Kho báu từ bộ sưu tập vé xem World Cup
(Thethaovanhoa.vn) - Rất ít cá nhân trên thế giới có những chiếc vé xem World Cup như Mohammed Abdullateef, một người Qatar có khoảng 1.200 vé và vẫn đang tiếp tục tăng. Abdullateef có hầu như vé của tất cả các kì World Cup, trừ năm 1958. Riêng World Cup đầu tiên năm 1930, khi vé được bán ra ở 3 hạng, ông có cả 3 loại vé.
Abdullateef thậm chí còn có vé xem các trận đấu mà không hề diễn ra, chẳng hạn như trận đấu knock-out giữa Đức và Thụy Sĩ từ năm 1938, ban đầu được lên lịch cho 2 ngày, và trận chung kết vào năm 1982, khi Abdullateef cho biết vé cho một ngày dự phòng đã được in, tuy nhiên không có nghĩa là chúng được sử dụng.
Thú chơi độc đáo
Abdullateef từ chối cho biết bộ sưu tập có giá trị gì với ông hoặc nó sẽ có giá trị gì nếu ông cố gắng quảng bá. Tuy nhiên, ngay từ đầu, tiền không phải là thứ khiến ông tò mò. “Tôi rất quan tâm đến World Cup”, Abdullateef, 50 tuổi, người đã chú ý đến World Cup sau khi xem chương trình năm 1982 trên truyền hình khi còn là một cậu bé.
Mặc dù vậy, Abdullateef không đủ khả năng để bắt đầu sưu tầm vé cho đến năm 2010, năm Qatar được trao quyền tổ chức World Cup 2022. Thực tế thì đam mê đó đã được nhen nhóm hơn 15 năm trước đó, khi Saudi Arabia trở thành quốc gia Arab đầu tiên thành công ở vòng loại trực tiếp của một kì World Cup. Một người bán đồ lưu niệm ở Mỹ, người mà Abdullateef tin rằng không biết phân biệt giữa Saudi Arabia và nước láng giềng Qatar, đã gửi cho ông một tấm vé của trận đấu mở màn của Saudi Arabia cùng với ảnh chụp một số cầu thủ.
Abdullateef, một kĩ sư viễn thông và là người vẽ tranh biếm họa chính trị cho biết: “Tôi vẫn giữ tấm vé này. Tuy nhiên, tôi không nghĩ đến việc gom vé. Trước đó tôi sưu tầm sách. Tôi thích đọc về World Cup". Sự tò mò đó đã dẫn Abdullateef đến một diễn đàn trực tuyến và ông rơi ngay vào một cuộc tranh luận của những người sưu tầm vé. “Vì vậy, tôi nghĩ đến việc sưu tầm vé từ mọi năm, từ năm 1930 đến năm 2010”, ông nói. “Tôi bắt đầu tìm kiếm trên eBay. Đặc biệt là eBay”.
Abdullateef cho biết việc thu thập hầu hết các kỉ vật World Cup, đặc biệt là vé, có thể không đạt được nếu không có internet. Kế hoạch ban đầu của ông là chỉ thu thập một vé từ 21 giải đấu, tuy nhiên khi những tấm vé xuất hiện ngày một nhiều, ông quyết định mở rộng tìm kiếm để có ít nhất một vé từ tất cả 900 trận đấu của World Cup.
Và ông không phải là người duy nhất có thú tiêu khiển đó.
Chris Ivy, giám đốc lớp hoạt động thể thao của tổ chức Đấu giá Di sản có trụ sở tại Dallas, cho biết: “Việc sưu tầm vé không chỉ là một phần, tuy nhiên được cho là phân nhánh được yêu thích nhất trong thị trường sưu tầm các hoạt động thể thao. Nhiều nhà sưu tập cạnh tranh để tạo ra những bộ sưu tập hoàn chỉnh nhất và được xếp loại cao nhất trong nhiều chủ đề”.
Abdullateef ước tính phân loại của mình, chứa đầy 12 album và được lưu trữ trong một nơi chắc chắn, chiếm khoảng 95% số vé, tuy nhiên ông cũng thừa nhận rằng con số này không có nghĩa là có thể trọn vẹn. Thậm chí, bộ sưu tập của ông có thể bị cạnh tranh từ người hâm mộ bóng đá Italy là Matteo Melodia, người có hơn 6.000 vé từ các kì World Cup, EURO, các trận đấu của đội tuyển Italy và thậm chí cả các trận đấu mà đội bóng yêu thích của ông, AC Milan, tham dự.
Melodia bắt đầu sưu tầm khi còn là một cậu bé cách đây 35 năm, sau khi một người bạn cho ông một chiếc vé của MU. Ông bắt đầu với các trận đấu của các đội bóng Anh nhưng khi gia đình ông di chuyển nhiều, mối quan tâm của ông được mở rộng. 4 năm trước, Melodia, một sĩ quan cảnh sát đã nghỉ hưu, đã tập hợp bộ sưu tập vào cuốn sách có tên gọi “Vé xem World Cup 1930-2018”.
