Khi MU nằm trong tay người Mỹ
Vào một buổi tối tháng 8/2005, khi MU gặp Debrecen (Hungary) ở Champions League và Wayne Rooney ghi bàn, trên khu VIP của khán đài, Bryan Glazer thốt lên ngỡ ngàng: “Ớ, cái gì xảy ra với quả bóng vậy nhỉ?”
1. Đấy là một trong ba người con của Malcolm Glazer, ông chủ người Mỹ vừa thâu tóm MU có mấy tháng trước. Hôm ấy, cả nhà kéo nhau đến xem tài sản mới của gia tộc, và sự quan liêu này thật đáng kinh ngạc: Bryan cứ nghĩ rằng bóng đá (soccer) cũng như là bóng bầu dục (football). Rooney đá quả bóng vào lưới và ăn mừng, ơ kìa ở Mỹ chúng tôi không làm thế. Giám đốc điều hành khi ấy là David Gill, ngồi ngay cạnh, bối rối giải thích: “À thế là ghi bàn và trận đấu tiếp tục”.
Câu chuyện nghe như bịa được kể lại trên tờ The Athletic này đã lan truyền rất nhanh trong giới cổ động viên MU. Tất nhiên, bạn có thể nhìn nó dưới góc độ tiếu lâm: Những kẻ trọc phú này thật ngu ngốc, chả biết gì cả. Nhưng ở một khía cạnh khác, nó phơi bày bản chất của các ông chủ người Mỹ. MU có thể là tất cả với các CĐV, nhưng chỉ là một thương vụ không hơn không kém, với nhà Glazer.
Các cổ động viên MU lại lên kế hoạch biểu tình chống nhà Glazer ngay trong trận đấu đầu tiên của tân HLV Erik ten Hag trên sân Old Trafford, trận gặp Rayo Vallecano diễn ra vào ngày 31/7. Một chuyện mà có lẽ thành cơm bữa: Hai thập kỷ qua, các CĐV cứ việc biểu tình, còn nhà Glazer vẫn cứ là chủ, với một đôi tai gần như điếc trước những giận dữ và chỉ trích.
Lý do là vì báo cáo tài chính mới công bố cho thấy MU đang nợ 500 triệu bảng, nhưng nhà Glazer vẫn nhận tới 11 triệu bảng tiền cổ tức. Người hâm mộ lập luận rằng với tình hình bết bát của đội mùa bóng vừa qua, thì ban lãnh đạo không xứng đáng nhận được một xu thưởng cá nhân nào.
Nhưng chuyện này giờ ai mà chả biết. Nhà Glazer hoàn toàn không thanh minh những điều này. Họ vẫn điều hành đội bóng như một cỗ máy trong hơn 20 năm qua, một cách đáng ngạc nhiên, hết sức mẫn cán. Joel Glazer, người được cho là “đại ca” trong hội đồng quản trị, dành tám tiếng mỗi ngày để giải quyết các công việc của CLB từ văn phòng tại Washington DC, nơi treo một bức ảnh khổng lồ hình George Best.
Và trên khía cạnh cá nhân, đây là một tài sản sinh lời thực sự hiệu quả. Nhà Glazer đã nhận được gần 200 triệu bảng mỗi năm từ CLB kể từ khi chi trả 270 triệu cộng thêm 790 triệu tiền đi vay làm đòn bẩy tài chính để mua lại CLB, với một chiến lược thâu tóm cổ phiếu chớp nhoáng và vô cùng táo bạo.
Chiến lược thương mại của họ là một sự thay đổi mạnh mẽ, đã xóa bỏ vai trò của các giám đốc điều hành, và dù bị chỉ trích rất nhiều ban đầu, hiện tại nhiều CLB khác đã sao chép lại mô hình này. Trái với tiên đoán rằng họ sẽ sớm bán CLB, gia đình này đã nắm đội hơn hai thập kỷ, và chưa có ý định buông tay.
- MU và những hay dở dưới kỷ nguyên Glazer
- CĐV MU lên kế hoạch mới để chống đối nhà Glazer
- MU: Nhà Glazer sẽ nhớ Ed Woodward
2. Nhà Glazer xuất hiện vào một thời điểm mà các đội bóng châu Âu vốn đã quá quen với mẫu ông chủ kiểu “tình yêu”, những người có quan tâm đến bóng đá, như Massimo Moratti (Inter), Silvio Berlusconi (AC Milan) hay nổi tiếng ở Anh có Roman Abramovich (thời điểm ấy đã mua Chelsea được vài năm). Những người này “chơi” bóng đá như một thú vui, và thậm chí gồng lỗ vì đội bóng. Câu lạc bộ không phải một con bò sữa.
Nhưng nhà Glazer làm bóng đá theo một ngôn ngữ khác, kiểu những nhà tư bản Mỹ. Trong tư duy của các CĐV, CLB là tình yêu, thậm chí một phần ý nghĩa cuộc đời họ. Những ông chủ Mỹ “phiên dịch” nó sang một thế giới khác. Đội bóng thuần túy là một cuộc chơi tài chính, với đòn bẩy, lợi nhuận, và khả năng sinh lời. Như một doanh nghiệp lớn thực thụ, nó phải gánh nợ, để có thể mang về nhiều lợi nhuận hơn cho những ông chủ.
Khi mới tiếp quản CLB, ban đầu gia đình Glazer định bỏ tiền ra nâng cấp sân Old Trafford, nhưng sau đó đã hủy bỏ ý định này, vì cho rằng điều này gây bất lợi về tài chính mà chưa chắc đã lợi lộc gì cả. Từ những ngày đầu, cây đinh mà họ đã đóng xuống sân vận động huyền thoại này đơn giản là không thể nhổ ra: CLB này là một doanh nghiệp thuần túy. Một tài sản. Không có yêu đương gì sất. Tất nhiên, kiểu kinh doanh này đối lập với tư tưởng của người hâm mộ, những người không thể chịu nổi khi nghĩ về bóng đá với sự thực dụng đến tàn nhẫn như thế.
Nhưng những ông chủ như nhà Glazer cũng là bằng chứng cho thấy cách vận hành những doanh nghiệp thể thao kiểu tư bản thực sự là như thế nào. Trên lăng kính này, hai thập kỷ qua thật sự là thành công lớn với riêng gia đình họ. Và vật tế thần là chính đội bóng huyền thoại này. Một sự thật cay đắng, nhưng không thể chối bỏ.
Phạm An