Khám phá 'kho báu' di sản phi vật thể Hà Nội (kỳ 3): Rối nước làng Ra - Làng rối 'chân truyền' của một thiền sư
(Thethaovanhoa.vn) - Những nghệ nhân rối nước làng Ra đều là những người không chuyên, rời múa rối họ lại trở về với cuộc sống đời thường của một người nông dân, thợ xây, thợ mộc, giáo viên. Họ giữ nghề múa rối nước truyền thống một cách hồn nhiên, đầy say mê…
Xem chuyên đề "Mọt sách, mọt sử, mọt phim tại đây"
Làng Ra có tên gọi hành chính là thôn Phú Hòa, xã Bình Phú, huyện Thạch Thất, thành phố Hà Nội. Cộng đồng nơi đây vẫn lưu truyền huyền tích về tên “Ra” của làng mình: Thánh Đào Khang, Thành hoàng của làng, vốn là một vị tướng giỏi của Hai Bà Trưng, thế kỷ 1. Năm xưa, khi theo Hai Bà Trưng đánh trận, Thánh Đào Khang đã chọn đất của làng làm nơi tập kết quân sĩ trước mỗi lần “ra” trận. Vì thế làng có tên dân gian là làng “Ra”.
Câu chuyện về tổ nghề
Làng Ra nổi tiếng với nghệ thuật múa rối nước. Nghệ nhân ưu tú Nguyễn Hữu Chính (1946), một vị cao niên lão luyện nghề của phường rối, kể rằng: “Theo truyền thuyết mà tôi được nghe từ các cụ cao niên thì ông Tổ nghề múa rối nước là pháp sư Từ Đạo Hạnh (một nhà sư nổi tiếng thời Lý 1072 - 1116). Tương truyền, sinh thời ông đi tu ở chùa Thiên Phúc (chùa Thầy), huyện Quốc Oai, Hà Nội. Trên đường Ngài đi truyền đạo, qua đất làng Ra, thấy cảnh trí vui tươi, người dân cởi mở nên đã truyền dạy dân diễn múa rối nước. Hiện nay, ông tổ nghề được thờ tại chùa Thầy. Hàng năm, vào mùng 6/3 Âm lịch, chùa Thầy mở hội, phường rối nước làng Ra lại lên chùa diễn để tưởng nhớ Tổ nghề. Trước đây, chùa Thầy cho làng 2,7 mẫu đất ruộng (khoảng 972m2) để phường cày cấy, phục vụ cho sinh hoạt phường hàng năm. Hiện nay, nếu phường sang biểu diễn thì bên chùa Thầy cũng lo cho phường toàn bộ chi phí”.
Phường rối cũng diễn tại hội làng Ra vào dịp 17/7 Âm lịch hàng năm. Có một nét khác biệt của rối làng Ra, đó là mở đầu màn diễn không có chú Tễu ra giới thiệu quân trò.
Ông Chính giải thích: “Đình làng Ra không thờ Tổ nghề mà thờ Thành hoàng làng là tướng Đào Khang, nên mở màn diễn có hai vị tướng Loa ra giới thiệu quân trò, thay vì chú Tễu như các phường rối khác. Các quân rối của làng Ra cũng có khuôn mặt tựa mặt Phật vì ông Tổ vốn là một vị sư nổi tiếng”.
Thăng trầm một thuở
Những năm chiến tranh 1946 - 1954, múa rối nước ở đây bị gián đoạn, dân làng đã cất giữ các con rối như một sự hoài niệm.
Năm 1960, phường rối được khôi phục lại với khoảng 40 thành viên tham gia. Ông Nguyễn Hữu Chính nói: “Dân làng đều ủng hộ nên việc khôi phục múa rối nước làng Ra không khó khăn. Hơn nữa những con rối (con trò) vẫn được dân làng cất giữ ở đình nên rất thuận lợi”. Tuy vậy, số lượng thành viên tham gia múa rối nước ở làng Ra qua các năm lại giảm dần. Từ năm 1995 đến nay, số lượng thành viên trong phường rối thường dao động từ 20 đến 22 người trong đó có khoảng 14 người biểu diễn múa rối nước còn 8 ngời thuộc biên chế ban nhạc.
Những nghệ nhân rối nước làng Ra đều là những người không chuyên, rời múa rối họ lại trở về với cuộc sống đời thường của một người nông dân, thợ xây, thợ mộc, giáo viên. Ai cũng tâm huyết với nghề, cũng muốn lưu giữ và truyền lại nghề cho con cháu. Họ đều không qua trường lớp mà chỉ tự học, tự dạy cho nhau. Lớp người già truyền lại cho lớp người trẻ, những người đi trước dạy cho những người đi sau.