Melodia cho biết danh mục World Cup của ông đang thiếu 19 trận đấu, chủ yếu từ World Cup năm 1950 ở Brazil, khi các trận đấu được tổ chức xa những trung tâm đông dân cư ở Rio de Janeiro và Sao Paulo. Vé xem World Cup 1934 ở Italy và sự kiện năm 1938 ở Pháp cũng khan hiếm vì nhiều chiếc vé đã bị mất trong giai đoạn Chiến tranh thế giới 2.
Việc tìm được những chiếc vé đó, như Abdullateef nói, có thể đòi hỏi một số công việc của một thám tử. Bởi vấn đề là những chiếc vé có thể đến từ một người nào ở Bỉ và anh ta sở hữu tấm vé đó từ một người Pháp.
Những tấm vé giá trị
Đối với các nhà sưu tập, có lẽ những tấm vé được tìm kiếm nhiều nhất không phải là những tấm vé từ những trận đấu mà mọi người đều nhớ. Ví dụ, đối với năm 1950 ở Brazil, gần 200.000 vé đã bán ra, trong khi vé xem năm 1966 ở London, nơi nước Anh giành được danh hiệu duy nhất của mình, nhanh chóng trở thành vật kỉ niệm. Do đó, chúng dường như không phải là hiếm.
Tuy nhiên, trận đấu giữa Triều Tiên và Italy năm 1966, diễn ra trước 17.829 người theo dõi ở Middlesbrough, đã nhanh chóng bị lãng quên và vì thế, những tấm vé khi đó vào lúc này rất khó tìm.
Mặc dù vậy, những chiếc vé không phổ biến không vì thế mà quý giá, khi mà các trận chung kết dường như có giá trị gấp nhiều lần so với trận đấu ở vòng bảng. Trên tất cả, Melodia và Abdullateef không sưu tầm vé để làm giàu.
“Tiền hoàn toàn là thứ cuối cùng trong quá trình sưu tầm”, ông nói khi được hỏi về giá trị của bộ sưu tập. “Đam mê không thể quy ra tiền”.
Tuy nhiên, một số tấm vé có thể có mức giá rất cao. Chẳng hạn như các tấm vé từ năm 1934 ở Rome. Người ta tin rằng chỉ còn 3 hoặc 4 vé và Melodia, Abdullateef đều có 1 vé. Năm 1934, tấm vé này có giá là 60 lira nhưng Abdullateef cho biết ông đã mua trên eBay với giá 5.800 USD.
Ngoài ra, các chính trị gia cũng có thể cản trở các nhà sưu tập. Theo họ khẳng định thì những báu vật không phổ biến cần phải ở trong quốc gia và họ không cho phép để xảy ra tình trạng chảy máu cổ vật.
Tuy nhiên, mối nguy lớn nhất đối với những người sưu tập là vé giả, chủ yếu đối với các giải đấu diễn ra từ năm 1950 đến năm 1962. Abdullateef nói rằng, ông đã tìm hiểu điều này khi gửi ảnh của một vài chiếc vé cho một nhà sưu tập ở Vương quốc Anh.
“Ông ta nói, “Đó là vé giả, vé giả này, vé này thật’”, ông nhớ lại. “Ông ta bắt đầu chỉ cho tôi cách biết phân biệt vé giả. Ông ta đã cho tôi cách thức nhận biết”. Abdullateef nhanh chóng trở nên thành thạo trong việc nhận ra vé giả đến mức trong khi đến thăm một triển lãm của FIFA ở Nga 4 năm trước, ông đã chỉ cho một người bạn thân rằng rất nhiều vé đã được làm giả. FIFA cũng không phân biệt được. Tuy nhiên, sau khi Abdullateef hướng dẫn họ cách nhận biết, FIFA một lần nữa thừa nhận ông hoàn toàn đúng.
Abdullateef cuối cùng đã nhận được vé xem một số trận đấu ở Nga, một trận đấu World Cup mà ông được xem trực tiếp. Và ông dự định sẽ tham dự các trận bán kết vào tháng 12 này tại Qatar.
Đạp xe đến World Cup 2022 Frazer McKinlay và Rory Pogson dự kiến đạp xe qua nhiều quốc gia và nền văn hóa trong vòng 4-5 tháng tới. Cặp đôi gan dạ đạp xe từ thị trấn Perthshire (Scotland) xinh đẹp, nơi Frazer lớn lên và sẽ có mặt ở World Cup tại Qatar vào cuối tháng 11. Nếu quãng đường đi thêm 4.000 dặm ban đầu là không đủ, họ sẽ tiếp tục bằng cách đạp xe trở lại Australia, nơi Frazer từng học ở trường trung học Perth. Những ngày đầu và nhiều tuần sau đó, họ sẽ đi qua bờ biển phía Đông của Scotland, qua Anh đến Dover để đáp thuyền đến Calais, Pháp trước khi đi vòng qua nhiều quốc gia ở châu Âu, cuối cùng đến Thổ Nhĩ Kỳ. Từ đó, họ có kế hoạch đạp xe xuống Iran để đón một chuyến phà sẽ đi qua Vịnh Ba Tư đến Qatar. |
Mạnh Hào