hiện đứng thứ 4 trong danh sách kế vị ngai vàng, trên cả chú ruột, Hoàng tử Harry. Cô bé sẽ giữ vững vị trí này và chỉ tụt xuống dưới nếu George sinh con trong tương lai.
Đó là một thay đổi nhỏ, nhưng biểu tượng cho một Hoàng gia Anh hiện đại hơn, coi trọng sự bình đẳng giới và bình đẳng cơ hội hơn.
Anh có 35 vị vua kể từ năm 1066, nhưng chỉ có 7 nữ hoàng. Năm 2011, nước Anh đã đồng ý ban hành một luật mới về quyền kế vị ngai vàng. Theo đó các công chúa cũng sẽ có quyền lợi tương đương các hoàng tử trong danh sách kế vị ngai vàng. Tới tháng 3 vừa qua, Luật kế vị ngai vàng đã chính thức có hiệu lực và như thế, Charlotte sẽ không phải nhường vị trí thừa kế của cô bé, trong tình huống cha mẹ sinh thêm em trai. |
Tường Linh (Theo AP)
Thể thao & Văn hóa