Khai giảng thời 4.0
(Thethaovanhoa.vn) - Ngày khai giảng năm học mới trên toàn quốc sẽ bắt đầu vào hôm nay, giữa tiết trời vào Thu và nắng đẹp ở nhiều nơi.
Và, chúng ta hãy cùng gác lại những câu chuyện chưa hay, chưa đẹp trong quá khứ để nói về ngày khai trường.
Diễn ra giữa thời đại công nghệ 4.0, nên ở góc độ cá nhân, tôi cũng muốn đặt hy vọng vào bốn chữ “KHÔNG” trong ngày đầu tiên của năm học mới.
Chữ “không” đầu tiên là không có rác thải làm ô nhiễm môi trường. Cụ thể đó là việc hạn chế thả bóng bay trong lễ khai giảng - như mơ ước của một cô học trò lớp 6 trường Marie Curie - là nói không với các loại đồ dùng từ nhựa sử dụng một lần như chai nước, ống hút, là chuyện nói không với việc bọc sách vở bằng túi nilon. Các em là những mầm non của tương lai, và không hề quá sớm nếu được giáo dục về ý thức bảo vệ môi trường.
Như thế, trong cái “không” này, ngoài việc cùng chung tay ngay từ lễ khai giảng, gia đình và nhà trường cũng cần giáo dục, hướng dẫn và vận động một cách lâu dài, để các em làm quen với các ứng xử văn minh với môi trường mình đang sinh sống. Ý thức phải được hình thành từ những việc nhỏ nhất, từ những việc làm của những người gần gũi nhất trong nhà rồi trong lớp, chắc chắn vậy.
Chữ “không” tiếp theo là việc trong lễ khai giảng, các trường không nên quá lãng phí, chạy theo hình thức với những băng rôn, khẩu hiệu to, treo khắp sân trường, ngoài cổng rồi hoa chúc mừng bày dày đặc trên bục. Rất mong, các trường sẽ giảm bớt những hạng mục này để, dành chi phí cho những việc có ích hơn, thực tế hơn trong cả năm học: Đầu tư thêm sách cho thư viện trường, mua thêm các đồ dùng dụng cụ phục vụ cho công tác giảng dạy học sinh, thường xuyên dọn dẹp vệ sinh để các em được học trong một môi trường đủ an toàn về sức khỏe.
Chữ “không” thứ ba trong lễ khai giảng năm nay là việc không lãng phí thời gian. Cụ thể các trường hãy giảm thiểu chuyện đọc diễn văn khai mạc, báo cáo thành tích dài dòng trong khi các em học sinh – đối tượng chính của lễ khai giảng phải ngồi xếp hàng chờ đợi, sốt ruột.
Tôi rất vui khi biết tin vài ngày trước, ngành giáo dục Nghệ An đã có công văn yêu cầu các trường học rút ngắn thời gian phần lễ trong ngày khai giảng để không quá 30 phút, đồng thời không báo cáo thành tích trong ngày khai giảng để tránh học sinh ngồi lâu giữa mưa, nắng. Đó là bài học thiết thực để người lớn chúng ta dạy cho các em biết giá trị của thời gian, tôn trọng sự đúng giờ, đúng việc, không lan man, hình thức… trong cuộc sống hàng ngày.
Chữ “không” cuối cùng trong lễ khai giảng mà chúng ta cần phải làm, đó là việc không hô hào khẩu hiệu suông cho năm học mới và thay bằng hành động cụ thể, thiết thực.
Tôi nhớ, tại Hội nghị tổng kết năm học 2018-2019, triển khai nhiệm vụ năm học 2019-2020, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam từng nhắc tới một thực trạng: chúng ta vẫn nói "Dạy tốt học tốt", trong khi nhiều giáo viên phổ thông hiện nay sau khi thuộc xong hết SGK lại gần như không tự học tiếp để sáng tạo. “Thầy cô khen học sinh bây giờ dùng máy tính rất giỏi nhưng giáo viên lại không nắm vững. Tại sao hô học sinh học tốt mà giáo viên lại không chịu phấn đấu?” - ông nói.
Rồi, từ những vụ việc tiêu cực về cách ứng xử..., nhiều người đã đặt câu hỏi: Các em đang được học môn Đạo đức như thế nào?
"Bây giờ chúng ta phải dạy đạo đức là không cần học những thứ cao siêu. Phải gần gũi, thân thiết. Người tốt việc tốt ở ngay trong địa bàn, trường lớp mình với những câu chuyện thật đơn giản” - Phó Thủ tướng đã chỉ đạo rất thiết thực.
Như thế, chữ “không” cuối cùng vẫn có thể tìm được lời giải, nếu tất cả chúng ta đều cùng tập trung và tìm đáp án cho câu hỏi “Chúng ta đã vì học sinh thân yêu chưa”? Bởi, có thể những đáp án đưa ra chưa thỏa mãn ngay được tất cả cộng đồng, nhưng sự trăn trở, suy nghĩ về câu hỏi ấy sẽ khiến gia đình và nhà trường cùng tự hoàn thiện mình theo thời gian để giáo dục các em.
Quốc Khánh