Khi người nổi tiếng tự chế nhạo mình
(Thethaovanhoa.vn) - Trong khi chương trình YouTube Những kẻ lắm lời làm dậy sóng làng giải trí Việt Nam vì nói xấu các ngôi sao quá trực diện thì ở Mỹ, các ngôi sao tự đọc những lời mạt sát mình, với điệu bộ hài hước nhất có thể, trong loạt chương trình ngắn Celebrities Read Mean Tweets.
Celebrities Read Mean Tweets nghĩa là “Người nối tiếng đọc những lời chê bai trên Twitter dành cho họ”.
Chúng ta sẽ thấy anh chàng “Người Nhện” Andrew Garfield bước ra từ sau bức màn và đọc: “Có phải Andrew Garfield đang cố gắng hết sức để trông như một kẻ ấu dâm?” rồi cười phá lên.
George Clooney mê gái, miệng Julia Roberts “ăn sống voi”
Nhưng không phải ngôi sao nào cũng cười được như thế. Tài tử Benedict Cumberbatch đã giơ ngón tay giữa vào màn hình sau khi đọc tin nhắn viết rằng: “Nếu bạn thấy Benedict Cumberbatch quyến rũ, tôi đoán bạn cũng có sở thích nhìn chằm chằm vào đít mèo”.
Ý tưởng chương trình thú vị này là của Jimmy Kimmel (48 tuổi), một người dẫn chương trình truyền hình nổi tiếng. Bằng mối quan hệ của mình, Kimmel đã rủ rê được các ngôi sao ca nhạc, điện ảnh xuất hiện trong các đoạn phim ngắn, với mỗi người chỉ hơn 10 giây.
Họ bước ra từ bức rèm và đọc những đoạn tin nhắn viết về mình trên Twitter được chương trình chuẩn bị sẵn. Phản ứng như thế nào là tùy ở các ngôi sao.
Các tin nhắn đều rất chát chúa. Những lời chê thẳng mặt, ví von, mạt sát, trào lộng, nhiều từ tục tĩu. Hầu như đến từ các anti-fan (người ghét ngôi sao đó).
Họ bình phẩm và mô tả đủ thứ: từ ngoại hình, ăn mặc, đến tài năng đến nhân cách của ngôi sao đó, đôi khi là một câu ác ý chung chung. Tất cả đều không kiêng nể gì vì người viết chỉ là một cư dân mạng. Tóm lại là, chê bai còn nặng lời hơn Những kẻ lắm lời rất nhiều.
Chương trình đầu tiên được thực hiện vào tháng 3/2012, nhân 6 năm mạng xã hội Twitter ra đời. Số đầu gồm các ngôi sao Will Ferrell, Jason Bateman, Kristen Bell, Roseanne Barr, Anna Faris và Kathy Griffin.
Nhạc nền là ca khúc Everybody Hurts (Ai cũng đau khổ cả) của ban nhạc R.E.M. Chương trình này thành công vang dội, thu hút 38 triệu lượt xem trên YouTube chỉ trong 1 tháng.
Tiếp nối, Kimmel sản xuất loạt Mean Tweets khác với những ngôi sao hạng A như Julia Roberts, Tom Hanks, Adam Sandler, Britney Spears, Sofía Vergara, Jon Hamm, Benedict Cumberbatch, Cate Blanchett, Matt Damon và Bill Murray.
Đặc biệt, Tổng thống Mỹ Barack Obama cũng nhận lời trở thành một trong những nhân vật của chương trình, với một số đặc biệt dành riêng cho ông. Vị tổng thống ngậm ngùi đọc: “Tóc Obama gần đây bạc đi nhiều. Thật ngạc nhiên vì ông ta có vẻ chẳng lo lắng tí gì về tình hình đất nước”.
Obama bật cười với lời ví von: “Làm thế nào cho mắt Obama sáng lên? Hãy chiếu đèn pin vào tai ông ta” (ý chỉ ông Obama “rỗng não").
Những lời lẽ đó vẫn còn là lịch sự. George Clooney bị gọi là “thằng mê gái” (đọc xong, tài tử nhún vai rồi đi vào). Jack Black bị gọi là “gã phì nộn”. Wiz Khalifa (nam nghệ sĩ rap) bị ví như "một phụ nữ vô gia cư”...
Những tên tuổi nổi tiếng khác cũng bị xúc phạm nặng nề. “Gangnam Style nghe bực mình đến phát ngấy và tôi muốn chọc một cái que vào mông Psy để hắn ta hết nhảy” - một bình luận viết. “Có người nghĩ Julia Roberts quyến rũ thật ấy hả? Cái miệng khổng lồ của cô ta có thể ăn sống nuốt tươi một con voi chỉ bằng một miếng cắn” - bình luận khác ghi rõ. Còn tài tử Dwayne Johnson phải đọc toàn “bla bla bla” vì bình luận dành cho anh là lời chê bai toàn từ tục tĩu.
Phá lên cười là vũ khí đáp trả hay nhất
Thành công vượt bậc của Mean Tweets cho thấy việc các ngôi sao tự đọc lời chế nhạo mình có ý nghĩa như thế nào với công chúng: họ vừa chấp nhận thực tế “có khen có chê, có yêu có ghét” vừa chứng tỏ được óc hài hước và bao dung. Bởi, nếu không “tiêu hóa” được những lời chê bai đó thì chẳng đời nào các ngôi sao chấp thuận đọc chúng lên.
Theo quy luật thông thường, mọi chuyện sẽ diễn ra như đang ở Việt Nam. Những kẻ lắm lời (Bitches In Town) tự dưng xuất hiện và bình phẩm như ở bên bàn trà đá về bất cứ người nổi tiếng nào. Người ta nghĩ rằng họ sẽ nhận lại vô vàn gạch đá, bởi theo quy luật, cứ nói xấu là mất lòng.
Nhưng Jimmy Kimmel và Mean Tweets đi ngược lại quy luật, khi hài hước hóa sự chê bai và không đáp trả. Dường như, khi những người nổi tiếng như George Clooney hay Obama đọc các bình phẩm rồi cho thêm chút biểu cảm đời thường như nhướn mày, nhún vai, dang hai cánh tay, thậm chí phá lên cười thật sảng khoái, họ trông thú vị hơn nhiều. Bởi nếu gân cổ cãi lại những lời chê bai cũng chẳng ích gì.
Vì lẽ đó, ý tưởng của Mean Tweets được đánh giá là thiên tài. Theo Kimmel, tác giả gốc của ý tưởng này là vợ anh. MC nổi tiếng kể: “Lúc đó chúng tôi ngồi ở phòng khách với người bạn Kelly Oxford, nhân vật rất nổi tiếng trên Twitter. Cô ấy xem Twitter của mình và đọc to lên nhiều câu kinh khủng mọi người viết hoặc gửi thẳng cho cô ấy”.
“Tôi chợt nhận thấy: Chẳng sao cả, hay mà. Và tôi cũng bắt đầu đọc to những lời chê bai mình. Rồi Molly, vợ tôi, bảo phải đưa chuyện này lên truyền hình. Chúng ta phải để mọi người đọc to những lời đả kích họ” - anh kể. Và sau đó là sự ra đời của chương trình Mean Tweets lừng danh.
Nha Đam
Thể thao & Văn hóa