Khi thời trang "tiếp sức" cho điện ảnh
Trong giai đoạn các nhà làm phim đang vật lộn để tìm tài trợ cho dự án của mình, sự vào cuộc của các thương hiệu thời trang có thể chính là giải pháp cần thiết. Nhưng tài trợ từ phía thời trang có gây ảnh hưởng tới nghệ thuật làm phim?
Câu trả lời có vẻ như là không, khi theo thời gian, điện ảnh và thời trang đang dần hoán đổi vị trí của nhau trong mắt công chúng.
Gần nhau hơn bao giờ hết
Vừa qua, đạo diễn Martin Scorsese đã công chiếu một bộ phim châm biếm sâu cay về người nổi tiếng, với sự tham gia của diễn viên Timothee Chalamet. Các nhà phê bình vô cùng nhẹ nhõm vì sau 3 tiếng loay hoay xem Killers Of The Flower Moon thì bộ phim mới của Scorsese lần này chỉ dài vỏn vẹn 90 giây!
Với đầy đủ "bài vở" truyền thông đi kèm - nhiều tháng phỏng vấn, hình ảnh "nhá hàng" và video hậu trường kèm theo-hẳn nhiều người sẽ bất ngờ khi đó không phải một bộ phim dài mà chỉ là quảng cáo cho nước hoa Bleu de Chanel - một thương hiệu xa xỉ. Diễn viên Chalamet thậm chí còn tuyên bố hợp tác với Scorsese là "một trong những vinh dự lớn nhất, nếu không muốn nói đó chính là vinh dự lớn nhất, trong sự nghiệp của tôi".
Chalamet có thể không nói quá. Trước đây, một hợp đồng quảng cáo của ngôi sao điện ảnh có thể chứa những điều khoản ngặt nghèo để tránh làm ảnh hưởng tới công việc chính. Nhưng ngày nay, quảng cáo không phải là việc phụ nữa, mà chính là công việc.
Chalamet, 28 tuổi, được trả 35 triệu USD để quảng bá cho dòng nước hoa Bleu de Chanel. Con số này nhiều hơn cát-xê tất cả các bộ phim anh đã đóng cộng lại, bao gồm Wonka (8 triệu USD), Dune (2 triệu USD) và Dune: Part Two (3 triệu USD).
Bản thân các quảng cáo cũng thay đổi. Hóm hỉnh, siêu thực và khám phá bản thân, quảng cáo của Chalamet giống như những bộ phim ngắn. Hay như quảng cáo gần đây của Aubrey Plaza và Dan Levy cho hãng Loewe hoặc Ryan Gosling cho Tag Heuer, cả 2 đều là những tiểu phẩm hài có kịch bản sắc sảo.
"Mọi người muốn có những câu chuyện" - theo Eva Vik, nữ đạo diễn 33 tuổi, người được hãng thời trang xa xỉ Bvlgari mời quay một bộ phim ngắn có hình ảnh rắn, vốn là họa tiết đặc trưng của thương hiệu. Bộ phim ngắn kinh dị dài 10 phút này, Serpentine, đã được chọn tham gia LHP Tribeca năm 2022 và nhận một loạt đề cử.
"Mọi người không còn dễ dãi nữa, vì thế giới giờ tràn ngập nội dung, dù là hài kịch, clip hay tiểu phẩm. Đó chính là thực tại" - Vik nói - "Các hãng thời trang nhận ra rằng mọi người muốn có những câu chuyện bên cạnh hình ảnh đẹp thông thường. Họ phải chạm tới rung cảm chưa bao giờ có ở khán giả".
"Đó là lý do tại sao sự kết hợp giữa thời trang và phim ảnh đã trở thành chuẩn mực" - nữ đạo diễn nói tiếp - "Về cơ bản, họ nói: "Chúng tôi muốn các nhà làm phim tới đây và kể câu chuyện của chúng tôi. Điều đó rõ ràng mạnh mẽ hơn là chỉ chăm chăm quay sản phẩm".
