Khi HLV Troussier đi truyền cảm hứng
Bằng một cách nào đó, HLV Phillippe Troussier vẫn vượt qua 3 trận giao hữu đầu tiên trên cương vị thuyền trưởng đội tuyển quốc gia một cách "ngọt" nhất có thể với 3 chiến thắng và không để thủng lưới bàn nào. Nếu khắt khe, chắc chắn là sẽ tìm thấy vô số việc phải làm, nhưng nếu dưới góc nhìn của thời gian, thì chúng ta cũng nhìn thấy được các giá trị khác biệt của nhà cầm quân người Pháp.
Tại sao lại nói về thời gian? Bản hợp đồng của ông Troussier có thời hiệu kỷ lục, ngay từ đầu chúng ta đã trao cho ông ấy một quỹ thời gian đủ lớn để thực hiện một quá trình thay đổi đặc biệt. Thế nên, việc khắt khe bàn sâu về những chuyển biến về chuyên môn trong từng trận đấu là không nên. Ở hướng ngược lại, chúng ta cũng đừng vội đưa ra những lời khen tặng hoặc "tung hoa" cho các chiến thắng. Nếu chúng ta đang bỏ tiền ra thuê một HLV có đẳng cấp World Cup, một tinh hoa trong giới cầm quân thì cũng phải ứng xử và thể hiện được sự chín chắn của một ông chủ tầm cỡ. Thất bại không vội phê phán, thắng trận cũng đừng ngợi khen quá đà. Vì như đã nói, chúng ta đã có thỏa thuận với ông Troussier về thời gian.
Thực tế thì ông Troussier đang tận dụng tất cả những gì được phép. Mỗi đợt tập trung, dù là U23 hay đội tuyển, thì luôn có tối thiểu 1/3 cầu thủ mới, bao gồm cả những người lần đầu lên tuyển nhưng được đưa thẳng vào trận đấu. Nhưng nếu để ý kỹ, chúng ta không thấy có những cú "vượt rào" nào cả. U23 mà có chơi xuất sắc thì vẫn cứ đá ở U23, còn đội tuyển lại được chọn từ các nhân tố V-League. Có một sự rạch ròi về đẳng cấp ở đây. Dù luôn miệng kêu gọi V-League trao cơ hội cho cầu thủ trẻ, nhưng không có nghĩa là ông Troussier lại dùng họ cho đội tuyển quốc gia. Có câu "chuyện nào ra chuyện đó", rất đúng trong trường hợp này.
Ở thời HLV Park Hang Seo, chúng ta đã nói về cái gọi là "Tinh thần ông Park", một thứ phẩm chất vốn được các HLV trước đây như Tavares hay Calisto khai phá và rồi HLV Park Hang Seo nâng lên một tầm cao vời để lập nhiều chiến tích lẫy lừng.
Tinh thần đó được kỳ vọng sẽ được áp dụng tại V-League để tạo ra sự thay đổi về nền tảng của cả nền bóng đá. Nhưng khi điều đó chưa được thể hiện một cách rõ nét, thì triều đại của thầy Park có xu hướng chậm lại về thành tích. Ít nhiều cũng khiến cho những người lạc quan cũng phải suy nghĩ lại. Liệu chúng ta có thực sự đủ khả năng để vươn tầm hay không nếu như ngay yếu tố tinh thần cũng không dễ thực hiện.
Xem ra, ông Troussier đang truyền một thứ cảm hứng khác. Sự quyết liệt thay đổi về lối chơi của ông chính là điều mà bóng đá Việt Nam cần. Chúng ta vốn dĩ không thiếu sức mạnh tinh thần, nhưng lại quá ít phương pháp để phát triển. V-Laegue là sân chơi giàu tính cạnh tranh, nhưng lại chịu một lối mòn về tư duy chơi bóng. Cách đá phóng khoáng của Thanh Hóa dưới thời HLV Velizar Popov trong mùa giải vừa qua không phải lúc nào cũng xuất hiện tại V-League mặc dù như đã thấy việc áp dụng nó tạo ra sự thành công kể cả khi Thanh Hóa không ở trong giai đoạn tốt nhất về thực lực.
Ông Troussier than phiền về việc V-League ít dùng cầu thủ trẻ, số trận đấu không nhiều, nhưng có lẽ ông quá rõ là không thể tạo ra bất kỳ sự thay đổi nào trong hoàn cảnh hiện tại của bóng đá Việt Nam. Nhưng việc ông dùng người ở các đội tuyển, kiên trì truyền đạt phong cách chơi bóng mới, giàu tính chủ động hơn, thì không quá khó để các CLB tại V-League từ chối.
Trận đấu với Palestine là một điển hình cho một Troussier "truyền cảm hứng". Ông thầy người Pháp gần như sử dụng mọi biện pháp có thể. Từ thay đổi con người trong danh sách đăng ký, đến đội hình xuất phát, đến xáo trộn vị trí trong hiệp 2. Thứ duy nhất mà ông không đổi trong trận đấu đó chính là triết lý kiểm soát bóng, gần như tuyệt đối "ép" các cầu thủ sử dụng tư duy chơi bóng tập thể , hạn chế tối đa các quả tạt bóng không có điểm đến.
Những gì mà ông Troussier đã làm ở trận giao hữu thứ 3 dù có thể chưa hoàn hảo, nhưng nó hoàn toàn phù hợp để các CLB tại V-League áp dụng để thay đổi sự sáo mòn về chiến thuật, con người hiện tại. Ông Troussier đúng là đã làm việc suốt từ tháng 3 đến nay, nhưng thời gian thực tế ông nắm đội tuyển quốc gia chỉ khoảng 3-4 tuần lễ, nhưng cứ có cơ hội là ông lại đưa ra những cách giải quyết trận đấu mới mẻ.
Có cái tốt, có cái dẫn đến sự rối rắm, nhưng tựu trung là nó vẫn hướng đến cái đích mà chúng ta cần: sự mới mẻ cả về con người lẫn thứ bóng đá mà họ có thể chơi.