Khi Minh Hạnh 'lẩy Kiều'
(Thethaovanhoa.vn) - "Tôi nghĩ rằng rất nhiều người đã nhìn lụa Việt Nam đúng với hình ảnh thằng bán tơ trong truyện Kiều. Đó không phải là chân dung của lụa Việt Nam ngày hôm nay". Mấy ngày qua, câu nói đầy ám chỉ của nhà thiết kế Minh Hạnh (tại buổi họp báo giới thiệu “Festival hoa Đà Lạt 2017”) đang được dư luận quan tâm đặc biệt.
Như những gì được báo giới tường thuật, nhận xét của bà Minh Hạnh được đưa ra, trong bối cảnh bà đề cập tới việc vụ việc khăn lụa Khải Silk gắn mác Trung Quốc vừa rồi gây thiệt hại rất lớn đến ngành lụa tơ tằm Việt Nam. Và, có những thương hiệu lụa Việt khác, theo lời bà, sẽ phải vượt qua dư âm của vụ việc này để xuất hiện bằng chân dung của một "chính nhân quân tử".
Với nhận xét của nhà thiết kế này, tất nhiên câu hỏi đầu tiên người ta đặt ra sẽ là: “thằng bán tơ” là ai?
Có lẽ cũng cần nhắc lại một chút gốc tích của thằng bán tơ để rõ hơn thâm ý của Minh Hạnh. Truyện Kiều viết: “Hỏi ra sau mới biết rằng/ Phải tên xưng xuất là thằng bán tơ”. “Xưng xuất” có nghĩa là “phải khai hết mọi điều”, dùng để chỉ người bị khảo cung, xét xử mà khai ra sự việc, khai ra đồng bọn.
Trong Kim Vân Kiều truyện của Thanh Tâm Tài Nhân (tác phẩm gốc, nơi Nguyễn Du dựa vào viết Truyện Kiều) cho biết rõ hơn về thằng bán tơ. Đó là một tay buôn bán tơ lụa do trộm cắp mà có. Khi bị bắt và tra tấn, hắn khai bậy là tơ lụa gởi ở nhà họ Vương, gây liên lụy, khiến Kiều phải bán mình chuộc cha. Nhờ sức mạnh văn chương của Nguyễn Du mà "thằng bán tơ" đã trở thành một hình tượng nghệ thuật đắt giá, có sức sống lâu bền:
Thằng bán tơ kia giở rói ra
Làm cho bận đến cụ Viên già
(Thơ vịnh Kiều của Nguyễn Khuyến)
Như vậy, nhắc đến "thằng bán tơ", câu nói của Minh Hạnh không chỉ mang nghĩa đen về ông "bán tơ" (và lụa) có thật nào đó ngoài đời. Đó còn là nỗi buồn về những "thằng bán tơ" đang "vu khống" cho thương hiệu lụa Việt bằng sự lừa dối của mình.
Còn nhớ, chưa đầy hai tháng trước, tại buổi họp báo Tuần lễ thời trang Việt Nam Xuân Hè 2018, Minh Hạnh cũng đã thẳng thắn nói rằng "trên trên bản đồ thời trang thế giới, lụa tơ tằm Việt Nam đang có vị trí bằng zero". Như lời nhà thiết kế này, khi lụa Trung Quốc đang tràn ngập thị trường Việt Nam, rất nhiều người tiêu dùng cũng không có cơ hội tiếp cận với lụa truyền thống "chính gốc".
Ai cũng biết, lụa Trung Quốc bán tại Việt Nam đa phần là lụa công nghiệp, sợi tổng hợp, nên giá thành khá rẻ so với lụa thủ công, sợi tự nhiên. Bởi thế, không có gì khó hiểu, khi có những khách hàng bị đánh lừa, móc tiền mua lụa Trung Quốc và chân thành tin rằng đó là lụa Việt.
Và, sau vụ việc của Khải Silk, đã có những luồng thông tin nhắc tới việc có những làng nghề này, doanh nghiệp kia, cũng đang đánh lừa khách hàng theo cách ấy.
Tất nhiên, khi mọi chuyện chưa được kiểm chứng, những thông tin nhập nhằng như vậy cũng chỉ làm người ta thêm phần bán tính bán nghi.
***
Trở lại chuyện "thằng bán tơ". Trong Truyện Kiều, khi ở trên đỉnh cao quyền lực, Kiều đã nhờ chồng mình là Từ Hải đền ơn, báo oán giúp. Vậy mà nguồn cơn của nỗi oan bán mình chuộc cha, đó là thằng bán tơ, lại không thấy Thúy Kiều động tới.
Cũng có thể đó là dụng ý của cụ Nguyễn Du, bởi rõ ràng ở đời, không phải 100% cái xấu, cái ác đều có thể giải quyết được ngay, nhất là khi nó đã lan tràn.
Nhưng cũng có thể, vì vậy mà câu nói của nhà thiết kế Minh Hạnh lại càng khiến người ta quan tâm trong mấy ngày qua.
Vô Ưu