Thực tế, ranh giới giữa quảng cáo và giải trí đang bị xóa nhòa mạnh như hiện nay cũng bởi thời trang và điện ảnh chưa bao giờ gần nhau đến thế.
Theo Vanessa Friedman, nhà phê bình của tờ The New York Times, "nền kinh tế thảm đỏ" ngày nay không chỉ giới hạn ở thảm đỏ mà còn mở rộng ra tất cả các buổi gala, giao lưu và bữa tối do các hãng thời trang lớn tổ chức tại các liên hoan phim lớn, như Chanel tại Tribeca, Kering tại Cannes và Prada tại Venice. Các hãng thậm chí sản xuất cả các bộ phim được chiếu tại đó.
Timothee Chalamet trong quảng cáo nước hoa của Chanel
Đầu năm nay, tập đoàn thời trang LVMH đã công bố thành lập bộ phận giải trí riêng có tên là 22 Montaigne. Mục đích của nó là phát triển, sản xuất và tài trợ cho các bộ phim điện ảnh và truyền hình, liên quan tới các thương hiệu của LVMH như Louis Vuitton, Christian Dior và Tiffany & Co.
Trên thực tế, công ty này theo chân các nhánh sản xuất tương tự tại Nike và Saint Laurent - nơi giám đốc sáng tạo Anthony Vaccarello đã thành lập Saint Laurent Productions để hợp tác với các đạo diễn nổi tiếng như David Cronenberg và Jim Jarmusch.
"Điện ảnh đã nhanh chóng trở thành và sẽ còn tiếp tục là một hoạt động tốn kém. Nếu muốn đi xem phim cùng con mình, hãy bắt đầu tiết kiệm" - đạo diễn Figgis.
Trút được gánh nặng
Năm 1957, khi Hubert de Givenchy giới thiệu loại nước hoa L'Interdit của mình ra thế giới vào năm 1957, Audrey Hepburn là gương mặt đại diện cho thương hiệu này. Lý do là ngay từ đầu, Givenchy đã làm ra loại nước hoa này dành cho Hepburn.
Khi đó, điện ảnh là loại hình nghệ thuật đại chúng còn hàng xa xỉ chỉ dành cho giới thượng lưu. Ngày nay, điều ngược lại gần như đúng. Thời trang là cỗ máy văn hóa đại chúng có phạm vi toàn cầu, còn phim chiếu rạp lại có mục tiêu theo đuổi hẹp khá gian nan.
"Thế giới này không còn như xưa" - Mike Figgis, đạo diễn được đề cử giải Oscar cho phim Leaving Las Vegas, chiêm nghiệm. Ông vừa trở về từ Cannes, nơi ông đang quay một bộ phim tài liệu về quá trình thực hiện Megalopolis - dự án ấp ủ từ lâu của Francis Ford Coppola, được thực hiện bằng 120 triệu USD tiền riêng của đạo diễn, từ việc bán vườn nho.
Mặc dù là phim điện ảnh đầu tiên sau hơn một thập kỷ của đạo diễn The Godfather và Apocalypse Now, Megalopolis đã phải vật lộn để tìm được nhà phân phối ở Hollywood và chỉ tìm thành công sau khi Coppola đề nghị bỏ thêm tiền để trả cho chi phí tiếp thị.
"Điện ảnh đã nhanh chóng trở thành, và sẽ còn tiếp tục, một hoạt động tốn kém. Nếu muốn đi xem phim cùng con mình, hãy bắt đầu tiết kiệm. Nó không hề rẻ" - Figgis nhận định.
Mặt khác, Figgis đã thấy rõ sức mạnh của các thương hiệu xa xỉ khi tới Hàn Quốc gần đây để dựng một bộ phim khám phá "mặt tối" của sự bùng nổ K-pop.