Rối nước làng Ra từ xưa đến nay chỉ truyền cho người trong làng, không dạy cho người ngoài. Đặc biệt là có quy định cha truyền con nối, nhưng chỉ truyền cho con trai, không truyền cho con gái vì sợ mất nghề. Hiện nay phụ nữ chỉ tham gia đọc thoại hay hát chứ không điều khiến con rối.
Năm 2016, phường rối làng Ra vừa có trưởng phường mới là anh Nguyễn Hữu Tuyến (1980) con trai của ông Nguyễn Hữu Đoàn, một trưởng phường kỳ cựu của phường rối làng Ra suốt hơn 30 năm. Cuối năm 2015, ông Đoàn bị ốm không thể tiếp tục công việc, phường họp bàn đế bầu lại trưởng phường. Theo truyền thống, phường đã bầu con trai của người trưởng phường cũ kế tục. Anh Nguyễn Hữu Tuyến khi đó đã là Phó phường phụ trách kỹ thuật. Anh Tuyến vốn có sự thừa hưởng tay nghề của bố, lại là người am hiểu về rối nước, nên cũng được mọi người tin tưởng.
Trong số thành viên của phường, kỳ cựu nhất là hai ông Nguyễn Hữu Lương và Nguyễn Hữu Bình đều sinh năm 1931. Ông Nguyễn Hữu Lương, cho biết ông tham gia phường rối từ năm 17 tuổi, vì ông nội ông trước là cụ Trùm. Trước kia, đứng đầu phường rối có hai ông Trùm, dưới là 4 ông Trưởng. Các ông Trùm lo quản lý chung, lo giao tiếp, có quyền quyết định cao nhất, 4 ông Trưởng là 4 "đầu dây" giúp việc: ghi chép, kỹ thuật, hậu cần. Người được bầu Trùm, Trưởng thường là các cụ cao niên, tay nghề giỏi, gia đình có truyền thống rối nước, có uy tín, nhà không có tang.
Thường đi theo ông nội biểu diễn nên ông Lương được tiếp xúc với rối nước từ rất nhỏ, nhìn các cụ làm rối cứ thế làm theo. Gần 70 năm tham gia vào phường rối, ông vẫn say sưa với môn nghệ thuật này. Con trai út của ông là anh Nguyễn Hữu Được, sinh năm 1997, cũng là thành viên trẻ nhất của phường rối. Ông Lương cho biết, ngày xưa, mỗi khi gia nhập phường, phải làm lễ trình tại nhà ông Trùm. Gia đình nào không có người tham gia phường rối thì con cái sẽ không bao giờ được vào phường vì làng quy định cha truyền con nối. Nay cũng vẫn vậy.
Nét mới hấp dẫn
Rối làng Ra chủ yếu là múa rối dây, dùng thừng (chạc) nhỏ, vì dây thừng có nhiều ma sát, dễ dàng trong việc điều khiển. Về kỹ thuật mắc rối dây, muốn căng được dây phải có cột trụ, hay còn gọi là đích đến. Từ chỗ điều khiển đến đích, cần tạo một đường "goòng" giống như đường ray để quân rối di chuyển trên đó. Có 3 đường trục ở dưới nước là trục giữa và hai trục biên. Ở trục giữa (trục chính), phải có từ 3 đển 5 người điều khiển một con rối, cụ thể là phải có một người cho rối xuất hiện và di chuyển, một người cho rối cử động và một người giữ rối cân bằng.
Bên cạnh rối dây là kỹ thuật chính, phường còn biểu diễn rối sào. Nói là rối sào nhưng cũng phải kết hợp cả dây và sào để rối có thế cử động được tay, cổ, nếu không có dây thì không giật được. Quan trọng nhất là phải đan được sào (kết hợp dây và sào để điều khiển con rối). Rối sào có những tích như: Câu cá, câu ếch, thuyền chải, phi ngựa, chém chuối, nhảy qua vòng lửa.
Về việc điều khiển con rối, xưa kia ai làm tiết mục nào thì chỉ biết tiết mục ấy, bởi mọi người giấu nghề nên không bảo nhau. Thông thường, khi biểu diễn một người chỉ điều khiển một con rối. Ai giữ vai nào thì phải tự nói, tự diễn luôn vai đó. Xưa không có nhạc, chỉ có bộ gõ gồm trống, thanh la.
