Khai trương Đông A Gallery: Tranh bán ra sẽ được mua lại với giá cao...
(Thethaovanhoa.vn) - Đông A Gallery vừa chính thức khai trương tại tầng 3 - Nhà sách Cá Chép (115, Nguyễn Thái Học, Hà Nội) với triển lãm 33 tác phẩm của 8 nghệ sĩ đương đại đến từ Huế, Sài Gòn và Hà Nội.
Đó là các nghệ sĩ: Nguyễn Văn Hè, Đỗ Hiệp, Lương Đức Hùng, Lã Huy, Tạ Huy Long, Lê Thúy, Phạm Tuấn Tú, Bùi Tiến Tuấn. Đây là 8 tác giả, hầu hết đều còn trẻ, nhưng đã tạo dựng được những cá tính và dấu ấn nghệ thuật riêng biệt mà Đông A Gallery sẽ đồng hành cùng họ trong chặng đường sáng tác sắp tới.
Đông A Gallery là phòng tranh nghệ thuật được phát triển từ Đông A Books - công ty hàng đầu về sách hình ảnh tại Việt Nam. Với việc không chỉ cung cấp tranh mà còn sách, tượng và các tác phẩm nghệ thuật khác, Đông A cho biết họ sẽ nỗ lực trở thành địa chỉ hàng đầu cung cấp các tác phẩm nghệ thuật cho công chúng yêu nghệ thuật của thủ đô.
Đặc biệt, tại buổi khai trương, đã có 6 tác phẩm được đặt mua, trong đó, ông Nguyễn Anh Vũ - Giám đốc Nhà xuất bản Văn học đã mua 4 tác phẩm: Trẻ con (họa sĩ Lã Huy), Nhà sư (họa sĩ Tạ Huy Long), Vân vê sợi chỉ đỏ (họa sĩ Bùi Tiến Tuấn), Nước mắt của Mẹ (họa sĩ Phạm Tuấn Tú), và Đỏng đảnh (họa sĩ Bùi Tiến Tuấn).
Ông Trần Đại Thắng – Giám đốc Đông A Gallery chia sẻ: “Để bảo chứng giá trị các tác phẩm hội họa do Đông A Gallery bán ra, chúng tôi cam kết mua lại vào mọi thời điểm với mức giá tối thiểu bằng 40% so với mức giá ban đầu. Đây là điều chưa từng có tiền lệ tại Việt Nam và qua cam kết này, các tác phẩm trưng bày tại Đông A Gallery không chỉ là một tác phẩm nghệ thuật mà còn là một tài sản vật chất giá trị, có thể đầu tư, sinh lợi hay lưu giữ… như bản chất vốn có của nó tại các nước phát triển trên thế giới”.
Cũng trong dịp này, Đông A cho ra mắt cuốn sách Tầng ba, kể về câu chuyện sáng tác của 8 nghệ sĩ tham gia đợt trưng bày.
Tất cả 8 nghệ sĩ góp mặt trong cuốn sách Tầng ba đều có phong cách, trường phái và sự thể hiện rất khác nhau. Đó là những khắc khoải về quá khứ trong tranh Nguyễn Văn Hè, cuộc giằng xé nội tâm trong hình khối của Lương Đức Hùng, phút chiêm nghiệm lạ thường từ nét vẽ Lã Huy, sự mỏng manh day dứt của Lê Thúy, cái siêu linh tách rời thế tục nơi Phạm Tuấn Tú, cuộc ngược dòng huyền thoại qua họa phẩm Tạ Huy Long, những mâu thuẫn ánh lên gam màu gây ấn tượng mạnh trong tranh Đỗ Hiệp và những rung cảm tinh tế được khắc họa bởi bàn tay Bùi Tiến Tuấn. Cuối cuốn sách là giúp bạn đọc hiểu rõ hơn về mối liên hệ giữa Gallery và nghệ sĩ…
Hoài Thương