Khi người dân đành 'sống chung với lũ'
(Thethaovanhoa.vn) - Những ngày này, người dân miền Trung đang phải gồng mình đối phó với bão lũ. Những hình ảnh đau thương được đăng tải trên mạng xã hội càng khiến mọi người nóng ruột. Cứu trợ sao cho xuể.
Sau bão là lũ, lụt, đấy là điều mà đứa trẻ lên năm sinh ra ở mảnh đất này đều có thể tiên cảm. Nhưng, chúng không thể hiểu được bằng người lớn, vì sao bây giờ dễ lũ, lụt đến như vậy. Mỗi năm càng nhiều trận “lịch sử”, trong bối cảnh kỹ năng ứng phó, phòng chống của con người ngày càng cao.
Khái niệm “sống chung với lũ” giờ đây càng được định tính sâu sắc trong tính cách của người dân miền Trung, không phải mỗi nguyên nhân do dải đất được coi là đòn gánh đất nước với địa hình dốc mà vô số lý do khác.
Biến đổi khí hậu, đương nhiên đó là câu chuyện toàn cầu. Do phá rừng, đấy cũng là câu chuyện không lạ lẫm. Do hệ thống đập, hồ chứa nước, đặc biệt các nhà máy thủy điện dày đặc đồng loạt xả lũ, cũng không mới.
Nhưng, chính cái không mới ấy đã khiến người dân rất buồn, bất lực để rồi cam chịu. Hệ thống thủy điện lớn, vừa và nhỏ vô cùng nhiều ở miền Trung. Có dòng sông miền Trung phải cõng trên mình cả chục thủy điện. Nguyên lý đơn giản, các thủy điện phải tích nước, khi quá tải buộc phải xả, lượng nước lớn ồ ạt đổ xuống đồng bằng làm thay đổi dòng chảy, cùng lượng nước dưới nguồn tích tụ gây ứ đọng. Thế là thêm lũ, thêm lụt!
Chúng ta tự hào Việt Nam là một trong số 14 quốc gia trên thế giới có tiềm năng lớn về thủy điện. Với hơn 2.372 sông, suối lớn nhỏ có dòng chảy liên tục và dài hơn 10km, tiềm năng thủy điện lý thuyết khoảng 35.000 MW. Chúng ta tự hào đã khai thác trên 80% tiềm năng kinh tế thủy điện toàn quốc. Nhưng, nếu như phát triển thủy điện tạo tác nhân lớn gây ngập lụt thường xuyên, không làm cho điều kiện dân sinh tốt hơn, ảnh hưởng nghiêm trọng đến tính mạng và tài sản của người dân, thì chớ vội tự hào.
Kể ra trong vài năm gần đây, Bộ Công thương cũng đã có không ít động thái cứng rắn. Dĩ nhiên với các thủy điện đã vận hành thì chịu, nhưng những dự án mới thì không còn dễ dàng xây dựng như trước. Cụ thể, theo báo cáo, trên cơ sở kết quả rà soát theo sự chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Công Thương đã loại 684 dự án thủy điện ra khỏi quy hoạch.
***
Giờ đây, người dân chỉ mong là ông trời đỡ hành hạ mà gây ra bão tố. Đấy là “trời”, còn yếu tố “người”, mong các thủy điện mỗi lần xả lũ cần có quy trình hợp lý, khoa học nhất để người dân còn kịp xoay sở. Quan trọng nhất, người dân phải tự bảo vệ mình bằng những kỹ năng khoa học, phải chấp nhận “sống chung cùng lũ”, trong bối cảnh bất khả kháng này.
Đọc kỹ nhiều cái chết thương tâm, thấy không ít nguyên nhân rất đáng tiếc, như lao ra giữa dòng nước sâu vớt củi, heo; vượt dòng nước xiết để về nhà; cố hết sức để cứu tài sản khi nước đang ào ào đổ về... Tài sản con người mới là quan trọng nhất, bà con nhớ lấy.
Nếu về lâu dài, khi người dân liên tiếp phải cam chịu “sống chung với lũ” do có lỗi không nhỏ của con người, của hệ thống thủy điện còn bất cập, chắc chẳn chẳng ai đủ kiên nhẫn để nghe phía các nhà chức trách giải thích những chuyện cũ.
Hữu Quý