Khai hội Đền Trần Thái Bình và đón nhận Bằng di tích Quốc gia đặc biệt
Tối 3/3 (tức ngày 13 tháng Giêng), tại Khu Lăng mộ và đền thờ các vị vua triều Trần, xã Tiến Đức, huyện Hưng Hà, Ủy ban nhân dân tỉnh Thái Bình long trọng tổ chức Lễ công bố Bằng xếp hạng di tích cấp Quốc gia đặc biệt và khai mạc Lễ hội Đền Trần năm 2015.
Các đồng chí: Nguyễn Xuân Phúc, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ; Uông Chu Lưu, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội; Trần Quốc Vượng, Bí thư Trung ương Đảng, Chánh Văn phòng Trung ương Đảng; đại diện Bộ VHTT&DL, lãnh đạo tỉnh Thái Bình cùng hàng vạn đồng bào, du khách đã về dự.
Nghi thức tế lễ trước lúc Khai mạc Lễ hội Đền Trần Thái Bình. Ảnh: Xuân Tiến-TTXVNThay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã trao Bằng xếp hạng di tích Quốc gia đặc biệt Khu Lăng mộ và Đền thờ các vị vua Trần cho Đảng bộ, nhân dân tỉnh Thái Bình. Phó Thủ tướng đã đánh trống khai mạc lễ hội Đền Trần (Thái Bình) năm 2015.
Cảnh lấy nước vào chum tế trong Lễ rước nước thủy bộ thuộc Lễ hội đền Trần. Ảnh: Xuân Tiến - TTXVNSau mỗi lần chiến thắng quân Nguyên Mông, các cuộc chặn đánh quân Chiêm Thành bảo vệ biên ải phía Nam thắng lợi, các vua Trần đều về mảnh đất Long Hưng xưa (nay là huyện Hưng Hà) làm lễ cáo yết tổ tiên, báo tiệp chiến thắng. Đây là nơi phát tích, dựng nghiệp vương triều Trần. Đây cũng là nơi yên nghỉ của các liệt tổ nhà Trần, của Thái Tổ Trần Thừa và ba vị vua đầu triều Trần là Trần Thái Tông, Trần Thánh Tông và một phần ngọc cốt của Đức vua Phật hoàng Trần Nhân Tông.
Năm 2014, lễ hội Đền Trần Thái Bình được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia với nhiều nghi lễ, phong tục độc đáo đậm nét văn hóa thời Trần như lễ rước nước, lễ giao chạ, thi cỗ cá thời Trần, các trò chơi dân gian, các điệu dân ca, dân vũ...
Sau Lễ công bố Bằng xếp hạng di tích Quốc gia đặc biệt, du khách được thưởng thức chương trình nghệ thuật đặc sắc với màn biểu diễn trống hội Long Hưng, múa rồng, múa lân của các nghệ nhân dân gian địa phương và màn sử thi “Đất thiêng dựng nghiệp nhà Trần”.
Trong những ngày diễn ra lễ hội sẽ có nhiều hoạt động tái hiện lại sự nghiệp của nhà Trần xưa kia và tưởng nhớ công lao các vị vua Trần như thi cỗ cá, cờ biển, thi pháo đất, thi gói bánh chưng, thi kéo lửa nấu cơm cần… Nét mới trong Lễ hội năm nay là ngày 5/3 (tức 15 tháng Giêng) sẽ diễn ra Ngày thơ Việt Nam với chủ đề hướng về biển đảo Tổ quốc và Hội Báo Xuân 2015. Lễ hội sẽ kết thúc cùng với Lễ giỗ Thái tổ Trần Thừa vào ngày 08/3/2015.
Rước nước về Đền Trần trong Lễ rước nước thủy bộ thuộc Lễ hội đền Trần. Ảnh: Thu Hoài - TTXVNTrước đó, chiều ngày 3/3, Lễ rước nước thủy bộ trong Lễ hội đền Trần, Thái Bình đã diễn ra một cách trang nghiêm. Sau gần 3 giờ, Lễ rước nước thủy, bộ - một trong những nghi lễ tạo nên giá trị văn hóa phi vật thể quốc gia của lễ hội đền Trần đã kết thúc thành công tốt đẹp. Trải qua gần 8 thế kỷ, cho đến nay Lễ rước nước vẫn được địa phương tôn tạo, gìn giữ đúng nguyên bản. Lễ rước nước thủy, bộ là hoạt động của nhân dân tưởng nhớ đến các vị vua Trần, nét đẹp “Uống nước nhớ nguồn” của mọi tầng lớp nhân dân. Đồng thời, lễ hội còn truyền lại thông điệp, trước khi lên ngôi vua, tổ tiên Nhà Trần sống bằng nghề chài lưới.
Xuân Tiến – Thu Hoài – Nguyễn Lành