Khi nước lã đắt giá như... 'nước thánh'
(Thethaovanhoa.vn) - Không có thứ lương thực nào quan trọng bằng nó. Đồng thời không có thứ lương thực nào đem lại lãi suất cao như nó. Nó là thiên nhiên ở dạng tinh túy nhất. Trong tay các tập đoàn đa quốc gia, nó được biến thành vật thờ cúng ở Bắc Mỹ và châu Âu, thậm chí ở các nước thứ ba nghèo đói. Ta biết thế và ta vẫn phải dùng nó để sống: Nước.
Hãy để ngụm nước từ từ chảy vào thực quản. Nó trong vắt như pha lê, có vị tươi rói và tinh khiết. Thứ nước Nhật Bản ấy chảy ra từ độ cao 930 mét trên triền núi Rokko gần Kobe, nơi có loại thịt bò ngon nhất và có nhiều người trăm tuổi nhất.
Dư vị đắng ngắt
Thủy thủ viễn dương Nhật ngày xưa ưa đem thứ nước ấy trữ trên tàu vì nó không bị hỏng. Bây giờ nước khoáng “Rokko No Mizu” đã tìm đến được những địa chỉ danh giá nhất, như khách sạn 5 sao Adlon Kempinski Berlin.
Chỉ khi nuốt rồi ta mới thấy một dư vị đắng ngắt của chất lỏng “cải lão hoàn đồng” khi liếc vào biên lai: 1 lít giá 124 euro! Ai không rủng rỉnh tiền trong túi thì chọn “Bling H2O” từ Tennessee (USA), chỉ 65 euro một lít, bù lại thì thân chai đính mấy hạt pha lê của Swarovski. Rẻ nhất trong 42 loại nước khoáng có lẽ là “Chateldon”, 16 euro, dù đó từng là thứ nước ưa thích của Vua Mặt Trời Louis XIV nổi tiếng xa hoa.
Rất có thể ai đó còn thấy mình thiếu sành điệu, vậy hãy tìm đến Markus Del Monego để học phân biệt các vùng vị giác trên lưỡi. Ông từng là nhà vô địch thế giới trong nghề bồi bàn rượu vang, nay chuyển sang dạy nghệ thuật nếm nước! Thậm chí hôm nay ông bịt mắt nếm hai loại nước cách xa nhau hàng năm ánh sáng về giá trị: một cốc đựng nước “Fiji Water” từ quần đảo Fiji, còn cốc kia là… nước từ một vòi nước gia đình. Monego cầm cốc thứ nhất lên, ngửi, lắc, rồi mới nếm một ngụm tí xíu. Rồi ông nếm từ cốc thứ hai. “Có khác biệt, nhưng rất ít, có lẽ ít ai cảm nhận được”.
Vậy thì tại sao người ta khua chiêng gõ trống rùm beng xung quanh một loại lương thực luôn thừa thãi quanh ta?
Thần thánh hóa một thứ trần tục?
Nước rất quan trọng. Thiếu nước là không có sự sống. Cơ thể một trẻ sơ sinh có đến 80% nước, cụ già 85 tuổi chỉ còn 50%. Nhưng khi nói đến nước khoáng thì ít ai nghĩ đến một dạng vật chất, mà chỉ biết đến một huyền thoại, một khát khao về thiên nhiên trinh trắng. Hãy lấy ví dụ “Fiji Water”, hiện đứng thứ 2 trong các loại nước khoáng nhập khẩu vào Mỹ sau “Evian”. Quần đảo Fiji nằm ở Nam Thái Bình Dương, thường được gọi tắt trong các ngôn ngữ hệ Latin là biển Nam. Và cụm từ “Biển Nam” gợi lên trong văn hóa Bắc Mỹ hình ảnh mơ mộng, nguyên sơ, tượng trưng cho cái gì đó tinh khôi, chưa bị vẩn đục bởi nền văn minh nhôm kính và khí thải. Nào có ai biết ở Fiji cũng có siêu thị to như cái sân bóng đá, cũng có McDonald's, thậm chí cả một nhà máy Nestlé giữa rừng nhiệt đới!?
Khách sạn sang trọng Raffles Hotel ở Singapore có một bồi bàn chỉ… bưng nước khoáng. Trong cửa hàng bách hóa Colette của Paris có hẳn một quầy chỉ bán… nước, và nổi tiếng nhất ở đó là nước mưa từ Tasmania mang tên “Cloud Juice” (Nước chắt từ mây), một lít giá 60 euro. Ở Thụy Sĩ có cửa hiệu đặc sản “Vital'Eau” và bán 10.000 chai của 200 loại nước, luôn đông nghịt người đến học nếm nước!
Đúng thế, nước là mặt hàng kinh doanh, lãi suất như ma túy vậy. Vì chi phí sản xuất thường khá thấp. 44% các loại nước đóng chai trên quả đất này chỉ là nước máy qua xử lý. Các loại nước không có ga còn lãi hơn: nước Đức với dân số ngót 83 triệu bán ra mỗi năm đến 1,4 tỉ lít nước đóng chai. Một cuộc thăm dò dân ý cho biết, người ta thích uống nước không ga nhất, khi nó “không có vị gì cả” - quá dễ cho công nghiệp lọc nước.
