Khi nghệ sĩ bị ung thư…
(Thethaovanhoa.vn) - … công chúng sẽ rất sốc. Và cũng như khi nghe tin thân nhân hay bạn bè mình bị mắc căn bệnh nan y này, sau cú sốc ban đầu, ai cũng xót xa cho người bệnh. Nghĩ đến số mệnh. Và có một câu thành ngữ mà thường ai cũng nghĩ tới, thậm chí thốt lên thành lời: “Trời gọi ai, nấy dạ”.
- NSƯT Thanh Hoàng qua đời ở tuổi 55 vì ung thư vòm họng
- Hoa khôi đá cầu Huyền Trang qua đời vì căn bệnh ung thư
Ai cũng muốn biết thêm thông tin về bệnh tình. Ai cũng muốn thể hiện sự quan tâm của mình bằng cách hỏi han, chia sẻ, động viên, rồi bày tỏ sự sẵn sàng trợ giúp họ trong cuộc chiến với bệnh tật.
Đó là một hành xử đẹp. Tuy nhiên, đó mới chỉ là góc nhìn của người ngoài.
Khi nghe tin nghệ sĩ hay bất kỳ ai bị ung thư, thì điều đầu tiên chúng ta cần phải ghi nhớ, ấy là, thông tin bệnh tật là “riêng tư” của mỗi người, chứ không phải là thông tin được quyền “public”. Có thể có một số người theo trách nhiệm sẽ được biết tường tận, nhưng chắc chắn không phải tất cả.
Có người bệnh rất cởi mở, sẵn sàng trải lòng về rủi ro, bất hạnh của bản thân với sự bình tĩnh, lạc quan không ngờ, thậm chí họ còn truyền cả niềm tin cho những người khỏe mạnh.
Nhưng cũng có người trong lúc đau ốm lại muốn thu mình lại, không muốn chia sẻ với người ngoài, bởi họ cảm thấy không thoải mái nếu để người khác biết quá nhiều về điều không may mắn đang xảy ra với mình.
Khi đối diện với bệnh tật, người bệnh thường bị khủng hoảng tâm lý và trở nên rất nhạy cảm với mọi thứ. Có người cảm thấy tủi thân nếu bạn bè không tới lui thăm hỏi. Nhưng cũng có người cảm thấy hoang mang, mất tinh thần khi thấy quá nhiều người đến động viên mình. Bởi ngay lập tức họ suy ra rằng, bệnh tình mình chắc phải quá trầm trọng nên mới thế. Có người bị ung thư, nhưng giấu không cho bất kỳ ai biết, kể cả người thân.
***
Giờ đây, tôi xin nói về bệnh ung thư. Đó thực sự là một cuộc chiến khủng khiếp của người bệnh không chỉ về mặt thể xác, mà cả về mặt tâm lý. Sau cú sốc ban đầu, họ phải đối mặt với những câu hỏi như: ung thư ở “thể” nào, ở giai đoạn nào, có phải (được) điều trị hóa chất, xạ trị hay không, khả năng đáp ứng với chúng ra sao? Cũng là ung thư, nhưng giai đoạn cuối lại khác một trời một vực với giai đoạn đầu.
Tất cả những câu hỏi sinh tử đó đều phải trải qua một thời gian khám và điều trị, thì ngay cả bác sĩ cũng mới có đủ thông tin để trả lời (chứ không phải khám vèo một cái xong là “phán” được ngay). Chính vì vậy, những người ở bên ngoài rất dễ loang ra những thông tin “phóng đại” về mức độ trầm trọng của bệnh tật, gây hoang mang cho cả những người trong cuộc. Bởi đa số mọi người, nói đến ung thư là nghĩ ngay đến cái chết, trong khi, ai cũng biết, nhưng cần phải nhắc đi nhắc lại: ung thư không phải dấu chấm hết, ở các giai đoạn sớm thì có thể chữa khỏi, hoặc tiên lượng rất tốt. Câu “Trời gọi ai, nấy dạ” hóa ra cũng quá bi quan, không hoàn toàn đúng với ung thư.
Khi nghe tin một ai đó bị ung thư, điều đầu tiên chúng ta – những người không phải thân nhân - cần làm là lặng lẽ tìm hiểu xem phản ứng của người đó đối với tình trạng bệnh tật của mình như thế nào. Người đó đã sẵn sàng đối diện với nó chưa, và đến lúc nào thì sẵn sàng đón nhận những lời chia sẻ, hỏi han của người ngoài. Hãy tùy từng người bệnh mà có cách ứng xử hợp lý.
Khi nghệ sĩ hay người nổi tiếng bị ung thư, thì gần như ngay lập tức mức độ tìm kiếm trên Google về loại ung thư đó lên cao đột biến. Và đây phải là dịp để chúng ta tìm hiểu đủ và đúng về ung thư để phòng chống hay đối mặt với nó, chứ không phải là dịp để hoảng sợ về nó. Nắm vững kiến thức về ung thư thì lời chia sẻ sẽ tiếp thêm sức mạnh cho người bệnh.
Sự quan tâm là thiện ý, thiện tình của chúng ta với người bệnh. Nhưng hãy nhớ, cuộc chiến với bệnh tật thì rốt cuộc vẫn là của chính người bệnh, chúng ta chỉ đồng hành với họ ở phía ngoài, vì thế đừng gây cho họ những sự hoang mang, lo lắng. Và căn bản là cuộc chiến ấy còn rất dài nên còn rất nhiều thời gian để chúng ta ở thể hiện sự quan tâm, sát cánh, “trợ chiến” cho họ.
Anh Tự