Hiện nay, có thêm nhạc và hát. Hát có hát chèo, hát quan họ. Người diễn hiện nay chỉ lo việc diễn con rối, còn lời thoại, âm nhạc do ban nhạc trên bờ phụ trách. Có 1 người chuyên dẫn chương trình, 1 người thoại và 2 người chuyên hát. Nhóm nhạc có người chơi đàn, trống, sáo.
Sự thay đổi này bắt đầu từ năm 1994. ông Nguyễn Hữu Chính cho biết: "Việc biểu diễn có sự phân chia như hiện nay đỡ khó nhọc hơn xưa, người diễn chỉ việc diễn, còn lời thoại đã có người trên bờ nói. Không như trước kia, người nào diễn người ấy nói, vì thế những nghệ nhân rối nước làng Ra có thể nhập tâm hơn. Song có người nói được, người không, người nói ngọng nên người nghe không theo dõi được, họ chỉ xem các quân trò. Hiện nay, khi quân trò nào ra cũng có lời thoại phù hợp, khiến người xem thấy hấp dẫn, lại có thêm lời hát tạo hứng thú cho người diễn".
Nhập vai truyền nghề
Một điều quan trọng khác là người học điều khiến con rối phải nhập vai để diễn cho có hồn, đúng điệu bộ. Ví dụ như con ngựa thì hung hãn như thế nào, hí ra sao, điều khiển dây cương như thế nào cho đúng khi ngựa phi. Còn con rồng thì phải uốn lượn, bay lên bay xuống, phun nước, phun lửa cho có hồn. Như nhập vai thuồng luồng thì diễn bắt cá ra sao. Tướng Loa phải thể hiện được sự oai phong, lẫm liệt, cái đầu của tướng Loa phải lắc lư như thế nào cho ra dáng.
Người học thực hành trực tiếp, khoảng một tháng có thể biểu diễn được nhưng nhuần nhuyễn tính cách nhân vật thì phải lâu dần mới thấm. Mỗi lẫn đi biểu diễn, phường thường bố trí đan xen giữa người mới và người cũ để người mới được thực hành nhuần nhuyễn hơn.
Anh Nguyễn Hữu Tuyến chia sẻ: "Ban đầu học cũng khó, được các cụ cầm tận tay dạy, con nào biểu diễn như thế nào nên dần cũng quen. Mỗi con rối đều có những cái khó riêng". Anh được học ở trên cạn, ngay tại sân đình. Các cụ cũng dựng sân khấu, mắc dây đúng như dưới nước; ai giỏi phần nào, quân rối nào thì được phân công dạy phần ấy. Ban đầu, anh được học mắc dây rối, sau đó đến cách điều khiển quân rối. Bài đầu tiên anh được học là bài điều khiển quân rối "tướng Loa". Cụ chuyên biểu diễn quân rối này dạy các anh học, từ cách đi đứng, dáng điệu cho hợp với tính cách của vị tướng. Tất cả mọi người đều phải học như nhau. Sau khi học trên cạn xong, tiến hành biểu diễn khoảng 2-3 buổi tại thủy đình của làng để dân làng xem và đế các thành viên thực hành luôn.
Ông Nguyễn Hữu Chính kể rằng: "Vì có bố tham gia vào phường rối nên 25, 26 tuổi tôi cũng theo bố ra phường. Nhưng ngoài nghề nông, tôi có học thêm nghề mộc nên khi công việc ổn định tôi mới tham gia chính thức. Hồi mới vào phường, tôi được giao cho phụ trách mảng trò khó, đó là điều khiển thuyền gồm 7- 8 người ngồi và rồng phun lửa. Khó ở chỗ phải làm sao cho các quân trò cùng cử động, cùng bơi. Điều này phụ thuộc vào kỹ thuật mắc dây rối, phải mắc liên hoàn theo kiểu dây diều, một máy chính và các máy phụ cùng tập trung vào máy chính mới cùng cử động được".
Phường rối làng Ra hiện nay có hơn 20 nghệ nhân tuổi từ đôi mươi đến thất thập, họ giữ nghề múa rối nước truyền thống một cách hồn nhiên và say mê.
Đón xem kỳ 4 (6/1/2020): “Phi Ải Lao bất thành Hội Gióng”
(Theo Trung tâm Nghiên cứu và phát huy giá trị di sản văn hóa)