Các công ty lương thực ra trận
Riêng ở Đức có 660 nguồn nước khoáng được phép khai thác, do 230 doanh nghiệp chia nhau, nhưng các tên tuổi lớn nhất đều bị mua đứt bởi Nestlé Waters. Người khổng lồ Coca-Cola cũng có mặt trên trận tuyến tranh giành nước ở châu Âu, nấp dưới tên “Dasani”.
Một phóng sự gần đây của Anh đã phát hiện ra Dasani chỉ là nước máy sơ chế, nhưng trên đường tới tay người tiêu dùng đã đắt lên 3.000%. Lập tức toàn bộ sản phẩm Dasani định ra đời vào tháng 3 năm nay bị đình chỉ trên toàn châu Âu. Một loại nước khác của tập đoàn Coca-Cola là “Bonaqa” cũng bị lật mặt nạ là trộn từ 10 nguồn nước máy khác nhau, dù có mặt từ 1988 nhưng cũng chỉ chiếm được 1,3% thị phần.
Vì sao ngành công nghiệp này vẫn bán ra được nhiều sản phẩm như vậy? “Nước khoáng giải khát tốt nhất” - phát ngôn viên Arno Dopychai của Hiệp hội nước khoáng Đức giải thích - “vì nó chứa nhiều khoáng chất mà cơ thể cần”. Giáo sư bác sĩ Franz Daschner phản biện: “Vớ vẩn, lượng bánh mì, rau và phô mai hằng ngày cung cấp đủ khoáng chất cho cơ thể rồi”. Chưa kể mỗi nguồn nước có tỉ lệ khoáng chất khác nhau. Ví dụ 1 lít nước suối từ nguồn Diamant chứa 3 milligam canxi, trong khi mỗi lít nước máy ở vùng Stuttgart chứa 51,4 và Düsseldorfer thậm chí 89. Vậy mà nước từ vòi ít được sử dụng, té ra chỉ vì… ít bỏ tiền quảng cáo! Hãy “học” từ Nestlé: khi cho ra thị trường loại nước mới mang nhãn “Aquarel”, công ty này tiêu tốn 100 triệu euro để tiếp thị. “Aquarel” sang đến thế giới thứ ba, nơi chất lượng nước sinh hoạt rất kém, được đổi tên thành “Nestlé Pure Life (Cuộc sống tinh khiết)” để được cảm nhận như biểu tượng sạch sẽ và trong lành.
Tương lai sáng sủa
Ngành công nghiệp nước đóng chai còn nhiều dư địa để phát triển lắm. 1,2 tỉ cư dân trái đất không có nước sạch. 80% bệnh tật ở các nước kém phát triển bắt nguồn từ nước bẩn, theo báo cáo của UNESCO.
Nhãn hiệu Nestlé ngày càng nổi. Riêng năm 2002 doanh số của Nestlé Waters ở Trung Đông tăng 23%. Với 17% lượng nước đóng chai, Nestlé Waters cũng dẫn đầu lĩnh vực này trên toàn cầu.
Thực ra nên kính cẩn ngả mũ trước hành động cao cả của Nestlé là đem nước sạch đến cho loài người. Nhưng các nhà hoạt động xã hội không nghĩ đơn giản như thế. “Không được phép biến nước thành hàng hóa” - Danuta Sacher của Hội “Bánh mì cho thế giới” lên tiếng.
Tài nguyên đó phải được mở cửa cho mỗi người, cả những người nghèo. Nhưng vô ích. Nước “Contrex” của Nestlé được bán ra ở 40 quốc gia, “Vittel” ở 70 nước, “San Pellegrino” 100, và “Perrier” thậm chí có mặt tại 160 nước.
Một tổ chức xã hội dân sự Thụy Sĩ đã tính ra, Nestlé Waters phá hoại môi trường bằng 12.000 chuyến xe chạy không tải mỗi năm. Nhưng chưa hết: Ở Brazil, Nestlé Waters mua hàng loạt giếng nguồn và tách khoáng chất từ đó ra để pha vào “Pure Life”, mặc dù luật Brazil không cho phép dùng kỹ nghệ ấy.
Ở Mỹ, nơi nguồn nước không thuộc nhà nước mà bị tư nhân hóa, Nestlé hút nhiều nước ngầm ở Michigan đến nỗi giếng của nông dân quanh vùng cạn khô, và chỉ phải trả 200 USD phí khai thác cho 500.000 tấn nước. Năm 2016 một tòa án ra lệnh cấm, nhưng ở hồ Lake Michigan, Nestlé đã kịp mua quyền hút nước hồ với lệ phí 75 USD để mỗi năm được hút 1 tỉ lít làm nguyên liệu cho sản phẩm “Ice Mountain Water”.
Với các loại doanh nghiệp như Nestlé, nước đóng chai không là tài nguyên, mà là mực in tiền.
LÊ QUANG
Thể thao & Văn hóa