Khi 'hiện tượng Facebook' bật khóc!
(Thethaovanhoa.vn) - Minh Huyền, học sinh chuyên Toán trường THPT chuyên Lam Sơn (Thanh Hóa) đã bật khóc ngay trên sóng truyền hình. Bởi, Huyền đã không thể vào tới được vòng chung kết Đường lên đỉnh Olympia.
Trong vòng sau, tại buổi phát sóng hôm 14/8, Huyền nói trong nước mắt, khi máy quay truyền hình quay cận mặt: “Việc đưa đầu cầu truyền hình về Lam Sơn (theo thông lệ, các thí sinh vòng chung kết sẽ được tiếp sức bởi đầu cầu trực tiếp, tại trường nhà. Huyền đã dừng bước, ở cuộc thi Quý- PV) đã là quá xa vời. Vì em đã không giữ tốt phong độ thi đấu từ đầu trận đến giờ.”
Lỡ hẹn một cuộc thi truyền hình có lẽ sẽ chỉ là một nuối tiếc nhỏ trong suốt cuộc đời dài dặc, của Huyền. Ồn ào vì một phần thi “siêu phàm” rồi ồn ào vì những giọt nước mắt thất bại cũng chỉ là một gợn sóng nhỏ trong biển lớn thị phi, của cộng đồng mạng.
Bức ảnh của Minh Huyền trên fanpage chương trình thu hút 3.800 like (thích). Ảnh chụp màn hình
Nhưng, tâm lý của người trẻ sau 1 phút trở thành “hiện tượng Facebook” được cả triệu người bàn tán là một trạng thái tâm lý rất lạ. Và đây là câu chuyện cần bàn luận nghiêm túc, để tránh những áp lực quá lớn và cả những ảo tưởng hay bi quan thái quá (nếu có) với những người trẻ.
Bản thân người viết cũng hơn một lần vô tình trở thành “hiện tượng” mạng xã hội. Tất nhiên, những lời qua tiếng lại chỉ trong một vài ngày. Song, việc trở thành hiện tượng mạng, kể cả theo nghĩa tích cực, cũng không mầy dễ chịu, như mọi người nghĩ.
TS. Đặng Hoàng Giang đã viết một loạt bài khá dài mổ xẻ tâm lý bản thân khi bị miệt thị trên mạng. Theo anh, “con mồi” giận sôi máu nhưng vẫn không ngừng mở điện thoại, xem người ta miệt thị mình đến đâu. Và, nó ảnh hưởng tới cả tâm lý, hành vi tức thời của người “bị hại”.
Còn ở trạng thái của người viết bài này, những lời tán dương (giống màn Khởi động ngoạn mục của Huyền) cũng là con dao hai lưỡi. Những lời khen đầu tiên khiến “hiện tượng mạng” cảm thấy vui, tự tin, háo hức. Rồi dần dần, những lời khen càng nhiều và càng có phần “quá đà”, “tâm điểm” bắt đầu thấy chênh chao, bất ổn. Và, cũng như người bị miệt thị, những người được khen bởi đám đông, cũng không dừng được việc đọc cả ngày các bình luận hay chia sẻ để “xem người ta khen gì mình”.
Đó là cảm giác mất cân bằng hoàn toàn. Và những áp lực, căng thẳng thật bắt đầu được tạo ra, bởi những lời khen, từ “cộng đồng mạng”. Đây cũng là một phần lý do khiến Minh Huyền thực hiện các phần thi ở vòng thi quý của Olympia đã mắc lỗi ở những câu hỏi “dưới tầm” mà Huyền đã thể hiện.
Câu hỏi đặt ra: Ứng xử sao nếu “vô tình” thành hiện tượng mạng?
Cá nhân người viết sẽ dành ra ít nhất một buổi, tách biệt hoàn toàn với các phương tiện có thể kết nối mạng, để cân bằng. Một Facebooker nổi tiếng, thường xuyên được “khen bởi đám đông” chia sẻ với người viết rằng sau khi đăng bài lên Facebook chừng 1 giờ, anh tắt hoàn toàn chế độ theo dõi bài viết đó. Tất nhiên, để đạt tới mức cả trăm người nhắc tới cũng không quan tâm, anh đã quá chai sạn với những áp lực.
Còn lại, mỗi người sẽ phải tìm ra những cách riêng cho mình. Tuy nhiên, tất cả đều phải dựa trên sự tỉnh táo lắng nghe giá trị thật của bản thân. Bởi, nói như Trần Văn Thủy: “Đừng nghe những lời tâng bốc, hão huyền. Vì các em ạ ! Bi kịch và cả hài kịch thường xảy ra ở bất cứ đâu, khi giữa cuộc đời và thuyết giáo là một khoảng cách quá xa…”
Phạm Mỹ
Thể thao & Văn hóa Cuối tuần