Khaisilk và bóng đá Việt
(Thethaovanhoa.vn) - Nắng Sài Gòn, anh đi mà chợt mát/Bởi vì em mặc áo lụa Hà Đông...
... Những lời thơ của Nguyên Sa được Ngô Thụy Miên phổ nhạc đã đi vào tâm hồn bao thế hệ yêu tình ca Việt. Áo lụa Hà Đông, chẳng những là lời tự tình cho những cô gái mặc áo lụa tựa như đóa sen vươn lên từ đầm lầy, mà còn nhờ những lời ca ấy, bao người Việt biết đến làng lụa Vạn Phúc, lụa Việt Nam, thứ lụa đi vào tâm hồn và tiềm thức của riêng của người Việt...
Và chắc chắn Khaisilk cũng được sinh ra từ đó, từ niềm tự hào lẫn tự tôn của dân tộc để rồi cho đến những hôm nay, khi chính người thành danh nhờ tấm vải lụa - doanh nhân Hoàng Khải xuất hiện trên mặt báo đánh lời xin lỗi vì... bán lụa Trung Quốc! Khiến tấm lụa Việt, tâm hồn Việt bỗng hoen ố vì thói đời danh lợi thời kim tiền.
Lời xin lỗi... Xin lỗi! Bao nhiêu cũng chẳng đủ!
Lụa Hà Đông và bóng đá, hai phạm trù quá xa nhau, nhưng nếu đặt vào tiềm thức thì e rằng cũng chẳng khác biệt! Vào thời điểm này, Liên đoàn bóng đá Việt Nam (VFF) đang gấp rút hoàn thành bản thảo cuốn Lịch sử bóng đá Việt Nam điểm lại hơn 100 năm trái bóng tròn theo chân người Pháp rồi lăn trên sân cỏ của mảnh đất hình chữ S. Bóng đá không còn đơn giản là đá quả bóng, mà gắn với mỗi vùng miền, mỗi giai đoạn của đất nước, mỗi thế hệ với bao thăng trầm gian khó nhưng cũng đầy tự hào.
Bóng đá là một phần cuộc sống của mỗi người Việt! Chuyện quá xa, có lẽ ít ai nhớ, nhưng bây giờ vẫn còn một thế hệ đã già trăn trở về thứ bóng đá xưa, khán đài luôn đầy ắp, những trận cầu cống hiến...
Vậy như thế nào và tại sao, khi mà miếng cơm, manh áo chẳng còn là thứ bận tâm lớn, sống đã biết lo cho mình hơn và khi mà bóng đá hào nhoáng khoác lên mình tấm áo chuyên nghiệp với những dòng tiền tỷ đổ vào sân cỏ, nó lại giống thứ vải nylon chật chội và nóng bức khiến người người nghĩ về tấm lụa cũ năm nào.
Cuối tuần này, trên sân cỏ cả nước trái bóng V-League 2017 lại lăn, nhưng sẽ có bao nhiêu người thực sự quan tâm đến đường lăn của nó?
Cuộc đua vô địch ư? Khi mà chuyện một ông chủ có rất, rất nhiều đội bóng cùng rất, rất nhiều danh vị, thì cú bứt phá của FLC Thanh Hóa thực sự là điểm son. Tiếc là trong cái cuộc đua một ngựa và nhiều ngựa ấy, phần thiệt đang nằm về xứ Thanh, dù chắc chắn với mỗi cổ động viên chân chính, lần đổi ngôi này chính là cứu cánh cho sân chơi số 1 quốc gia vốn đã quá tẻ nhạt. Cũng như thế ở phần cuối bảng xếp hạng, Long An đã không thể tự cứu nổi chính mình thì thử hỏi có bao nhiêu đội khác sẽ chỉ đá... cho xong nhiệm vụ?!
V-League không thể thu hút khán giả được là vì thế, khi mà ở đó mỗi người đến sân không tìm thấy niềm vui, bóng đá không còn là ngày hội mà giống như cuộc chơi đã được định hình từ trước. HLV lão làng Petrovic của FLC Thanh Hóa vừa lên tiếng xin lỗi vì "thông ngôn" dịch sai ý mình, nhưng có lẽ câu nói cũ của ông mà báo chí trích dẫn chẳng hề sai chút nào - Nên trao chức vô địch V-League cho 1 đội bóng nào đó, còn tất cả chỉ tranh chức 2-3 thì hấp dẫn hơn nhiều.
Nhiều năm trước khi đang đương nhiệm, Chủ tịch VFF, ông Mai Liêm Trực từng gây sốc với tuyên bố: Mặt bằng bóng đá thấp hơn mặt bằng xã hội. Tuyên bố ấy vẫn không sai nếu những nhà quản lý chỉ muốn khoác lên mình chiếc áo chuyên nghiệp hào nhoáng bằng nylon thay vì tấm áo lụa đã đi vào lòng người.
Hà Nội 26/10/2017
Vũ Minh