Khi lời chửi bới được 'xuất khẩu'
(Thethaovanhoa.vn) - Sau hai pha hỏng ăn ở trận đấu chung kết lượt đi với Malaysia, Hà Đức Chinh đang hứng chịu một làn sóng “rác chửi” trên Facebook chính thức của mình. Rộng hơn, những dòng chửi bới và thoá mạ tàn bạo xuất hiện trên không ít các Facebook cá nhân khác. Thái độ bầy đàn ấy, tiếc thay, không chỉ có ở “nhà” của người trẻ.
Giữa vô vàn lời bình luận của những người đang giao lưu trực tiếp với siêu sao hàng đầu của bóng đá thế giới ấy, câu comment đó như một hạt sạn bẩn thỉu trong bát cơm mà người ta đang ăn.
Tôi không biết các fan khác từ khắp nơi trên thế giới đang có mặt lúc đó có đọc và có hiểu được dòng chữ vừa rồi từ Facebooker Việt ấy là một câu chửi không, nhưng tôi thấy xấu hổ thay cho bố mẹ cậu ta. Mà những comment kiểu ấy thực ra rất nhiều, ngày càng nhiều trong thế giới mạng hiện tại, khi các dòng chửi bới vô cùng tục tĩu của người Việt xuất hiện trên Facebook và YouTube của những người nổi tiếng thế giới, trong các sự kiện trực tiếp.
Và chuyện xảy ra với Đức Chinh không phải là ngoại lệ. Từ khá lâu, sau các trận đấu bóng đá mà người ta cho là trọng tài đã ép uổng đội tuyển của chúng ta, giống như một làn sóng đi săn phù thuỷ, nhiều người gào lên trên Facebook cá nhân “hãy tìm “phây” của trọng tài”, “chém chết nó”... và rồi ùa vào Facebook của họ để rủa xả, không thèm đếm xỉa đến việc tay trọng tài ấy đã xử lý các tình huống theo luật thế nào.
Làn sóng ấy, tất nhiên không buông tha chính những cầu thủ của chúng ta, khi họ bỏ lỡ cơ hội ghi bàn.
***
Từ kỳ vọng cầu thủ toả sáng đến chỗ nhiếc móc, chửi bới, dùng những ngôn từ bẩn thỉu để thoá mạ, đó là điều không thể chấp nhận nổi, về văn hoá, về cách sống. Và, khi hướng ra ngoài phạm vi Việt Nam, đó là sự “xuất khẩu” về một thái độ ứng xử đáng xấu hổ.
Những ứng xử kiểu ấy xuất hiện ngày càng nhiều, như cơm bữa. Nó cho thấy đang có những điều rất không ổn về văn hóa, khi chúng ta giao tiếp, chúng ta thể hiện thái độ trước các vấn đề thời cuộc, và chúng ta phản ứng với những điều trái quan điểm của mình.Và, khi điều ấy trở thành một thói quen để thể hiện mình, một kiểu mốt thời thượng - mà thậm chí vài người bạn của tôi đã cho rằng như thế là “thật lòng” -, văn hoá đã không còn tồn tại.
Suốt một năm nay, khi “đi bão” trở thành trend sau mỗi chiến thắng của các đội quân ông Park, là trend săn trọng tài, trend chửi bới, thoá mạ cầu thủ, và buồn thay, cả trend chửi bới chính đội tuyển, như đã từng xảy ra sau thất bại của đội ở ASIAD 2018 và nhiều giải đấu trước nữa.
Sự nguy hiểm nằm ở chỗ, khi việc bày tỏ quan điểm cá nhân được thể hiện bằng những câu chửi, được nhân lên bởi vô vàn những câu chửi chùa theo và “dìm chết” lời can ngăn của những người có văn hoá, không gian sống trên mạng đã bị vấy bẩn.
- Hà Đức Chinh tiết lộ lý do thân Công Phượng, Văn Thanh
- Hà Đức Chinh từ ‘chân gỗ’ thành ngôi sao quốc gia
Và đáng sợ hơn, sự cục cằn, cáu bẳn và cách trút bực dọc vì đủ mọi lý do ấy-chẳng riêng gì bóng đá - vào bàn phím bất cần quan tâm đến cảm xúc của người khác lâu dần đã trở thành việc được coi là bình thường của rất nhiều người. Họ không hiểu rằng chính họ đang làm cuộc sống tinh thần của mình và những người khác càng trở nên tệ hại.
Kiếm một câu chuyện làm cớ, chửi và rồi ngồi đó rạch mặt ăn vạ trên mạng, tôi đành phải gọi đó là sự mất dạy.
Anh Ngọc