Khi U23 Việt Nam chơi pressing
Vào đầu tháng Năm, có một trận thua đã khiến bóng đá Anh sửng sốt: MU thua Brighton 0-4 khi mùa giải chỉ còn hai vòng nữa là hạ màn.
HLV Ralf Rangnick thậm chí đã phải nói lời xin lỗi trong tủi hổ về những gì các học trò thể hiện: “Tôi xin lỗi các CĐV, đã đi từ Manchester đến Brighton để cổ vũ cho đội”.
Bruno Fernandes thừa nhận rằng anh và các đồng đội không xứng đáng được nhận lương vì lối chơi kiểu này: “Những gì cả đội đã làm hôm nay, gồm cả tôi nữa, đều không xứng đáng với màu áo MU”, anh nhấn mạnh. “Chúng tôi phải chấp nhận”.
Từ sự thỏa hiệp của Rangnick
Rangnick đã áp dụng cùng một sơ đồ chiến thuật, các nhiệm vụ và nhân sự tương tự như trận thắng Brenford trước đó một tuần. Nhưng chiến thắng không những không đến, mà thất bại còn được tô đậm bởi sự bạc nhược: Các cầu thủ Man United gần như buông xuôi cho đối phương đá bóng. Họ làm cho đối thủ cảm thấy rất dễ chịu, với sự thiếu quyết liệt đến mức thờ ơ trên sân.
Trận thua này cụ thể hóa hình hài của một vấn đề mà đội bóng này đã thiếu hoàn toàn trong suốt vài năm qua: Khả năng chơi pressing. Thống kê cho thấy ở trận thua Brighton, Man United đã để đối thủ của họ chuyền bóng trung bình 14,9 lần mới can thiệp. Rangnick, một người được mệnh danh là “Bố già” của lối chơi gegenpressing, đã không thể chuyển danh tiếng ấy thành lối chơi: Man United đứng thứ 15/20 ở thông số rất quan trọng này tại Premier League. Các đối thủ của họ trung bình thực hiện được 14,4 đường chuyền trước khi cảm nhận được áp lực từ phía các cầu thủ áo đỏ.
Mọi thứ mà Man United có, từ danh tiếng, lịch sử, các ngôi sao… đã lịm tắt dần, có lẽ chỉ vì sự thua sút ở thống kê đơn giản ấy: Đội bóng này không thể đá pressing khi cần. Bóng đá hiện đại đã trở nên khắc nghiệt đến nỗi anh không thể chỉ đứng chờ đối phương sai lầm. Thậm chí ngay cả khi phòng thủ, anh cũng luôn phải hướng lên phía trước, phải quây bắt, và buộc đối phương rơi vào trạng thái sai lầm, bằng sự quyết liệt của mình.
Đấy là lối chơi mà HLV Rangnick đã cố áp dụng cho Quỷ đỏ khi mới đặt chân đến Old Trafford, nhưng bất thành: Các cầu thủ Man United không đủ thể lực và khả năng phân phối sức để duy trì nó đến cuối trận. Cho đến những ngày cuối cùng dẫn dắt Man United, ông Rangnick đã hoàn toàn phải thỏa hiệp với các cầu thủ: Họ không thể chơi pressing được. Đấy là lối chơi không chỉ đòi hỏi thể chất, mà còn cả tinh thần. Đội bóng muốn vận hành nó một cách chủ động cần kỷ luật, sự tập trung và cả khát khao chiến thắng không ngừng. HLV người Đức đã phải thỏa hiệp, và cuối cùng đánh mất ý chí của chính ông, lẫn toàn đội.
Bộ mặt nào cho U23 Việt Nam?
Khi tiếp quản U23 Việt Nam, từ khóa đầu tiên mà tân HLV Gong Oh-kyun lắp vào hệ thống của ông là pressing. Ngay ở buổi tập thứ hai tại UAE, ông đã nhồi một khối lượng vận động lớn cho các cầu thủ, với yêu cầu rất cao về cả tốc độ quây bắt lẫn triển khai bóng sau khi tranh bóng thành công. Đấy là một quyết định dũng cảm: U23 Việt Nam vừa lên ngôi vô địch SEA Games cùng HLV Park Hang Seo với lối chơi rình rập, tập trung vào phòng ngự quen thuộc.
Và đáng ngạc nhiên là nó đã mang lại những ấn tượng ban đầu: Hiệp 1 trận gặp Thái Lan, lối chơi của U23 Việt Nam đã khiến đối thủ bối rối. Bàn thua đầu tiên đến từ một pha chuyền bóng không tốt của hàng thủ đội Thái dưới áp lực của các cầu thủ U23 Việt Nam. Trong 20 phút đầu trận, đội bóng của chúng ta làm truyền thông Thái Lan phải sửng sốt khen ngợi: “Khả năng chơi pressing đồng bộ là điểm mạnh của các cầu thủ Việt Nam”.
Nhưng sang hiệp 2, chúng ta cũng đã thấy mặt còn lại của triết lý này: Đội bóng đã tỏ ra hụt hơi trong 20 phút cuối, sau khi đã rất nỗ lực đá pressing trong những thời điểm then chốt. U23 Việt Nam chưa thể vận hành trơn tru lối chơi này, và được thử lửa đủ dài để biến nó thành căn tính của đội tuyển.
Các HLV có hai lựa chọn khi vấn đề về triết lý phát sinh: Một là gạt bỏ những trở ngại về tính hiệu quả, để các cầu thủ có đủ thời gian thấm nhuần triết lý và chơi đúng như họ mong muốn. Hai là thỏa hiệp để ưu tiên kết quả. Với trường hợp thứ hai, một đội bóng cũng có thể đánh mất cả chì lẫn chài: Họ không có kết quả, và không còn cả nỗ lực, vì hoang mang về triết lý.
Lời xin lỗi của HLV Rangnick sau trận thua làm chấn động bóng đá Anh một tháng trước có lẽ không chỉ là vì kết quả tệ hại, mà còn bởi ông đã đánh mất chính mình: Đội bóng đã thua vì một HLV không còn tin vào hệ giá trị của mình nữa.
Rất thú vị khi chúng ta được nhìn thấy vòng lặp háo hức này ở mọi HLV mới: Họ luôn muốn áp dụng ngay triết lý của riêng mình, thậm chí tương phản hoàn toàn với những hệ giá trị đã cũ. Họ đưa nó vào hệ thống ngay, bất chấp những hậu quả có thể phát sinh.
HLV Gong Oh-kyun sẽ lại đối mặt với một trong những nan đề phức tạp nhất của nghề cầm quân. Nhưng ít nhất chúng ta cũng đã được nhìn thấy một cá tính mạnh mẽ: Thành công của ông Park Hang Seo không có nghĩa là hệ giá trị của ông là đương nhiên ở các cấp độ đội tuyển. Sẽ luôn có những người nghĩ khác đi, và dám đặt cược theo một cách khác thường hơn.
Phạm An