Khi game thủ vào chùa 'săn' Pokemon
(Thethaovanhoa.vn) - Tuần qua, bản chính thức của Pokemon GO vào Việt Nam đã gây xáo trộn nhịp sống ở các thành phố lớn.
1. Ở mức độ sơ khai nhất, luật chơi khá đơn giản: người dùng cài ứng dụng Pokemon GO, sau đó đi bắt càng nhiều Pokemon càng tốt. Đáng chú ý, trò chơi dựa trên nền tảng Google Map. Nên, thay vì chỉ ngồi máy, người chơi phải trực tiếp ra đường, di chuyển liên tục để bắt Pokemon bằng smartphone.
Thú vị hơn, với công nghệ thực tế ảo, mỗi hệ Pokemon sẽ xuất hiện ở những địa điểm tương ứng. Hiện tại trò chơi cung cấp 18 hệ Pokemon.
Cụ thể, Pokemon hệ Ma (Ghosh Type Pokemon) sẽ có nhiều ở các khu nghĩa địa, nhà thờ; Pokemon hệ Cỏ (Grass Type Pokemon) xuất hiện nhiều ở các công viên; Pokemon hệ Nước (Water Type Pokemon) xuất hiện nhiều ở khu vực sông hồ, hoặc giữa lòng phố, khi trời mưa; Pokemon hệ Tâm linh (Psychic Type Pokemon) xuất hiện nhiều ở các chùa, đình, miếu, phủ; Pokemon hệ Bóng tối (Dark Type Pokemon) sẽ xuất hiện nhiều ở các khu vực phế tích, nhà hoang…
Pokemon GO gây xáo trộn nhịp sống
Chưa hết, trò chơi Pokemon còn có những Pokestop (nơi để nhặt bóng (ball) Pokemon, và lấy các thiết bị phụ trợ cho Pokemon- ngắn gọn như một cửa hàng) và Gym (nơi để các Pokemon tập luyện). Các Pokestop và Gym đều được đặt ở các thắng cảnh được nhận diện trên Google Map.
Ở Hà Nội, hiện tại, các Pokestop và Gym đang được đông đảo “game thủ” lui tới để nhặt bóng và chuẩn bị tập luyện cho Pokemon là: Hoàng thành Thăng Long, Văn Miếu Quốc Tử Giám, Bốt Hàng Đậu, Bờ Hồ, các công viên, các chùa lớn, các văn phòng hành chính và cả các tượng đài…
2. Pokemon GO được coi là bước đột phá về công nghệ Game. Nó tạo cho người chơi những trải nghiệm mới, những niềm ham thích chưa từng có tiền lệ.
Bên cạnh đó, nhiều mặt trái của trò chơi thực tế ảo này đã được bộc lộ: những quốc gia Pokemon GO phổ biến trước Việt Nam đã từng chứng kiến nhiều vụ tai nạn thảm khốc do vừa đi đường vừa bắt… Pokemon; đã có người lạc giữa nghĩa địa vì mải tìm Pokemon ma; nhiều nhà hoạt động xã hội đã lớn tiếng chỉ trích rằng thông điệp “muốn người chơi vận động nhiều hơn” của nhà sản xuất là những lời giả trá khi người chơi đi xe cũng vẫn bắt được Pokemon…
Ở Việt Nam, đặc biệt tại Hà Nội, bên cạnh vấn nạn giao thông, câu chuyện cân bằng quyền lợi giữa người chơi Pokemon GO và bảo vệ, quảng bá di tích là điều đáng bàn. Rất nhiều người vào Hoàng thành (hoặc đỗ xe gần Hoàng thành để nhặt Pokemon Ball). Rất nhiều người phi xe cả cây số tới Văn Miếu để tìm một con Pokemon đặc biệt. Chùa Hòe Nhai tối 8/8 cũng được săn tìm vì có một con Pokemon tâm linh hiếm ở chùa…
Ở góc độ tích cực, người chơi (đặc biệt là người trẻ) sẽ biết nhiều hơn các di tích cũng như tới thực địa. Nhưng, việc tới di tích, không đồng nghĩa với việc hiểu di tích. Người trẻ chỉ tới để bắt Pokemon, hoặc lấy Pokemon Ball, rồi đi.
Đồng nghĩa, ở những khu vực nhạy cảm, sức chịu tải của di tích có thể đứng trước kịch bản “vỡ trận” khi số lượng người chơi Pokemon GO mỗi lúc một tăng. Đồng nghĩa, di tích cũng chỉ là những cái tên vô hồn, được dựng thành trong tâm khảm người trẻ nhờ những con Pokemon. Đồng nghĩa, những người quản lý cần tìm hiểu kỹ hơn những giải pháp để “tận dụng” Pokemon một cách chủ động để bảo vệ và quảng bá di tích.
Cái mới thường khiến chúng ta ngợp, nhưng đừng vì những chếnh choáng ban đầu mà cấm tiệt trò chơi, hay thúc thủ để trò chơi ảnh hưởng tới sự linh thiêng những di tích ngàn năm hoặc để “cơ hội vàng” quảng bá di tích tới người trẻ qua đi …
Phạm Mỹ
Thể thao & Văn hóa Cuối tuần