Khách quốc tế đến Việt Nam vượt mốc 6 triệu lượt người
Theo số liệu Tổng cục Thống kê công bố sáng 29/4, trong tháng 4/2024, lượng khách quốc tế đến nước ta đạt gần 1,6 triệu lượt, tăng 58,2% so với cùng kỳ năm trước.
Tính chung 4 tháng qua, khách quốc tế đến nước ta đạt 6,2 triệu lượt người, tăng 68,3% so với cùng kỳ năm trước; tăng 3,9% so với cùng kỳ năm 2019 - năm chưa xảy ra dịch COVID-19. Đó là do chính sách thị thực thuận lợi, các chương trình kích cầu du lịch hấp dẫn đang tiếp tục phát huy tác dụng, thu hút lượng khách quốc tế đến Việt Nam tăng khá cao so với cùng kỳ năm trước.
Trong tổng số gần 6,2 triệu lượt khách quốc tế đến Việt Nam 4 tháng qua, khách đến bằng đường hàng không chiếm 83,7%; đường bộ 13,8% và đường biển là 2,5%. Doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống 4 tháng đầu của năm 2024 ước đạt 237,3 nghìn tỷ đồng, tăng 15,3%; doanh thu du lịch lữ hành ước đạt 19.400 tỷ đồng, tăng 49,3% so với cùng kỳ năm trước.
Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) thông tin: Trang web Guruwalk (tổ chức cộng đồng quốc tế chuyên cung cấp các tour đi bộ với hướng dẫn viên du lịch bản địa tại các thành phố trên thế giới) đã chọn Hà Nội, Hội An (Quảng Nam) và Thành phố Hồ Chí Minh là 3 điểm đến của nước ta nằm trong danh sách 100 thành phố tuyệt vời nhất để đi bộ du lịch. Danh sách này được tổng hợp dựa trên dữ liệu đặt chỗ và tìm kiếm của 800 thành phố tại 120 quốc gia thực hiện trên trang web của Guruwwalk từ tháng 4/2023 đến tháng 4/2024.
Mới đây, Cục trưởng Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam Nguyễn Trùng Khánh đã tham dự Diễn đàn chính sách địa phương với chuyên đề "Phát triển du lịch xanh và bền vững" do UBND tỉnh Khánh Hòa tổ chức. Cục trưởng Nguyễn Trùng Khánh nêu rõ: Tăng trưởng xanh là xu thế chung trên toàn cầu nhằm đạt được mục tiêu về tăng trưởng kinh tế, phát triển xã hội bền vững gắn với bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu.
Tại Việt Nam, Chính phủ đã ban hành Chiến lược quốc gia và Kế hoạch hành động quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 xác định các nhiệm vụ chiến lược. Đó là: Giảm cường độ phát thải khí nhà kính và thúc đẩy sử dụng năng lượng sạch, năng lượng tái tạo; xanh hóa sản xuất; xanh hóa lối sống, tiêu dùng bền vững.Xu hướng tiêu dùng du lịch "xanh" ngày càng được du khách quan tâm, đặc biệt là các sản phẩm thân thiện với môi trường, tôn trọng văn hóa bản địa và cộng đồng địa phương.
Theo nghiên cứu của Trip Advisor: Có 34% du khách được hỏi sẵn sàng chi trả thêm để lưu trú ở các khách sạn thân thiện với môi trường, 50% sẵn sàng chi trả thêm cho công ty du lịch mang lại lợi ích cho cộng đồng địa phương và hoạt động bảo tồn. Qua đó có thể thấy, du lịch "xanh" không chỉ bảo đảm phát triển bền vững mà còn là giải pháp giúp gia tăng lượng khách có mức chi tiêu cao, ý thức, hành động văn minh khi đi du lịch. Tổ chức Du lịch Liên hợp quốc (UN Tourism) đã xác định phát triển du lịch theo hướng tăng trưởng xanh là cần thiết và tất yếu, trong đó du lịch là một nhân tố thúc đẩy phát triển kinh tế xanh.
Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam đã phối hợp với Cơ quan thẩm quyền quản lý CITES Việt Nam và WWF - Việt Nam tổ chức chương trình "Tập huấn thúc đẩy du lịch có trách nhiệm gắn với bảo tồn thiên nhiên và động vật hoang dã" tại Tam Đảo, Vĩnh Phúc.