"Điều khó khăn nhất khi làm phim với các diễn viên mà mình muốn ở Hàn Quốc là nếu họ thành công, họ sẽ phải gắn liền với một thương hiệu thời trang, và chắc chắn phải có một sản phẩm chăm sóc da hoặc tương tự" - theo Figgis - "Vì vậy, nếu kịch bản có vẻ hơi lộn xộn hoặc kỳ quặc, thì không phải người đại diện hay diễn viên sẽ từ chối - mà là thương hiệu thời trang kiểm soát hình ảnh của họ. Bởi diễn viên kiếm được nhiều hơn từ thương hiệu thời trang so với từphim".
Sự thay đổi này cũng có thể thấy ở Hollywood. "Nhiều nhà thiết kế trang phục phàn nàn vì họ không còn được làm công việc sáng tạo nhân vật nữa. Họ phải cho các ngôi sao điện ảnh của mình mặc trang phục của những hãng thời trang như Chanel hay Armani" - theo nhà biên kịchAnne Thompson - "Điều này chủ yếu đến từ việc các công ty môi giới cố gắng tìm việc cho khách hàng của mình và đã chuyển sang một trong những lĩnh vực có nhiều tiền: Thời trang".
Ngược lại, với nhiều người, khoản đầu tư từ các hãng thời trang là nguồn tài trợ đáng hoan nghênh, nếu không muốn nói là quan trọng, cho một ngành công nghiệp đang ngày càng khó khăn như điện ảnh
"Thật là nhẹ nhõm, giống như trút được gánh nặng khi có được sự hỗ trợ này" - theo đạo diễn người Mỹ Jim Jarmusch - người có bộ phim mới Father, Mother, Sister, Brother, với sự tham gia của các siêu sao Adam Driver, Cate Blanchett và Tom Waits. Đây là bộ phim mới nhất được hưởng lợi từ sự hỗ trợ của hãng Saint Laurent.
Nhưng nhận tài trợ không có nghĩa là Jarmusch bị phụ thuộc quá nhiều vào nhãn hàng. "Chúng tôi được đưa cho nhiều lựa chọn. Họ thậm chí sẽ làm những thứ cho chúng tôi dựa trên các bộ sưu tập trước đó hoặc những thứ chúng tôi thích" - theo Jarmusch -"Vì vậy, mọi thứ luôn xoay quanh các nhân vật và không bao giờ Saint Laurent ép buộc chúng tôi làm bất cứ thứ gì. Khi tôi yêu cầu về một sắc đỏ đặc biệt, họ nói "được" và tạo ra nó".
Đổi lại, Saint Laurent sẽ được hưởng những đặc quyền mà một đối tác sản xuất thường được hưởng, chẳng hạn như quyền quyết định thời điểm phát hành phim, cộng với một số đặc quyền khác như cơ hội phục trang cho các ngôi sao của bộ phim tại buổi ra mắt.
Quan hệ này thậm chí còn không có những căng thẳng tài chính như nhiều mối quan hệ giữa đạo diễn và nhà sản xuất. Không ai ở Saint Laurent có vẻ quá quan tâm đến lợi nhuận thương mại của những bộ phim mà họ đang tài trợ. Cho đến nay, họ thích những đạo diễn đã thành danh, làm việc vì tình yêu hơn là tiền bạc.
"Là một nghệ sĩ, tôi cảm thấy rất được ủng hộ và tôn trọng" - Jarmusch chia sẻ về trải nghiệm của mình với Saint Laurent - "Không ai giám sát tôi, không ai từng đề cập đến nội dung bộ phim hay bất cứ điều gì tương tự. Và tôi luôn có toàn quyền kiểm soát nghệ thuật".
"Người bảo trợ cho nghệ thuật "
TheoVanessa Friedman, nhà phê bình của tờ The New York Times thì "thời trang được định danh là người bảo trợ cho nghệ thuật". Thực tế, khán giả đã thấy các thương hiệu thời trang bảo trợ cho việc khôi phục các di tích quốc gia ở Italy và Pháp. Những thương hiệu xa xỉ lớn này coi mình là một phần di sản văn hóa của các quốc gia châu Âu và gắn liền với bối cảnh văn hóa đó, dù đó là trên phim ảnh hay trong nghệ thuật".