Khi thí sinh tố giám thị 'chép bài'
(Thethaovanhoa.vn) - Một học sinh ở Nghệ An vừa tố cáo về việc giám thị coi thi copy bài của thí sinh. Nghĩa là, câu chuyện có sự đảo vai, so với những gì ta thường biết tới trong mùa thi cử.
- Sau vụ Hiệu trưởng trường Nam Trung Yên, quận Cầu Giấy cấm trông xe trong trường học
- Nguyên Hiệu trưởng và Hiệu phó trường Tiểu học Nam Trung Yên bị khai trừ Đảng
- Ngẫm chuyện 'dạy làm người' từ vụ Hiệu trưởng trường Nam Trung Yên
Và ngày hôm qua 15/3, Sở GD&ĐT Nghệ An đã có quyết định đình chỉ nhiệm vụ coi thi đối với cô giáo N.T.L.H, người bị học sinh tố "quay bài". Cô H cũng bị yêu cầu viết bản tự kiểm điểm để Sở xác minh và xử lý.
Cũng trong ngày 15/3, theo học sinh L.P.A, cô H đã gọi điện xin lỗi em.
Trường THPT Lê Viết Thuật (TP Vinh), nơi diễn ra kỳ thi học sinh giỏi tỉnh Nghệ An năm học 2016-2017. Ảnh: Doãn Hòa - Tuổi trẻ
Tôi đọc câu chuyện dưới lời kể của L.P.A với những tình tiết đầy đủ của một vở hài kịch. Em cho hay: khi quay bài của các em, hành động của giám thị này lộ liễu tới mức một cô giám thị khác phải nói nhỏ: các em ... che bài lại không cô kia chép đấy.
Rồi, đến cả khi thí sinh dọa mời thanh tra đến, yêu cầu cô "ngồi yên một chỗ", giám thị này vẫn tiếp tục hành động như vậy.
Vở "hài kịch trường thi" được em học sinh khép lại bằng một lời nhắn nhủ: Thầy cô muốn dạy học sinh, trước hết phải làm gương cho học sinh cái đã.
"Không biết dùng biểu tượng mặt cười, mặt khóc, hay giận dữ trong trường hợp này". Câu bình luận của một người dùng Facebook trùng khớp với tâm trạng của tôi, và có lẽ là rất nhiều những những người đọc được dòng chia sẻ của em học sinh L.P.A.
Bởi, cả đời đi học, chắc chúng ta chẳng bao giờ dám nghĩ tới chuyện mình có thể yêu cầu giám thị "ngồi yên một chỗ" và không được chép bài trong phòng thi.
***
Vụ việc chưa có kết luận cuối cùng. Những lời tường thuật của em L.P.A vẫn đang được kiểm chứng. Song, nhiều người cũng không khó trong việc đi tìm lời giải, nếu câu chuyện là sự thật.
Bởi, trong giáo dục, chúng ta vẫn luôn phải nói tới vấn nạn thành tích. Căn bệnh ấy được thể hiện qua cách đào tạo "gà nòi" chuyên đi "đấu giải" của nhiều trường. Qua những số liệu thống kê không thể tin nổi về những lớp học chỉ có "khá" và "giỏi". Và qua cả câu hỏi cửa miệng khi các phụ huynh gặp nhau: "Năm nay cháu có được học sinh giỏi không?".
Câu chuyện của em học sinh kể trên đã kích hoạt tất cả những ẩn ức của người dân về căn bệnh trầm kha của giáo dục, cũng như những bức bối của cộng đồng.
Bởi, không chỉ dừng lại ở một kỳ thi cấp tỉnh, và cũng không chỉ dừng ở lĩnh vực giáo dục, đó là tình trạng chung của cả xã hội về bệnh thành tích.
***
Chưa có hồi kết, song đến lúc này, điểm sáng hiếm hoi đáng ghi nhận là thái độ của Sở GD&ĐT Nghệ An. Từ một dòng trạng chia sẻ trên mạng xã hội, Sở đã lập tức đình chỉ giáo viên, yêu cầu viết bản tự kiểm điểm để điều tra.
Sự việc khiến nhiều người liên tưởng tới mê lộ những lời nói dối của cô giáo cựu hiệu trưởng Trường Tiểu học Nam Trung Yên (Hà Nội). Vụ việc này đã "lùng bùng" tới 3 tháng mới đi tới kết luận cuối cùng trước sức ép quá lớn từ dư luận. Và trong 3 tháng đó, xã hội đã mất không ít năng lượng bởi sự quanh co của cô cựu hiệu trưởng.
Cách xử lý nhanh, minh bạch, sòng phẳng của Sở GD&ĐT Nghệ An đã cho thấy những chỉ dấu tích cực về sự thay đổi trong thái độ của ngành giáo dục với tiếng nói của học sinh. Trong trường hợp này, tiếng nói học sinh không còn lạc lõng giữa những bao biện, vòng vo. Tiếng nói học sinh đã được cơ quan chức năng lắng nghe để đảm bảo "cuộc chơi" (ở đây là kỳ thi học sinh giỏi tỉnh) đúng luật.
Đồng thời, nếu sự việc không như học sinh A nói, cô giáo H cũng sẽ được trả lại sự trong sạch. Đây là cách xử lý tốt cho tất cả các bên. Bởi, nếu giáo dục có bệnh thành tích thì mạng xã hội có bệnh thổi phồng vụ việc. Và việc điều tra nhanh, xử lý minh bạch sẽ "điều trị" được cả hai "bệnh" trên.
Giờ, điều mà nhiều người trông ngóng là một cuộc điều tra công tâm, một hình thức xử lý thích đáng để đảm bảo sự công bằng cho các thí sinh cũng như giám thị trong sạch.
Mỹ Mỹ
Thể thao & Văn hóa